Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:56 GMT +7

  • Click để copy
Thứ bảy- 05:56, 16/12/2023

Gỡ khó cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Bắc Kạn

Tỉnh Bắc Kạn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhưng cũng có nhiều rào cản cần tháo gỡ.

Theo ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Kạn, dù tỉnh đã đạt được kết quả nhất định, hình thành một số mô hình nông nghiệp hữu cơ nhưng quy mô còn nhỏ, thiếu bền vững. Chính quy mô nhỏ lẻ, manh mún tạo ra rào cản sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Để đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ, vùng sản xuất hữu cơ phải có vùng đệm, tuy nhiên với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nếu một hộ gia đình sản xuất hữu cơ, nhưng ở bên cạnh đó hộ gia đình khác không phải sản xuất hữu cơ thì đương nhiên hộ sản xuất hữu cơ sẽ không thể đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Do vậy, quy mô sản xuất nhỏ lẻ khiến các mô hình khó đạt được tiêu chuẩn hữu cơ.

Bắc Kạn có tiềm năng và nhiều thuận lợi về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bắc Kạn có tiềm năng và nhiều thuận lợi về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hiện nay, việc tổ chức sản xuất của các hợp tác xã (HTX) chưa đồng đều, các thành viên tham gia HTX mới mang tính chất gộp cơ học với nhau cùng chung sản xuất, đất vẫn là đất của các hộ, chỉ cùng chung quy trình, cùng chung mục tiêu. Dù các HTX có hỗ trợ nhưng do quy mô sản xuất nhỏ nên rất khó để áp dụng khoa học kỹ thuật, từ đó khó đáp ứng các tiêu chuẩn quy trình trồng và sản phẩm hữu cơ.

Cũng theo ông Hải, khó khăn nữa trong phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Bắc Kạn là việc duy trì thu nhập cho các hộ tham gia sản xuất. Khi sản xuất hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật hóa học dẫn đến năng suất có thể sẽ thấp hơn, đặc biệt là giai đoạn đầu chuyển sang sản xuất hữu cơ. Khi năng suất thấp hơn mà không kèm theo giá bán cao hơn sẽ dẫn đến người dân thu nhập thấp, không mặn mà với sản xuất hữu cơ.

Một khó khăn nữa của Bắc Kạn là địa hình chia cắt, tạo ra rất nhiều tiểu vùng khí hậu, đó cũng là thuận lợi để sản xuất hữu cơ, nhưng ngược lại cũng rất khó khăn trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, khó tạo vùng chuyên canh quy mô lớn.

Bên cạnh đó, nội lực các HTX, doanh nghiệp, cơ sở tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Bắc Kạn còn yếu, năng lực tài chính chưa đảm bảo. Có nhiều HTX muốn phát triển nhưng khó khăn khi vay vốn, không có tài sản thế chấp, muốn mở rộng sản xuất, muốn đầu tư máy móc trang thiết bị nhưng nguồn vốn ít.

Việc tiếp cận thị trường của nhiều HTX khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn gặp khó khăn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Việc tiếp cận thị trường của nhiều HTX khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn gặp khó khăn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Trong khi đó, theo bà Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương (huyện Ba Bể), thực tế HTX đang gặp khó khăn về nhân lực, đặc biệt là thiếu nhân lực trẻ. Các thành viên HTX đa phần là phụ nữ đã trung tuổi, việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật nhật ký truy xuất nguồn gốc khó khăn. Thiếu nguồn nhân lực trẻ cũng gây khó khăn trong việc sử dụng công nghệ thông tin để bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Nếu làm ra sản phẩm chất lượng nhưng việc bán hàng và tiếp cận thị trường kém cũng sẽ khó thành công.

Ngoài ra, hiện nay các HTX ở Bắc Kạn còn thiếu nguồn lực đầu tư, thiếu thiết bị công nghệ hiện đại. HTX Yến Dương khi làm nông nghiệp hữu cơ phải có hệ thống khảo sát, nhập số liệu cơ sở hạ tầng, nhân lực, vật tư đầu vào, quá trình kiểm tra sâu bệnh, hỗ trợ cảnh báo thời tiết, sâu bệnh. Tuy nhiên do thiếu nguồn lực nên vẫn chưa thực hiện được.

Những năm trước, HTX tiếp cận nguồn vốn ngân hàng NN-PTNT, ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư nhà xưởng và dây chuyền chế biến. Tuy nhiên, hiện nay HTX cần nguồn vốn lớn hơn để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng việc vay vốn còn gặp nhiều khó khăn

Các chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần thêm những chính sách hỗ trợ phù hợp. Ảnh: Ngọc Tú. 

Các chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần thêm những chính sách hỗ trợ phù hợp. Ảnh: Ngọc Tú. 

Trước những khó khăn đó, ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Kạn cho biết, hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu lợi ích của sản xuất hữu cơ. Các cấp các ngành của tỉnh cũng vào cuộc quyết liệt, tiếp tục ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ HTX, người dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trong đó tập trung hỗ trợ các chủ thể về nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, hỗ trợ cấp giấy chứng nhận hữu cơ.

Trước mắt, tỉnh Bắc Kạn khuyến khích các HTX, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ với những cây trồng mà tỉnh có thế mạnh như dong riềng, cam quýt, hồng không hạt, gạo, nghệ... Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải gắn với chế biến sâu, một số sản phẩm hướng đến xuất khẩu.

Ngọc Tú - Quang Linh - Công Bền

Ông chủ Enjoy Coffee kiên trì cùng nông dân trồng cà phê hữu cơ

Ông chủ Enjoy Coffee kiên trì cùng nông dân trồng cà phê hữu cơ

ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm