Thứ tư, 11/12/2024 | 08:29 GMT +7
Tại xã Đam B’ri (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng), anh Đỗ Huy Tuyến (39 tuổi) là người tiên phong trong phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp hữu cơ. Gia đình anh Tuyến có tổng cộng 3ha vườn cà phê. Hơn chục năm về trước, để gia tăng thu nhập, anh đã chuyển đổi 1ha cà phê qua trồng cỏ nuôi bò sữa. Đến năm 2018, nhận thấy việc phát triển bò sữa không còn phù hợp nên gia đình anh tiếp tục chuyển đổi qua sản xuất các loại rau.
Theo anh Tuyến, nhận thấy việc phát triển rau, củ quả theo hình thức cũ, sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ và môi trường nên gia đình tìm hiểu và quyết tâm xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ. “Tôi nghĩ rằng, nếu sản xuất theo lối cũ thì nguồn tiền thu về có khi phải dùng để mua thuốc chữa bệnh. Do vậy, vợ chồng tôi đã tìm hiểu các thông tin về nông nghiệp hữu cơ và học hỏi, làm dần dần”, anh Tuyến kể.
Vợ chồng anh Tuyến sau đó tiến hành cày bỏ một phần vườn cỏ rồi tổ chức xử lý đất, nguồn nước để chuẩn bị sản xuất các loại rau theo hướng hữu cơ. Cùng với đó, anh cũng tổ chức cải tạo, trồng các loại cây che chắn ở vành đai để tạo vùng đệm cho khu vườn. Chủ vườn 39 tuổi chia sẻ, khu vườn vốn trồng cỏ chăn nuôi bò sữa theo hướng hữu cơ trong suốt gần 10 năm nên chất lượng đất, nước tại đây được đảm bảo. Quá trình xuống các loại giống rau sau đó được tiến hành.
Sau nhiều tháng, mô hình vườn hữu cơ với các loại rau như cải thìa, cải ngồng, cải ngọt, dưa leo, gừng, sả… đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra có mẫu mã xấu nên kén người mua. “Mãi về sau, gia đình tôi mới nhận được đơn đặt hàng từ một đầu mối tiêu thụ rau hữu cơ tại TP.HCM. Thời gian vừa qua, gia đình tôi tiếp tục nhận thêm được hợp đồng từ các đối tác tại tỉnh Lâm Đồng và TP Vũng Tàu”, anh Đỗ Huy Tuyến chia sẻ.
Cũng theo anh Tuyến, đến năm 2020, khi nắm thông tin về việc thị trường ở TP.HCM và Vũng Tàu cần nguồn trái cây hữu cơ, anh đã bàn với vợ mở rộng mô hình sản xuất. Hai vợ chồng sau đó tiếp tục cải tạo khoảng 0,8ha vườn và tiến hành đặt mua 2 giống ổi gồm ổi nữ hoàng (ít hạt) và ổi lê từ các nhà vườn ở miền Tây về trồng.
Hiện nay, trên diện tích 0,8ha vườn, anh Tuyến trồng khoảng 1.000 gốc ổi và thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA của Hoa Kỳ. Đối với diện tích này, gia đình duy trì thảm cỏ ở nền vườn để giữ ẩm cho đất và tạo hệ sinh thái cho các loài vi sinh vật phát triển.
Về kỹ thuật canh tác, anh Tuyến chia sẻ: “Gia đình tôi hợp đồng với một công ty chăn nuôi gà ở Đồng Nai để mua lớp đệm lót sinh học về ủ làm phân bón hữu cơ. Lớp đệm lót của trang trại gà chủ yếu là trấu, phân gà và một số loại men vi sinh nên nguồn phân này rất phù hợp để xử lý, ủ bón cho cây trồng. Hiện tại, mỗi tháng tôi tiến hành bón phân hữu cơ cho vườn ổi 1 lần nên lớp đất nền vườn rất tơi xốp, giúp ổi phát triển mạnh”.
Cùng với việc sử dụng nguồn phân bón tự ủ, gia đình anh Tuyến cũng bổ sung một lượng phân bón hữu cơ vi sinh để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho cây trồng. Điều đặc biệt, với 1.000 gốc ổi, chủ vườn không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật hay chế phẩm sinh học nào đề phòng trừ sâu bệnh hại.
Theo anh Tuyến, cây trồng được bảo đảm khỏe mạnh ngay từ bộ rễ nên có khả năng chống chịu rất tốt các loại bệnh hại. Đối với sâu, côn trùng gây hại, gia đình anh không sử dụng chế phẩm để diệt trừ, thay vào đó, tổ chức cân bằng hệ sinh thái thuận tự nhiên.
“Côn trùng, sâu gây hại tự cân bằng trong vườn. Hơn nữa, đối với sản phẩm ổi, tôi sử dụng lưới và túi bọc những quả đẹp để dành thu hoạch vào cuối vụ. Còn lại, những quả không đạt sẽ để trên cây, mặc sức cho sâu, côn trùng đục khoét”, anh Đỗ Huy Tuyến chia sẻ.
Để đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho đối tác, gia đình anh Tuyến thực hiện các chế độ chăm sóc khoa học để ổi ra trái quanh năm. Theo anh Tuyến, với cách làm truyền thống, ổi thường chỉ cho trái rộ vào tháng 4 - 5 và tháng 10, điều này dẫn đến việc không có nguồn hàng cung ứng cho đối tác trong suốt 12 tháng. Do vậy, cần phải có chế độ chăm sóc, thu hoạch phù hợp để duy trì lượng trái, đáp ứng nguồn sản phẩm. Hiện nay, với cách làm này, mỗi tháng gia đình anh Tuyến cung cấp cho đối tác từ 1,5 – 2 tấn ổi với mức giá theo hợp đồng hơn 20 nghìn đồng/kg.
Anh Tuyến cho biết, hiện nay, cùng với việc cung ứng ổi hữu cơ cho các đối tác, gia đình anh cũng duy trì sản xuất và cung ứng đều đặn mỗi tháng 2 tấn rau hữu cơ ra thị trường. Giá rau cũng được các đối tác ký hợp đồng bao tiêu với mức thấp nhất là 20.000 đồng/kg.
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.
SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.
Là một trong số các địa phương tiên phong xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả rõ nét.
QUẢNG NINH Anh Đại nghĩ, các cụ hồi xưa chỉ sử dụng phân chuồng mà cây vẫn tươi tốt, cho năng suất cao, đất đai màu mỡ... nên quết tâm chuyển sang sản xuất hữu cơ.
ĐẮK NÔNG 'Vườn mắc ca này sẽ là một điểm du lịch sinh thái bền vững. Đó là lý do tôi trồng cây thực sinh mật độ thưa và canh tác theo quy trình hữu cơ'.