Thứ bảy, 19/04/2025 | 04:13 GMT +7

  • Click để copy
Thứ tư- 18:42, 22/05/2024

'Quay lưng' hóa chất, vườn cà phê xanh mướt giữa nắng hạn khốc liệt

GIA LAI Không ít vườn cây đang dần ‘quay lưng’ với phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, từng bước hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững.
Ông Phạm Doanh Cách sản xuất phân bón hữu cơ từ chế phẩm vi sinh vật bản địa. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Phạm Doanh Cách sản xuất phân bón hữu cơ từ chế phẩm vi sinh vật bản địa. Ảnh: Tuấn Anh.

Trồng cà phê theo hướng hữu cơ giúp gia đình ông Phạm Doanh Cách tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cà phê.

Cà phê xanh mướt giữa cao điểm nắng hạn

Dưới cái nắng chói chang những ngày hè, vườn cà phê hơn 3ha xen kẽ hàng trăm cây sầu riêng của gia đình ông Phạm Doanh Cách (làng Ngai Ngó, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) vẫn xanh tươi mơn mởn. Hệ thống phun mưa tận gốc đưa dòng nước mát đến từng gốc cây, cùng với nguồn dinh dưỡng từ phân hữu cơ đã giúp cho vườn cà phê, sầu riêng của gia đình nổi bật màu xanh trên khoảng không gian rộng lớn giữa mùa hạn.

Ông Cách cho biết, trước đây do canh tác theo lối truyền thống, sử dụng nhiều bón phân hóa học, phun thuốc trừ sâu bệnh thiếu kiểm soát dẫn đến đất đai bạc màu, nhiễm độc, cây cà phê nhanh suy tàn, già cỗi, năng suất không ổn định. Chưa kể những năm gần đây, giá phân bón hóa học ngày càng tăng cao, chất lượng phân không đảm bảo khiến cho cây trồng ngày càng kém phát triển.

Sau thời gian dài trăn trở tìm hướng đi cho cây cà phê, vốn là cây trồng chủ lực của gia đình, ông Cách nhận thấy chỉ có trồng theo hướng hữu cơ mới có thể phát triển bền vững theo thời gian. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, sử dụng phân hữu cơ như thế nào, bón phân loại gì cho hiệu quả đối với cây cà phê thì ông Cách gần như không biết.

Nhờ sử dụng phân bón hữu cơ nên vườn cà phê của gia đình ông Cách vẫn luôn xanh tươi dù đang ở thời điểm khô hạn khắc nghiệt. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhờ sử dụng phân bón hữu cơ nên vườn cà phê của gia đình ông Cách vẫn luôn xanh tươi dù đang ở thời điểm khô hạn khắc nghiệt. Ảnh: Tuấn Anh.

Phải đến năm 2022, trong một lần tình cờ qua huyện Chư Păh giao lưu, học hỏi về quy trình chăm sóc cà phê bền vững, ông Cách đã được tiếp cận với phân hữu cơ được sản xuất từ chế phẩm vi sinh vật bản địa (IMO). Tại đây, ông được hướng dẫn cách tự sản xuất phân hữu cơ từ đạm cá, đậu nành để bón cho vườn cà phê.

“Mùa vụ năm ngoái do thời tiết bất lợi, gia đình tôi cũng như đa phần người dân nơi đây đều mất mùa cà phê. Tuy nhiên, nhờ sử dụng phân hữu cơ, khi thu hoạch cà phê quả vẫn tươi, chín đỏ mà không bị khô quả do sử dụng phân hóa học như trước đây”, ông Cách chia sẻ.

Theo ông Cách, những năm trước đây gia đình chủ yếu sử dụng phân hóa học cho cây cà phê với các khoản đầu tư rất lớn, chưa kể tiền thuốc sâu, thuốc bệnh nên tổng chi phí cho vườn cà phê lên đến hàng trăm triệu đồng.

Hơn 2 năm trởi lại đây, gia đình đã đỡ áp lực đi rất nhiều khi chi phí đầu tư phân bón hữu cơ đã giảm đi được hơn 1/3 so với trước đây. Quan trọng nhất, cây cà phê luôn xanh tốt và phát triển bền vững hơn.

“Khi chuyển hướng sang sử dụng phân hữu cơ, sức khỏe của bản thân và gia đình đã được cải thiện đáng kể. Trước đây, khi sử dụng phân hóa học, gia đình phải đem phân đi bón cho từng gốc cây, còn khi chuyển sang dùng phân hữu cơ, chỉ cần đưa phân theo đường ống tưới tiết kiệm, vừa không ảnh hưởng sức khỏe lại đỡ công lao động. Quan trong hơn, lượng phân được tưới đều giúp cây phát triển ngày càng bền vững”, ông Cách chia sẻ.

Hướng đến cà phê chất lượng cao

Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn cà phê, ông Cách cho biết, sử dụng phân hữu cơ cây cà phê không phát triển nhanh như phân hóa học mà sẽ ngấm từ từ vào đất giúp cây xanh lá, dày quả hơn. Mặt khác, do gia đình hướng đến cà phê chất lượng cao nên phải thu hoạch chủ yếu quả chín, việc sử dụng phân hóa học sẽ khiến cho quả cà phê bị khô, kém chất lượng.

Vườn cà phê của ông Cách được lắp đặt hệ thống tướn phun mưa tận gốc để hướng đến sản xuất cà phê chất lượng cao. Ảnh: Tuấn Anh.

Vườn cà phê của ông Cách được lắp đặt hệ thống tướn phun mưa tận gốc để hướng đến sản xuất cà phê chất lượng cao. Ảnh: Tuấn Anh.

Sản xuất cà phê chất lượng cao giúp gia đình ông Cách không mất nhiều công phơi khô, trong khi giá bán lại cao hơn so với cà phê thông thường hơn 10 triệu đồng/tấn. Năm ngoái, cà phê được mùa, gia đình thu hoạch được 5 tấn nhân/ha. Với giá thời điểm hiện tại trên 100.000 đồng/kg, gia đình có mùa vụ bội thu từ cà phê.

Đề cập đến ý tưởng phát triển cà phê chất lượng cao, ông Cách cho biết, sau khi tìm hiểu các mô hình cà phê chất lượng cao bên Đắk Lắk, ông đã mày mò mua trang thiết bị về triển khai thực hiện. Việc phát triển cà phê chất lượng cao đang trở thành xu thế giúp năng suất, chất lượng cà phê tăng cao, tăng thu nhập cho gia đình.

“Nếu hái quả cà phê xanh nhiều quá thì sản lượng sẽ giảm, vừa ảnh hưởng đến chất lượng cà phê. Ý thức được điều đó, gia đình tôi chăm chút hái cà phê chín thành nhiều đợt. Tuy tốn nhiều công sức hơn nhưng được cái lợi là bảo vệ được cành cà phê. Ngoài ra, gia đình còn sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Với cách làm này, chi phí sản xuất giảm khoảng 30% so với trước nhưng bù lại năng suất đạt, giá bán cà phê cũng cao hơn”, ông Cách chia sẻ.

Cà phê nhân chất lượng cao được gia đình ông Cách bảo quản rất kỹ lưỡng. Ảnh: Tuấn Anh.

Cà phê nhân chất lượng cao được gia đình ông Cách bảo quản rất kỹ lưỡng. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngay sau khi gia đình ông Cách sản xuất cà phê theo hướng chất lượng cao, rất nhiều người dân trong vùng cũng đã đến tìm hiểu, học hỏi. Ông Cách cho biết, yếu tố quan trọng nhất để làm cà phê chất lượng cao là phải “vườn sát nhà, nhà sát vườn” mới để được cà chín đều. Còn nếu trồng cà phê trong rẫy, cách xa nhà, khi cà phê đến giai đoạn bắt đầu chín mà không thu hái sẽ dễ bị mất trộm. Bên cạnh đó, gia đình phải có đường điện 3 pha để phục vụ nước tưới, sơ chế cà phê.

