Chủ nhật, 15/12/2024 | 19:12 GMT +7
Để từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho bà con trồng dừa, năm 2021, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 07 về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có chuỗi sản phẩm dừa.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Bến Tre đã có thêm 554ha dừa hữu cơ (đạt hơn 46% kế hoạch cả năm), nâng tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ lên 17.846ha (chiếm gần 23% trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh), trong đó diện tích dừa hữu cơ đã được cấp chứng nhận là 11.418ha. Đặc biệt, diện tích dừa đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... không ngừng duy trì và phát triển.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng thí điểm được 6 vùng sản xuất dừa tập trung, gồm 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ (trên 2.160ha) và 1 vùng sản xuất dừa uống nước. Hiện có 32 tổ hợp tác và 28 hợp tác xã (HTX) tham gia liên kết, tổ chức sản xuất với 9 doanh nghiệp. Từ đây, hàng trăm cơ sở sơ chế dừa được hình thành, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Xã Lương Hòa (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) có diện tích dừa trên 700ha. Thời gian qua, Hội Nông dân địa phương đã phối hợp với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) tổ chức vận động người dân tham gia xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, bước đầu đã có 173 hộ tham gia với diện tích 133ha.
Hai năm qua, bà con chăm sóc dừa theo hướng hữu cơ, giảm dần sử dụng phân bón hóa học, tiến tới sử dụng 100% phân bón hữu cơ. Khi chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp phân hóa học, bà con tiết kiệm được chi phí do giá phân bón hữu cơ rẻ hơn nhưng dừa đạt chất lượng, trái to, cơm dày, bán được giá hơn. Đối với dừa sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ, bình quân mỗi ha cho năng suất từ 8.000 - 10.000 trái/năm. Hiện tại, bà con đang bán dừa hữu cơ cho doanh nghiệp cao hơn giá thị trường từ 10 - 15%.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lương Hòa cho biết: “Doanh nghiệp mua dừa hữu cơ giá từ 70.000 - 75.000 đồng/chục (12 trái) tùy theo chất lượng dừa. Mỗi ngày, HTX thu gom khoảng 2.000 trái dừa hữu cơ. Phía doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định, trả tiền uy tín”.
Cũng theo ông Quốc, ngoài thu mua dừa hữu cơ, HTX còn thu mua từ 7.000 - 10.000 trái dừa thường mỗi ngày. Qua đó, tạo việc làm cho khoảng 60 lao động với thu nhập bình quân từ 300.000 - 350.000 đồng/ngày đối với lao động nam, từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày đối với lao động nữ.
Ông Võ Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Hòa nhận xét, bà con rất hài lòng khi tham gia mô hình liên kết này. Hiện đã có 172 hộ trồng dừa của xã đã được chứng nhận sản xuất dừa hữu cơ. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ lên khoảng 300ha.
“Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân xã phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện đã tổ chức 4 buổi tập huấn và 1 lớp dạy nghề trồng dừa theo hướng hữu cơ cho 23 thành viên. Sắp tới, sẽ mở thêm 1 lớp trồng, chăm sóc dừa theo hướng hữu cơ và phòng trị bệnh trên cây có múi”, ông Hải cho biết thêm.
Thời gian tới, Sở NN-PTNT Bến Tre tiếp tục xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung, đồng thời giới thiệu, củng cố, nhân rộng các mô hình canh tác và liên kết mở rộng sản xuất dừa hữu cơ có hiệu quả nhằm nâng cao chuỗi giá trị cây dừa của tỉnh.
“Ðịa phương xác định việc xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị dừa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó, tỉnh đang tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc liên kết sản xuất, sản xuất hữu cơ.
Bên cạnh đó, vận động người dân chuyển đổi sang sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ, tham gia liên kết xây dựng mã số vùng trồng. Ðồng thời, tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ cho nông dân để vận dụng vào thực tiễn sản xuất”, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết.
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.
SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.
Là một trong số các địa phương tiên phong xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả rõ nét.