Thứ ba, 19/11/2024 | 04:16 GMT +7
Cách trung tâm TP Pleiku chừng vài km, câu chuyện về ông gia đình Huỳnh Thông (thôn 1, xã Diên Phú, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) theo đuổi mô hình trồng cà phê theo hướng hữu cơ hàng chục năm qua đã khiến không ít người dân trong vùng thán phục. Chính vì trồng theo hướng hữu cơ nên dù vườn cà phê 5ha của gia đình có tuổi đời gần 30 năm nhưng vẫn còn rất sung sức, cho năng suất ổn định, lợi nhuận cao.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn cà phê bạt ngàn, xanh mướt, ông Thông cho biết, trồng cà phê theo hướng hữu cơ đã được gia đình ông theo đuổi từ 15 năm về trước. Thời điểm ấy, khái niệm về mô hình trồng theo hướng hữu cơ vẫn còn khá xa lạ đối với nhiều người dân trong vùng.
Ông Thông chia sẻ: “Trước đây gia đình sử dụng nhiều phân bón hóa học làm cho chất đất ngày càng xấu đi, cây trồng kém phát triển và thường bị bệnh. Đặc biệt, việc lạm dụng phân bón hóa học khiến sức khỏe của mọi người trong gia đình không được đảm bảo. Sau đó, tôi suy nghĩ làm thế nào để giảm sử dụng phân hóa học mà cây trồng vẫn phát triển bền vững hơn. May mắn, sau đó gia đình được Hội Nông dân TP Pleiku và xã Diên Phú tổ chức các lớp tập huấn canh tác theo hướng hữu cơ. Từ đó, gia đình quyết định chuyển sang trồng cà phê theo hướng hữu cơ”.
Bên cạnh việc tham gia các lớp tập huấn, ông Thông cũng lên mạng tìm hiểu thêm cách trồng cà phê theo hướng hữu cơ, đặc biệt là cách thức sử dụng phân gà ủ hoai để bón cho vườn cây.
Mặc dù đã nắm bắt kiết thức sử dụng phân bón hữu cơ nhưng thời gian đầu ông Thông vẫn chưa dám bỏ hoàn toàn phân hóa học mà kết hợp cả 2 loại. Bởi theo ông Thông, bón phân hữu cơ giúp cải tạo, tăng chất dinh dưỡng trong đất, giúp cây trồng phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, sử dụng phân hữu cơ cần phải có thời gian để đất thấm dần dinh dưỡng, nếu không cây trồng sẽ bị “hụt hơi”.
“Đến thời điểm này, gia đình gần như không dùng phân hóa học nữa mà chủ yếu sử dụng phân hữu cơ gồm phân gà, phân vi sinh… để bón cho cây trồng”, ông Thông chia sẻ.
Không chỉ giúp cây cà phê sinh trưởng, phát triển tốt, sử dụng phân hữu cơ còn giúp gia đình ông Thông tiết giảm được chi phí, tối ưu hóa lợi nhuận. Cụ thể, ngày trước bón phân hóa học, mỗi năm gia đình đầu tư hết khoảng 200 triệu đồng cho cả vườn cà phê. Còn hiện tại, sử dụng phân hữu cơ, gia đình ông chỉ tốn khoảng hơn 100 triệu đồng.
Bên cạnh sử dụng phân bón hữu cơ, ông Thông còn để cỏ mọc tự nhiên dưới gốc cây cà phê nhằm giữ ẩm và chống xói mòn cho đất. Khi cỏ mọc cao, ông chỉ thực hiện cắt phần ngọn và để ủ luôn tại chỗ nhằm tạo thành những lớp mùn. Từ đó, chất đất ngày càng được đảm bảo, cây cà phê sẽ phát triển bền hơn.
Hài lòng với vườn cà phê sử dụng phân hữu cơ, ông Thông chia sẻ: “Không thuộc diện vượt trội, nhưng so với mặt bằng chung các vườn cây sử dụng phân hóa học thì vườn cà phê của gia đình có chút nhỉnh hơn về năng suất, chất lượng. Đặc biệt, vườn cà phê trồng theo hướng hữu cơ đã giải được bài toán kinh tế, không phải cứ doanh thu nhiều thì lợi nhuận sẽ cao”.
Ông Thông lấy ví dụ, nhiều vườn cà phê cho doanh thu hàng tỷ đồng, nhưng chi phí đầu tư cao, sử dụng phân hóa học tốn kém, dẫn đến lợi nhuận không được bao nhiêu. Trong khi vườn cà phê của gia đình ông chỉ có doanh thu khoảng 700 triệu đồng nhưng chi phí đầu tư phân hữu cơ chỉ hết hơn 100 triệu đồng nên lợi nhuận thu về vẫn rất cao.
Nhờ bón phân hữu cơ mà vườn cà phê của gia đình ông Thông đến nay vẫn phát triển tốt, ít bị sâu bệnh. Mỗi vụ, vườn cà phê cho năng suất 20 tấn nhân, tùy theo giá thị trường, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình thu lợi nhuận từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Không chỉ trồng cà phê, hiện gia đình ông Thông còn trồng xen 200 cây sầu riêng trong vườn với hi vọng những năm tới, vườn cây sẽ cho thu nhập cao hơn.
“Làm nông nghiệp, đặc biệt đã trồng cây cà phê được gần 30 năm nên gia đình có nhiều kinh nghiệm trong việc cải tạo đất, chăm sóc vườn cây. Hàng ngày tôi luôn quan sát chất đất, sự phát triển của cây, điều gì tốt hay không tốt đều có thể cảm nhận được. Sử dụng phân hữu cơ rõ ràng đã giúp tăng chất dinh dưỡng cho đất, vườn cây phát triển bền và đặc biệt sức khỏe gia đình luôn được đảm bảo”, ông Thông bộc bạch.
Bà Ngô Thị Bích Chi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Phú (TP Pleiku) cho biết, toàn xã có 137 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có hộ ông Huỳnh Thông.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Thông còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, hỗ trợ nhiều gia đình về vốn phục vụ sản xuất. Đặc biệt, ông Thông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ cho những hộ dân có nhu cầu.
Với những thành quả đã đạt được, ông Huỳnh Thông đã được Chủ tịch UBND xã Diên Phú tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2022”. Ngoài ra, ông cũng là gương điển hình trong việc tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở và tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Các mô hình nuôi lợn thịt đạt trên 70% tiêu chí hữu cơ, an toàn sinh học, tuần hoàn khép kín, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi...
THANH HÓA Bà Sanh mất hơn 30 năm cải tạo vùng đồi cằn thành những vườn cây ăn quả trù phú, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng.
BÌNH DƯƠNG HTX Tân Mỹ nổi bật trong ứng dụng công nghệ cao trồng bưởi hữu cơ, góp phần cải thiện độ phì nhiêu cho đất và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
QUẢNG NINH Theo một số đơn vị trồng chè trên địa bàn huyện Hải Hà, nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, chè Hải Hà có hương vị thơm ngon, đậm đà hơn so với trước đây.
HẢI PHÒNG Khi được chủ vườn táo Đại Mật giới thiệu về việc tưới nước lợ cho quả thêm giòn, thêm đậm vị, tôi phải hỏi đi hỏi lại chị xem có nghe nhầm hay không.