Ngoài ra, để cà phê đạt chất lượng cao, gia đình phải xây dựng sân bê tông, đầu tư hệ thống nhà màng phơi sấy bài bản để đạt hiệu quả nhất.

Giới thiệu kho cà phê nhân chất lượng cao, ông Cách phấn khởi cho biết, gia đình còn 15 tấn cà phê nhân, giá bán hiện tại trên 100.000 đồng/kg, dự kiến thu về hơn 1,5 tỷ đồng.

Ông Phan Đình Thắm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ia Grai cho biết, hướng tới phát triển cây cà phê bền vững, thời gian qua, Phòng đã khuyến khích người dân nhân rộng, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước phù hợp, đẩy mạnh sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, có chứng nhận đạt các tiêu chuẩn 4C, VietGAP, UTZ… Đồng thời, triển khai chương trình tái canh cà phê trên toàn huyện, ưu tiên vốn sự nghiệp nông - lâm để hỗ trợ người dân giống cà phê năng suất cao, trồng theo hướng hữu cơ.

Tuấn Anh

Đưa ‘báu vật trời ban' vươn thị trường quốc tế

Đưa ‘báu vật trời ban' vươn thị trường quốc tế

YÊN BÁI Chè Shan tuyết được coi như ‘báu vật trời ban', người Mông ở Phình Hồ để chè phát triển tự nhiên, tuân thủ nguyên tắc sản xuất hữu cơ, hướng tới xuất khẩu sản phẩm.

Thanh niên tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ ở Thành Sen

Thanh niên tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ ở Thành Sen

HÀ TĨNH HTX Thanh niên Thành Sen mạnh dạn thuê hơn 4,3ha đất bỏ hoang nhiều năm tại phường Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) để lập dự án sản xuất rau củ quả hữu cơ.

Nông nghiệp tuần hoàn giúp nông dân Vĩnh Phúc tăng thu nhập 10%

Nông nghiệp tuần hoàn giúp nông dân Vĩnh Phúc tăng thu nhập 10%

Từ năm 2022 đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ hơn 700 tấn chế phẩm sinh học giúp người dân phát triển nông nghiệp tuần hoàn.

Câu lạc bộ Organic Kiên Giang lan tỏa sản xuất hữu cơ

Câu lạc bộ Organic Kiên Giang lan tỏa sản xuất hữu cơ

KIÊN GIANG Câu lạc bộ Organic Kiên Giang đã tư vấn quy trình sản xuất, hỗ trợ kết nối cung cầu, cung ứng vật tư nhằm lan tỏa mô hình sản xuất hữu cơ, sinh học.

Chàng trai 'bắt’ dưa vàng ra quả theo ý muốn

Chàng trai 'bắt’ dưa vàng ra quả theo ý muốn

THANH HÓA Sử dụng phân bón có nguồn gốc sinh học, áp dụng các giải pháp canh tác nông nghiệp bền vững giúp anh Hải thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng dưa vàng.

Trồng khóm hữu cơ, nuôi ốc lát Thái, lão nông kiếm tiền khỏe re

Trồng khóm hữu cơ, nuôi ốc lát Thái, lão nông kiếm tiền khỏe re

HẬU GIANG Một nông dân Hậu Giang trồng khóm hữu cơ, nuôi ốc lát Thái, sự kiên trì, sáng tạo giúp ông nâng cao thu nhập, tạo hướng đi bền vững cho bà con trong vùng.

Bí kíp bón phân hữu cơ cho dòng chè trung du cổ

Bí kíp bón phân hữu cơ cho dòng chè trung du cổ

THÁI NGUYÊN Để chè trung du đạt chuẩn hữu cơ mang đậm đà hương vị 'tiền chát hậu ngọt' đòi hỏi phải cung cấp dinh dưỡng dồi dào và được cây chè hấp thụ hiệu quả.

Xem Thêm