Thứ hai, 29/04/2024 | 09:59 GMT +7

  • Click để copy
Thứ hai- 22:22, 18/12/2023

Nông nghiệp hữu cơ: Đường đi còn lắm gian nan

LẠNG SƠN Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp, song con đường để hiện thực hóa xu hướng đó còn không ít gập ghềnh.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, toàn tỉnh có trên 480 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, nghiệp thủy sản và 339 HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp và HTX sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ rất hạn chế. Thực tế cho thấy, việc canh tác và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ còn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên phải kể đến là hầu hết các chủ thể sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, không tập trung, vốn điều lệ trung bình chỉ từ 30 đến 50 triệu đồng. Trong khi đó, việc ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và đồng bộ. Với quy mô sản xuất của các HTX, người dân như hiện nay thì để có kinh phí đầu tư sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Bên cạnh đó, việc sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đòi hỏi các doanh nghiệp, HTX, người dân tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt.

Người dân xã Quang Trung, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn chăm sóc hồi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân xã Quang Trung, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn chăm sóc hồi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bà Lý Thị Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Pò Đứa (xã Mai Pha, TP Lạng Sơn) cho biết, quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ rất phức tạp, cần quy hoạch vùng sản xuất hữu cơ, xử lý đất, nguồn nước cho đến cách chăm sóc phải đảm bảo theo quy định.

"Trong quá trình canh tác hữu cơ, người sản xuất chỉ được sử dụng phân bón hữu cơ; không sử dụng giống biến đổi gen; không chất kích thích sinh trưởng; không thuốc bảo vệ thực vật; phòng trừ cỏ, sâu bệnh bằng biện pháp thủ công nên chi phí sản xuất lớn, lại mất nhiều thời gian chăm sóc... Do vậy, hiện nay, HTX chưa lựa chọn canh tác rau theo tiêu chuẩn hữu cơ", bà Thắng chia sẻ. 

Bên cạnh đó, năng lực, trình độ canh tác của bà con nông dân, các HTX còn hạn chế, khả năng tài chính hạn hẹp, khó thu hút nguồn lao động trẻ, có kiến thức chuyên môn để làm việc. Đơn cử như HTX Sản xuất - Kinh doanh hồng vành khuyên Nà Mò (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng). Ông Hoàng Văn Hậu, Giám đốc HTX cho biết: Năm 2018, HTX thành lập có 7 thành viên, các thành viên HTX chủ yếu là nông dân, không có trình độ chuyên môn nên việc tư duy, áp dụng các kỹ thuật vào sản xuất hồng theo tiêu chuẩn hữu cơ còn khó khăn. Hơn nữa, HTX cũng chưa đủ kinh phí để thu hút nhân lực trình độ cao để thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. 

Theo bà Nguyễn Thị Huế, Trưởng Phòng Trồng trọt - Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lạng Sơn), việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh còn khó khăn do những nguyên nhân chung như áp dụng thực hành nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và ghi chép nhật ký đầy đủ, chi tiết.

"Hơn nữa, chi phí chứng nhận, gia hạn cao, hiệu lực của giấy chứng nhận ngắn nên nhiều tổ chức, cá nhân không đủ kinh phí, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản hữu cơ còn hạn chế nên giá bán sản phẩm nông sản hữu cơ cao hơn sản phẩm thông thường không đáng kể", bà Huế chia sẻ.

Mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ trên địa bàn TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ trên địa bàn TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Những năm qua, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố ở Lạng Sơn đã chủ động tuyên truyền về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ông Nông Văn Tùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Văn Quan cho biết: Tận dụng nguồn kinh phí từ các chương trình, những năm qua, Phòng đều phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền, lồng ghép, hướng dẫn người sản xuất về canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ. Tuy nhiên, lượng tài liệu liên quan đến nội dung này quá lớn, trong khi khả năng tiếp thu của người dân còn hạn chế, vật tư nông nghiệp chưa đáp ứng cho sản xuất hữu cơ nên đã tác động đến việc xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ trên địa bàn. Hiện nay, toàn huyện mới có trên 35ha hồi được cấp giấy chứng nhận canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn, thực hiện Nghị định 109 ngày 28/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, những năm qua, ngoài việc xây dựng chính sách hỗ trợ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo ngành chuyên môn tích cực xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ từ các nguồn kinh phí như nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Theo đó, từ năm 2019 đến nay, Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị của Sở hỗ trợ tổ chức, cá nhân cấp giấy chứng nhận canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ trên các loại cây trồng được hơn 519ha với kinh phí trên 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này so với diện tích canh tác các loại cây trồng có tiềm năng của tỉnh còn rất hạn chế.

Nguyễn Thành - Viết Cường

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

1.000 cây bưởi và 7.000 trụ tiêu doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm

1.000 cây bưởi và 7.000 trụ tiêu doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm

BÌNH ĐỊNH Toàn bộ sản phẩm bưởi, hồ tiêu trồng theo hướng hữu cơ của ông Đặng Văn Cấp được HTX Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân bao tiêu, nhà vườn không phải lo đầu ra…

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm