Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:46 GMT +7

  • Click để copy
Thứ hai- 07:03, 04/03/2024

Tạo 4 nguồn thu nhờ kiên trì theo đuổi cà phê hữu cơ

ĐẮK LẮK Sau 7 năm canh tác hữu cơ, vườn cà phê Vương Thành Công có nguồn thu đa dạng từ các sản phẩm cà phê, trà hoa cà phê, rượu vang cà phê, đồ mỹ nghệ.
Sau nhiều năm kiên trì theo đuổi mô hình canh tác hữu cơ, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công đã được cấp chứng nhận cà phê hữu cơ vào tháng 3/2021. Ảnh: Phương Thảo.

Sau nhiều năm kiên trì theo đuổi mô hình canh tác hữu cơ, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công đã được cấp chứng nhận cà phê hữu cơ vào tháng 3/2021. Ảnh: Phương Thảo.

Giữ trong mình niềm đam mê với cây cà phê, ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vừa kết thúc năm 2023 với nhiều niềm vui nhờ loại nông sản này mang lại.

Các sản phẩm từ cà phê đã giúp Công ty Vương Thành Công có 4 nguồn thu trong năm 2023. Đây là kết quả phấn khởi của ông Vương khi kiên trì theo đuổi con đường canh tác cà phê hữu cơ 7 năm qua.

Là một trong số ít doanh nghiệp sớm chuyển đổi trồng cà phê vô cơ sang hữu cơ, nhớ lại thời điểm khởi đầu tháng 2/2017, ông Vương cho biết Công ty gặp vô vàn khó khăn do thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm và lòng tin.

Hầu hết mọi người đều nói làm hữu cơ cây còi cọc, năng suất giảm một nửa, đầu tư cao, công bỏ ra nhiều. Nhưng nhờ lòng quyết tâm thay đổi nếp nghĩ, cách làm nên ông Vương vẫn quyết tâm thực hiện bằng được.

Khởi điểm, ông Vương đã kết hợp với Công ty Nông nghiệp xanh Việt Nam chuyên sản xuất phân bón hữu cơ sinh học cao cấp. Người đàn ông có nhiều đau đáu với cây cà phê này đã không ngừng học hỏi, tìm hiểu thêm kiến thức về nông nghiệp hữu cơ, đồng thời trau dồi thêm kinh nghiệm.

Vườn cà phê Vương Thành Công thường xuyên đón tiếp các đoàn khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm, tham quan và học hỏi. Ảnh: TL.

Vườn cà phê Vương Thành Công thường xuyên đón tiếp các đoàn khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm, tham quan và học hỏi. Ảnh: TL.

Ông Vương tích cực tham gia học thực hành về nông nghiệp hữu cơ và thanh tra giám sát viên nông nghiệp hữu cơ do Viện Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Việt Nam đào tạo, cấp chứng chỉ.

“Sau vài tháng áp dụng và chuyển đổi quy trình, tôi nhận thấy vườn cây xanh tốt, khoẻ mạnh, hứa hẹn một mùa bội thu nên vận động gia đình, bà con làm theo mô hình và lên kế hoạch cộng thêm giá ban đầu 10 – 20.000 đồng/kg cà phê nhân so với thị trường khi ký kết hợp đồng với nông dân”, ông Vương chia sẻ về quyết định liều lĩnh lúc đó.

Đồng thời, Công ty cũng hỗ trợ hoàn toàn miễn phí cho nông dân quy trình canh tác cà phê hữu cơ ở tất cả các khâu, từ chăm sóc không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vô cơ đến thu hoạch, sơ chế nhằm khuyến khích, khích lệ bà con chuyển đổi theo.

Sau 7 năm triển khai chuyển đổi mô hình canh tác, Công ty Vương Thành Công đã được cấp chứng nhận cà phê hữu cơ vào tháng 3/2021. Vườn cà phê của Vương Thành Công trở thành địa chỉ được nhiều anh chị em trồng cà phê, các hội, khuyến nông quốc gia và địa phương tham quan tìm hiểu, học hỏi.

Công ty cũng thường xuyên đón tiếp các đoàn khách trong nước và quốc tế đến với tour du lịch trải nghiệm, tham quan thực tế về cà phê hữu cơ, văn hoá cà phê, các sản phẩm mới lạ, độc đáo từ loại nông sản này.

Nhờ có nguồn cảm hứng, động lực từ mô hình cà phê hữu cơ, Công ty Vương Thành Công đã nghiên cứu ra một số sản phẩm độc đáo, mới lạ như: Vang cà phê, rượu cà phê, trà hoa cà phê, trà vỏ cà phê, cà phê làm đẹp, cà phê sức khoẻ… Trong đó, trà hoa cà phê và vang cà phê được đánh giá là một trong những sản phẩm tiên phong trên thế giới do Công ty nghiên cứu và sản xuất.

Công ty Vương Thành Công có nguồn thu đa dạng từ 4 loại sản phẩm nhờ canh tác hữu cơ, gồm: Các sản phẩm cà phê, trà cà phê, rượu cà phê và đồ thủ công mỹ nghệ từ gốc cà phê già cỗi. Ảnh: Phương Thảo.

Công ty Vương Thành Công có nguồn thu đa dạng từ 4 loại sản phẩm nhờ canh tác hữu cơ, gồm: Các sản phẩm cà phê, trà cà phê, rượu cà phê và đồ thủ công mỹ nghệ từ gốc cà phê già cỗi. Ảnh: Phương Thảo.

Vườn cà phê hữu cơ Vương Thành Công hiện đã phục vụ nguyên liệu chế biến ra đa dạng sản phẩm. Ngoài các sản phẩm cà phê thông thường, Công ty còn có nguồn thu từ hoa cà phê làm trà mang lại giá trị cao, giá bán ra thị trường ở mức 10.000.000 đồng/kg.

Vỏ quả cà phê hữu cơ chín được chế biến làm trà cascara giá 2.000.000 đồng/kg. Vỏ quả cà phê còn có thể sản xuất vang cà phê trị giá 6.000.000/lít và rượu cà phê có giá 2.500.000 đồng/lít. Gốc cây cà phê già cỗi được khai thác làm thủ công mỹ nghệ.

Vương Thành Công đã có sản phẩm đạt OCOP 4 sao được chế biến bằng thiết bị rang xay hiện đại. Ngoài đạt 4 sao OCOP, sản phẩm của Công ty còn đạt các chứng nhận, danh hiệu như: Giấy chứng nhận hữu cơ, chứng nhận ISO 22000:2018, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh…

Nhờ vậy, đời sống nhân viên Công ty không ngừng tăng lên và số lượng các hộ nông dân liên kết với Vương Thành Công ngày càng tăng cao. Tính đến hết năm 2023, Vương Thành Công đã ký cam kết bao tiêu cho 7 hợp tác xã và 13 hộ nông dân với tổng diện tích 700ha. Trong 65ha đã chuyển đổi từ canh tác cà phê vô cơ sang hữu cơ, có 4,6ha đã được cấp chứng nhận.

“Việc thực hiện trồng và sản xuất cà phê hữu cơ vừa giúp đảm bảo sức khỏe người trồng, người sản xuất, chế biến và người tiêu dùng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị sản phẩm”, ông Vương tâm đắc.

Năm vừa qua, những hệ lụy từ bối cảnh kinh tế thế giới khiến việc bán hàng chậm trễ, tuy nhiên từ trong khó khăn, Công ty luôn hướng đến những niềm tin tích cực thông qua con đường cà phê hữu cơ đã chọn.

Ông Lê Văn Vương (đứng giữa) hào hứng chia sẻ kinh nghiệm và nhiệt huyết làm cà phê hữu cơ với các nhà nhập khẩu Nhật Bản tới tham quan vườn. Ảnh: TL.

Ông Lê Văn Vương (đứng giữa) hào hứng chia sẻ kinh nghiệm và nhiệt huyết làm cà phê hữu cơ với các nhà nhập khẩu Nhật Bản tới tham quan vườn. Ảnh: TL.

Nhờ điểm tựa của văn hóa doanh nghiệp luôn hướng tới những giá trị cho xã hội, Vương Thành Công đã vượt qua khó khăn hiện nay, mở rộng được thêm khách hàng nước ngoài (Australia, Siri Lanka, Nhật Bản) và bắt đầu ghi dấu ấn thương hiệu ở thị trường quốc tế.

Bước sang năm 2024, ông Vương cho biết, Công ty kiên trì mục tiêu phát triền nhân rộng mô hình, tuy nhiên "đi chậm mà chắc", không phát triển ồ ạt dẫn đến mất kiểm soát hoặc kiểm soát không tốt vùng nguyên liệu.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích sản xuất và giữ vững những diện tích đã - đang chuyển đổi, tích cực học tập rèn luyện, nâng cao năng lực. Công ty cũng sẽ không ngừng tập huấn, đào tạo cho bà con hiểu hơn và thực hiện tốt, có hiệu quả quy trình canh tác cà phê hữu cơ”, ông Vương chia sẻ.

Phương Thảo

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm