Thứ tư, 02/04/2025 | 16:55 GMT +7
Khi nông dân địa phương bắt đầu thu hoạch rộ lúa đông xuân 2024 - 2025, tôi theo anh Nguyễn Văn Mười (xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) ra thăm ruộng. Nhìn những bông lúa chín vàng cúi đầu tựa vào nhau do nặng hạt, anh Mười cười mãn nguyện. Với kinh nghiệm của nông dân trồng lúa lâu năm, anh cầm chắc phục vụ này thắng lợi, lúa đạt năng suất như kỳ vọng, chi phí giảm.
Anh Mười sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp và phòng trừ sinh vật hại bằng biện pháp sinh học. Ảnh: Trung Chánh.
Ruộng của anh Mười và ruộng nông dân kế bên cách nhau bờ ranh nhỏ chỉ vừa đủ đặt bàn chân lách đi. Sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo vệ lúa bằng biện pháp sinh học, ruộng của anh Mười có nhiều khác biệt, cây lúa thưa, bông chắc sáng… Lác đác vẫn có những bông lúa bị dịch hại tấn công, anh Mười giải thích: “Mật số vẫn còn thấp dưới ngưỡng cho phép nên không cần phải phun thuốc phòng trừ. Giảm được một đợt phun thuốc, nông dân lại có thêm tiền bỏ vào túi, môi trường cũng sạch hơn”.
Có những vụ lúa anh Mười gần như bỏ hẳn, không phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Để làm được như vậy, theo anh Mười cần rất nhiều yếu tố, bao gồm chọn giống kháng bệnh, đất đai, lịch mùa vụ, quy trình canh tác, quản lý dịch hại khoa học...
Kiên Giang ưu tiên các mô hình sản xuất có tính chất hữu cơ sẽ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng. Trong đó có Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang và Ngân hàng Kiên Long với nguồn vốn khoảng 2.100 tỷ đồng.
Về giống lúa, sau nhiều năm nghiên cứu chọn tạo, anh Mười đã có trong tay bộ giống gồm Ba Bụi, Thơm Lùn, Đốc Phụng… Ngoài yếu tố chống chịu tốt sâu bệnh, chịu phèn, mặn, các giống lúa này còn đáp ứng các tiêu chí như dạng hình đẹp, hạt dài, cơm thơm, dẻo, ăn có vị ngọt đậm đà.
Đất đai canh tác cần được cải tạo tơi xốp, bổ sung hệ sinh vật có lợi hoạt động, nhẹ phân bón. Về mùa vụ canh tác, anh Mười chỉ làm 1 vụ/năm đối với ruộng luân canh lúa – thủy sản hoặc 2 vụ/năm đối với ruộng chuyên canh lúa. Quy trình canh tác áp dụng biện pháp sạ thưa với mật độ phù hợp, giảm lượng lúa giống đến mức thấp nhất có thể, sạ hàng hoặc cấy máy là thích hợp nhất.
Nhiều nông dân lo ngại sản xuất hữu cơ sẽ làm tăng chi phí và tốn công lao động. Tuy nhiên, cách làm của anh Mười hoàn toàn ngược lại. Anh chia sẻ, một bao phân hữu cơ 40kg được sử dụng cho 1 công (1.296m2), trong đó bón lót trước khi sạ khoảng 70%, còn lại cộng thêm 10 - 15kg phân hóa học bón khi thấy cây lúa có biểu hiện thiếu chất. Đặc biệt không sạ phân theo đợt định kỳ mà bón theo nhu cầu của cây, thiếu chất gì bổ sung chất đó và theo giai đoạn phát triển.
Anh Mười chọn loại phân bón hữu cơ của Mỹ vì có chất lượng tốt và tự nghiên cứu quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với chi phí phân bón giảm khoảng 50% so với chỉ bón phân hóa học. Ảnh: Trung Chánh.
Theo tính toán của anh Mười, một bao phân hữu cơ hiện nay có giá khoảng 450 ngàn đồng, cộng với lượng phân hóa học khoảng 300 ngàn đồng, tổng chi phí phân bón cho mỗi công hết khoảng 750 ngàn đồng. Trong khi đó, nông dân trong khu vực thường sử dụng từ 60 - 65kg phân hóa học cho một công/vụ, giá hiện nay từ 1,3 - 1,5 triệu đồng. Như vậy, cách làm theo hướng hữu cơ chi phí phân bón giảm khoảng phân nửa.
Về phòng trừ dịch hại, anh Mười cho biết sản xuất theo hướng hữu cơ nên lúa ít bị sâu bệnh. Trong đó sử dụng cân đối dinh dưỡng cho cây trồng giúp hạn chế dịch hại tấn công. Tuy nhiên, nông dân phải thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và có biện pháp can thiệp từ sớm. Chỉ phun xịt thuốc bảo vệ thực vật khi áp lực sâu bệnh gia tăng, đến ngưỡng phải phòng trừ.
Khi phải sử dụng thuốc, ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, giá cả phải hợp lý. Theo anh Mười, chi phí cho mỗi đợt phun thuốc hết khoảng 150 ngàn đồng/công, làm theo hướng hữu cơ trung bình giảm được 3 đợt/vụ. Với diện tích Câu lạc bộ Organic Kiên Giang liên kết sản xuất cùng nông dân khoảng 1.000 công/vụ, chi phí tiết kiệm được nhờ giảm phân, thuốc là khá lớn.
Với sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, Câu lạc bộ Organic Kiên Giang được thành lập với 58 thanh viên, gồm nông dân, các tổ chức nông dân, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học...
Ông Lâm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Kiên Giang cho biết, Câu lạc bộ Organic Kiên Giang ra đời với mục tiêu tạo dựng một cộng đồng cùng chung tay chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về canh tác hữu cơ. Trong đó tập trung tư vấn, hỗ trợ quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng các biện pháp sinh học, sử dụng thuốc sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Toàn, tổng diện tích các thành viên Câu lạc bộ Organic Kiên Giang canh tác trong năm 2024 đạt hơn 1.000ha. Tham gia đồng hành là ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn tín chấp để phát triển sản xuất, đến nay đã có hàng trăm tỷ đồng được giải ngân. Cùng với đó là các doanh nghiệp liên kết cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
Ông Hứa Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Thương mại Hữu cơ Kiên Giang cho biết, là đơn vị thành viên của Câu lạc bộ, Công ty ưu tiên liên kết cung ứng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho nông dân. Ngoài ra còn có cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất theo hướng hữu cơ cho nông dân.
Câu lạc bộ Organic Kiên Giang đã tạo nền tảng vững chắc giúp nông dân tham gia có hiệu quả vào thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Anh Mười (bìa phải) chia sẻ về phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho nông dân nhằm lan tỏa mô hình sản xuất hữu cơ, sinh học trong canh tác lúa. Ảnh: Trung Chánh.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Đỗ Trần Thịnh cho biết, Câu lạc bộ Organic Kiên Giang ưu tiên thành viên là các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân có diện tích sản xuất lớn, chi, tổ hội nghề nghiệp ở địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp mong muốn tham gia vào chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp hữu cơ. Trong đó tập trung phát triển các mô hình sản xuất mang tính sinh thái, tuần hoàn như lúa - tôm, lúa - cá…
Câu lạc bộ Organic Kiên Giang được thành lập với mục tiêu tạo dựng một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về canh tác hữu cơ. Các thành viên liên kết với nhau hình thành các khu vực sản xuất hữu cơ, giảm các khâu trung gian, giảm chi phí đầu tư, tạo ra sản phẩm có số lượng lớn và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
THANH HÓA Sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Trang Farm đã trở thành điểm đến của đông đảo khách tham quan.
Các sản phẩm mỹ phẩm hữu cơ với nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên đang ngày càng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng hướng tới lối sống xanh.
HÀ NAM Trong bối cảnh thị trường liên tục thay đổi, sản phẩm rau an toàn muốn có chỗ đứng, chủ thể cần tổ chức sản xuất để bán hàng thay vì sản xuất và bán hàng.
HÀ TĨNH Chuỗi liên kết nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn của Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Tập đoàn Quế Lâm với các địa phương đang lan toả hết sức mạnh mẽ.
NAM ĐỊNH Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường về chất lượng sản phẩm, việc chuyển hướng sản xuất rau an toàn, hữu cơ là chìa khóa để nông dân đứng vững.
NAM ĐỊNH Sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Nhật Bản, Hợp tác xã Giao Hà không còn phải đôn đáo tìm người mua.