Thứ năm, 21/11/2024 | 18:40 GMT +7
Tại Bắc Kạn, HTX Yến Dương (huyện Ba Bể) là đơn vị đi đầu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hiện nay quy trình trồng và sản phẩm gạo nếp Tài của HTX đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ.
Năm 2023, sản phẩm gạo nếp Tài cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi để đáp ứng tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản cho trồng trọt hữu cơ và chứng nhận sản xuất thực vật hữu cơ. Ngoài ra, quy trình trồng và sản phẩm bí xanh thơm của HTX hiện cũng đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Chia sẻ về hành trình đưa gạo nếp Tài, bí xanh thơm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương cho biết, đây có thể nói là kỳ tích của bà con nông dân trong HTX - những người chỉ cách đây vài năm vẫn sản xuất theo lối canh tác cũ, lạc hậu.
Hành trình đưa những sản phẩm như gạo nếp Tài, bí xanh thơm trở thành hàng hóa có thương hiệu như hiện nay phải kể đến đóng góp của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Năm 2018, HTX Yến Dương được thành lập đã cải thiện được khâu tổ chức sản xuất, có sự tham gia của cộng đồng dân cư ở các thôn bản.
Chị Ninh cho rằng, chính việc thành lập HTX đã phát huy vai trò kinh tế tập thể, tạo sự kết nối giữa HTX với người dân. Tại thôn Phiêng Phàng (xã Yến Dương), nơi làm ra hạt gạo nếp Tài đạt chuẩn hữu cơ, HTX đã giúp người dân tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Các hộ vốn quen lối canh tác cũ, lạc hậu được tiếp cận những chính sách hỗ trợ, được tiếp cận nguồn vốn, được tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ khi liên kết với HTX để sản xuất lúa hữu cơ.
“Bà con được tiếp cận với quy trình sản xuất hiện đại, khắt khe, người dân liên kết với HTX có nguồn thu nhập ổn định, từ đó tin tưởng, yên tâm tham gia duy trì sản xuất lúa hữu cơ trong nhiều năm qua.
Khi thành lập HTX và sản xuất nông nghiệp, chúng tôi không đơn độc. HTX luôn nhận được sự đồng hành của chính quyền địa phương, ngành chuyên môn. Chúng tôi được tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực, kết nối tiêu thụ sản phẩm", chị Ninh chia sẻ.
Hiện nay, sản phẩm gạo nếp Tài của HTX Yến Dương đã đạt OCOP 3 sao, đang thẩm định để đạt OCOP 4 sao. Tuy nhiên, HTX không phát triển về số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng để tạo ra sản phẩm đặc hữu, chất lượng cao, hướng đến đối tượng khách hàng cao cấp. Sản phẩm hữu cơ của HTX được khách hàng, đối tác phản hồi rất tích cực và hợp đồng tiêu thụ ngày càng nhiều.
Hiện HTX Yến Dương đang duy trì diện tích trồng lúa nếp Tài, dong riềng, tuy nhiên sản phẩm chỉ mới đủ cung cấp cho khách lẻ cũng như chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ tại các tỉnh thành lớn. Trong chiến lược của HTX, năm 2024 sẽ mở rộng vùng nguyên liệu sang các xã có khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng như ở Phiêng Phàng để mở rộng diện tích. HTX sẽ liên kết với các hộ dân trồng theo chuẩn hữu cơ để có đủ sản lượng cung cấp ra thị trường, đáp ứng những đơn hàng lớn hơn, thường xuyên, ổn định hơn, hướng đến xuất khẩu.
Chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương cũng cho rằng, những mô hình sản xuất hữu cơ phải thực hiện theo 4 nguyên tắc “sức khỏe – sinh thái – công bằng – cẩn trọng”. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải tuân thủ nghiêm quy trình để mang lại sức khỏe cho chính người trực tiêp sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời giúp hệ sinh thái khỏe, đất khỏe, nước khỏe, khí hậu trong lành.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn phải ứng xử công bằng với thiên nhiên, khi thiên nhiên được đối xử công bằng sẽ mang lại giá trị lớn cho cộng đồng. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng phải cẩn trọng về quy trình sản xuất, có cơ chế xử phạt rõ ràng, phân minh.
"Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có hàng trăm HTX, trên địa bàn cũng có nhiều loại cây trồng đặc hữu, đây là tiềm năng rất lớn để sản xuất hữu cơ. Nếu như được hỗ trợ tốt, có chiến lược lâu dài, ổn định, sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương", chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương nhấn mạnh.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.
Các mô hình nuôi lợn thịt đạt trên 70% tiêu chí hữu cơ, an toàn sinh học, tuần hoàn khép kín, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi...