Thứ hai, 07/04/2025 | 20:40 GMT +7
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách để cụ thể hoá và khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, quy trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học.
Trồng lúa theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở huyện Bình Xuyên. Ảnh: Hoàng Anh.
Cụ thể, thực hiện chương trình hỗ trợ sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa, từ năm 2022 đến năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện xử lý rơm rạ trên diện tích 15.000ha (bình quân 5.000ha/năm). Tổng lượng chế phẩm sinh học được bà con sử dụng là 420 tấn (trung bình 140 tấn/năm). Chế phẩm vi sinh thường được bà con nông dân, các hợp tác xã xử lý trên đồng ruộng từ cuối vụ xuân - đầu vụ mùa hàng năm.
Theo ông Dương, việc sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên đồng ruộng mang lại nhiều hiệu quả cả về kinh tế, môi trường và xã hội.
Thứ nhất, sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ góp phần nâng cao nhận thức của người dân do không đốt rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa, không gây ra khói bụi làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến đất canh tác.
Thứ hai, rơm rạ trên đồng ruộng sau khi xử lý bằng chế phẩm sinh học đã giúp đất canh tác được cải tạo đáng kể, bổ sung thêm cho đất lượng vi sinh vật có ích và các chất dinh dưỡng, chất hữu cơ giúp bảo vệ môi trường đất canh tác bền vững.
Thứ ba, chế phẩm vi sinh giúp giảm nguồn sâu bệnh chuyển vụ, tăng sức đề kháng cho cây lúa, giảm sâu bệnh hại, từ đó giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa, bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp.
Thứ tư, chế phẩm vi sinh làm cho cho rơm rạ phân hủy nhanh, hạn chế các khí độc hữu cơ trong đất, do vậy khi cây lúa cấy xuống bộ rễ giảm bị ngộ độc hữu cơ, giảm hiện tượng vàng lá, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi ngay từ đầu, tạo tiền đề tăng năng suất và chất lượng lúa gạp.
Đặc biệt, rơm rạ được phân huỷ kịp thời đã trở thành nguồn phân hữu cơ cho cây lúa ngay tại ruộng, giúp nông dân giảm khoảng 20% lượng phân bón cho cây lúa. Năng suất lúa ở những ruộng được xử lý rơm rạ cao hơn khoảng 20kg/sào (tương đương 5,54 tạ/ha) so với bình quân chung, góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân, hiệu quả kinh tế tăng hơn 9,14%.
Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong. Ảnh: Hoàng Anh.
Điển hình như ở Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), từ nhiều năm nay, gần 150 hộ dân trong Hợp tác xã đã liên kết thực hiện mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ, giảm phát thải. Bà con ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý chất thải trong chăn nuôi thành phân bón hữu cơ, xử lý rơm rạ trên đồng ruộng tạo thành chuỗi kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.
“Trừ hết chi phí mỗi sào lúa (360m2) bà con lãi khoảng 1 tạ, quy đổi gần 700.000 đồng, cùng với đó là lợi ích về sức khoẻ, môi trường rất rõ rệt” ông Đặng Văn Tắc, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong khẳng định.
Song song với chương trình hỗ trợ xử lý rơm rạ, tỉnh Vĩnh Phúc cũng thực hiện chương trình hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học.
Từ năm 2022 đến 2024, Vĩnh Phúc đã thực hiện chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học với quy mô 16.300.000 con gà, 270.000 con lợn, 1.400 con bò thịt, 4.150 con bò sữa trên địa bàn 9 huyện, thành phố. Tổng số chế phẩm sinh học thực hiện là 279.550kg.
Sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.
Chương trình sử dụng chế phẩm sinh học đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, tiết kiệm nước và công lao động, đảm bảo an toàn dịch bệnh, đồng thời đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi đã giảm được mùi hôi chuồng trại, tiết kiệm nước và công lao động, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hiệu quả kinh tế khi sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi thể hiện: Chăn nuôi gà hiệu quả kinh tế tăng 13,04%; chăn nuôi lợn hiệu quả kinh tế tăng 9,03%; chăn nuôi bò hiệu quả kinh tế tăng 14,26% so với không sử dụng chế phẩm sinh học.
Chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ ở huyện Tam Đảo. Ảnh: Hoàng Anh.
Chương trình hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi được triển khai đã tác động tích cực tới sản xuất. Đặc biệt là giải quyết những bất cập về môi trường do chăn nuôi gây ra.
Thông qua chương trình, các quy trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng, khu vực chăn nuôi được vệ sinh sạch sẽ, chuồng nuôi sử dụng đệm lót sinh học, là hình thức chăn nuôi nhốt tập trung trên nền đệm là trấu, mùn cưa, phơi bào... trộn cùng hệ vi sinh vật có tác dụng phân giải nước tiểu, phân, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi, tạo môi trường sạch, không ô nhiễm. Người chăn nuôi cũng không áp lực trong việc chăm sóc đàn vật nuôi và giải quyết môi trường chăn nuôi.
“Việc sử dụng chế phẩm trong chăn nuôi đã giúp giảm thiểu những ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe con người, giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, tạo tiền đề cho chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững và bảo vệ môi trường” ông Nguyễn Hoàng Dương phân tích.
Mô hình nuôi bò thịt tuần hoàn ở huyện Sông Lô. Ảnh: Hoàng Anh.
Cũng theo ông Dương, việc khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học vào trồng trọt, chăn nuôi còn giúp giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường và nhận thức đúng về tầm quan trọng của xử lý chất thải chăn nuôi, góp phần phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững, hiện thực xu hướng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Chất thải trong chăn nuôi được xử lý bằng chế phẩm sinh học đã trở thành nguồn phân bón hữu cơ quan trọng, có chất lượng cho sản xuất trồng trọt.
Nhờ chính sách hỗ trợ chế phẩm vi sinh, Vĩnh Phúc - quê hương khoán hộ ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn như hộ bà Hà Thị Thuỳ Linh chăn nuôi bò thịt ở huyện sông Lô, hộ anh Lăng Văn Hiệp chăn nuôi lợn ở huyện Tam Đảo, hộ bà Phạm Thị Hảo ở huyện Yên Lạc…
“Mỗi năm gia đình tôi nuôi khoảng 600 đầu lợn, lãi từ 1,5 – 2 triệu đồng/con. Nhờ sử dụng chế phẩm sinh học vào chăn nuôi, phân được xử lý để chăm bón vườn na 600 gốc, vườn bưởi 80 gốc và 70 gốc hồng xiêm… Đây chắc chắn là mô hình tốt nhất đối với chăn nuôi nông hộ hiện nay” anh Lăng Văn Hiệp ở huyện Tam Đảo khẳng định.
Từ năm 2022 đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ hơn 700 tấn chế phẩm sinh học giúp người dân phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
THANH HÓA Sử dụng phân bón có nguồn gốc sinh học, áp dụng các giải pháp canh tác nông nghiệp bền vững giúp anh Hải thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng dưa vàng.
HẬU GIANG Một nông dân Hậu Giang trồng khóm hữu cơ, nuôi ốc lát Thái, sự kiên trì, sáng tạo giúp ông nâng cao thu nhập, tạo hướng đi bền vững cho bà con trong vùng.
THÁI NGUYÊN Để chè trung du đạt chuẩn hữu cơ mang đậm đà hương vị 'tiền chát hậu ngọt' đòi hỏi phải cung cấp dinh dưỡng dồi dào và được cây chè hấp thụ hiệu quả.
THANH HÓA Sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Trang Farm đã trở thành điểm đến của đông đảo khách tham quan.
Các sản phẩm mỹ phẩm hữu cơ với nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên đang ngày càng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng hướng tới lối sống xanh.
HÀ NAM Trong bối cảnh thị trường liên tục thay đổi, sản phẩm rau an toàn muốn có chỗ đứng, chủ thể cần tổ chức sản xuất để bán hàng thay vì sản xuất và bán hàng.
HÀ TĨNH Chuỗi liên kết nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn của Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Tập đoàn Quế Lâm với các địa phương đang lan toả hết sức mạnh mẽ.
NAM ĐỊNH Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường về chất lượng sản phẩm, việc chuyển hướng sản xuất rau an toàn, hữu cơ là chìa khóa để nông dân đứng vững.