Chủ nhật, 28/04/2024 | 07:11 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 06:17, 17/10/2023

Trồng mướp đắng hướng hữu cơ trên vùng đất cát

QUẢNG TRỊ Dù năng suất vụ đầu chưa cao nhưng mô hình trồng mướp đắng theo hướng hữu cơ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế vùng đất cát ven biển Quảng Trị.

Vụ hè thu 2023, Ban quản lý Dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển” (Dự án FMCR) Quảng Trị hỗ trợ 70 hộ dân thôn Đông Dương, xã Hải Dương (huyện Hải Lăng) triển khai mô hình trồng mướp đắng theo hướng hữu cơ với quy mô 10ha. Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị là đơn vị trực tiếp tập huấn, hướng dẫn nông dân triển khai mô hình.

Trồng mướp đắng theo hướng hữu cơ hiệu quả kinh tế cao hơn phương pháp canh tác truyền thống và cho sản phẩm an toàn với người tiêu dùng. Ảnh: Võ Dũng.

Trồng mướp đắng theo hướng hữu cơ hiệu quả kinh tế cao hơn phương pháp canh tác truyền thống và cho sản phẩm an toàn với người tiêu dùng. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Phan Văn Tân, một hộ dân tham gia mô hình cho hay, xã Hải Dương là vùng đất cát, chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã khô. Đối với đất pha cát, lượng nước tưới cho cây trồng phải rất lớn. Tuy nhiên trong vụ hè thu, việc điều tiết nước sản xuất từ trước đến nay gặp rất nhiều khó khăn. Với việc được hướng dẫn cách ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng, dùng rơm rạ phủ gốc, khả năng giữ ẩm của đất tăng lên. Nhờ đó, lượng nước tưới cho cây trồng giảm nhưng vẫn đảm bảo cây trồng sinh trưởng phát triển tốt.

Sản xuất theo hướng hữu cơ, không dùng các hóa chất bảo vệ thực vật vừa giúp đất đại được cải tạo, đồng thời sản phẩm an toàn, tiêu thụ dễ với giá bán cao.

Cũng theo ông Tân, quy trình ủ phân hữu cơ được nông dân tuân thủ rất nghiêm ngặt, các hộ hướng dẫn và giám sát lẫn nhau. Hố ủ phân được phủ một lớp rơm rạ, thân cành cây đã được băm nhỏ được đưa xuống dưới đáy hố với độ dày 20cm để cung cấp oxy và tạo độ thông thoáng cho các vi sinh vật hoạt động tốt nhất. Phân chuồng được phủ lên trên, rồi tiếp tục cho lớp rơm rạ, lá cây lấp kín phân, với tỉ lệ 1 phần phân và 25 phần rơm rạ, dùng dung dịch IMO3 tưới lên.

Sau khi đổ đầy hố ủ, dùng bạt, bao tải đậy kín để giữ ẩm hố ủ, đồng thời bảo vệ phòng các loại gia súc, gia cầm vào phá. Sau khi ủ được 15 - 20 ngày tiến hành đảo phân và kiểm tra độ ẩm, nếu dưới 60 – 70% thì tưới thêm IMO3.

Quy trình ủ phân được thực hiện rất nghiêm ngặt. Ảnh: Võ Dũng.

Quy trình ủ phân được thực hiện rất nghiêm ngặt. Ảnh: Võ Dũng.

Cách làm này tuy mất nhiều công sức nhưng tận dụng được nguồn phụ phẩm sẵn có trong sản xuất nông nghiệp, giảm được chi phí đầu vào. Năng suất trồng mướp đắng theo hướng hữu cơ tại xã Hải Dương vụ hè thu 2023 tuy chưa cao nhưng theo ông Tân, nếu nông dân bền bỉ với phương thức canh tác này, năng suất sẽ được cải thiện đáng kể trong những vụ mùa tiếp theo. Khi đất được giải độc và được bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết, độ ẩm trong đất cao hơn thì năng suất cây trồng sẽ có bước nhảy vọt.

“Mặc dù đây là vụ đầu tiên bà con sản xuất theo phương thức này, năng suất thấp hơn canh tác thông thường 5 - 6 tạ/ha nhưng chi phí đầu tư thấp hơn 20 - 21%, giá bán cao hơn 1.000đ/kg nên lợi nhuận vẫn cao hơn 20 - 21 triệu đồng/ha”, ông Tân cho hay.

Ngoài mô hình tại xã Hải Dương, Dự án FMCR còn hỗ trợ nông dân xã Hải Ba trồng 6ha mướp đắng theo hướng hữu cơ. Theo các hộ nông dân Hải Ba tham gia mô hình, việc trồng mướp đắng theo hướng hữu cơ đem lại rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, nếu kết hợp trồng xen canh các loại cây trồng khác như bầu, bí để tăng hệ số sử dụng đất, nông dân sẽ đa dạng thêm nguồn thu. Khi cây mướp đắng hết thời gian thu hoạch thì các loại cây trồng xen canh khác vẫn cho thu hoạch.

Nông dân xã Hải Dương hồ hởi triển khai mô hình trồng mướp đắng theo hướng hữu cơ, dù năng suất vụ đầu chưa cao nhưng họ sẽ kiên trì thực hiện. Ảnh: Võ Dũng.

Nông dân xã Hải Dương hồ hởi triển khai mô hình trồng mướp đắng theo hướng hữu cơ, dù năng suất vụ đầu chưa cao nhưng họ sẽ kiên trì thực hiện. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết, trồng mướp đắng theo hướng hữu cơ dựa vào phân bón hữu cơ vi sinh được ủ từ nguồn phụ phẩm có sẵn tại địa phương thay cho việc thâm canh dựa vào hóa chất không chỉ giảm được chi phí sản xuất, cải tạo đất, cải thiện môi trường sinh thái mà quan trọng nhất là tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ đất, nguồn nước, làm nền tảng căn bản cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Đây được coi là bước “tập dượt” giúp nông dân làm quen với canh tác hữu cơ sẽ được Quảng Trị triển khai sâu rộng hơn trong thời gian tới, nhất là trên các vùng đất cát ven biển của tỉnh.

Võ Dũng

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm