Chủ nhật, 13/04/2025 | 18:33 GMT +7
Cánh đồng lúa trồng theo quy trình chuẩn hữu cơ tại thôn Pác Khoang (xã Yên Phong, Chợ Đồn, Bắc Kạn). Ảnh: Ngọc Tú.
Dẫn chúng tôi thăm đồng lúa đang vào mùa chín rộ, bà Hoàng Thị Hỷ ở thôn Pác Khoang, xã Yên Phong (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) phấn khởi cho biết, đây là năm thứ hai gia đình trồng lúa hữu cơ.
“Năm nay nhà tôi trồng 4.000m2 lúa hữu cơ. Nếu như trước đây mỗi vụ phải phun thuốc trừ sâu 2 lần thì bây giờ không phun, chỉ dùng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học. Hiện nay, một số hộ liền kề cũng trồng lúa hữu cơ đã thu hoạch, năng suất đạt cao, thu hoạch xong là có người của công ty đến thu mua ngay”, bà Hỷ vui vẻ cho biết.
Vốn chỉ quen lối canh tác nhỏ lẻ, dùng nhiều chất hóa học, nhưng từ năm 2022, gia đình bà Hỷ là một trong những hộ tiên phong trồng lúa hữu cơ. Trồng lúa hữu cơ khác rất nhiều so với canh tác truyền thống, để hạt lúa có chất lượng cao, nông dân phải nghiêm túc không sử dụng phân bón hóa học, hóa chất, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu… Thay vào đó sử dụng các chế phẩm sinh học tự nhiên, phân bón hữu cơ để cung cấp dinh dưỡng và phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa.
Sau hai vụ, bà Hỷ khẳng định, trồng lúa hữu cơ không dùng đến chất hóa học nên thấy an tâm hơn về sức khỏe, đất tơi xốp hơn. Sản phẩm làm ra bán được ngay với giá cao hơn so với trồng lúa thông thường.
Llúa hữu cơ tại xã Yên Phong (huyện Chợ Đồn) rất sáng, sạch sâu bệnh dù không sử dụng thuốc BVTV. Ảnh: Ngọc Tú.
Từ năm 2022, xã Yên Phong được Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn lựa chọn làm vùng thí điểm trồng lúa hữu cơ. Với sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chuyên môn, người dân từng bước làm quen và nắm bắt được quy trình sản xuất hữu cơ. Năm 2022, năng suất lúa đạt trung bình 50 - 55 tạ/ha, nhiều hộ làm tốt năng suất đạt 60 tạ/ha. Toàn bộ lúa sau thu hoạch đều có doanh nghiệp thu mua với giá 7.000 đồng/kg (thóc tươi).
Tháng 6/2023, Công ty Cổ phần Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO đã cấp giấy chứng nhận lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ cho Tổ hợp tác Sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong. Đây là sản phẩm lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ đầu tiên tại tỉnh Bắc Kạn.
Hiện nay, gạo hữu cơ đã được Tổ hợp tác Sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong đóng gói bán ra thị trường, hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm OCOP của huyện Chợ Đồn.
Sản phẩm gạo hữu cơ Yên Phong. Ảnh: Ngọc Tú.
Ông Nông Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Yên Phong cho biết, tổ hợp tác trồng lúa hữu cơ là mô hình mới triển khai từ năm 2022, đến tháng 6 năm 2023 được công nhận là sản phẩm hữu cơ. Việc trồng lúa hữu cơ là bước chuyển rất lớn của nông dân vì trước đây họ vẫn quen lối canh tác cũ. Hiệu quả từ trồng lúa hữu cơ là tiền đề để xã nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Vụ mùa năm nay, xã Yên Phong trồng 30ha lúa hữu cơ với các giống Bao thai, nếp và J02 tại 5 thôn Pác Cộp, Nà Chợ, Nà Mạng, Khuổi Xóm và Nà Tấc, gồm 130 hộ tham gia.
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn, cây lúa canh tác theo quy trình hữu cơ phát triển tốt, khả năng chống chịu với sâu bệnh hại cao. Trong vụ, toàn bộ diện tích của mô hình không phun thuốc bảo vệ thực vật, đạt năng suất khá. Trồng lúa hữu cơ giúp nông dân giảm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật và công phun, giảm chi phí phân bón hóa học và nhiều loại chi phí khác.
Cánh đồng trồng lúa hữu cơ tại xã Yên Phong (huyện Chợ Đồn). Ảnh: Ngọc Tú.
Đáng chú ý, giống lúa J02 vốn được đánh giá chỉ thuận lợi trong vụ xuân nhưng vẫn sinh trưởng, phát triển tốt ở vụ mùa, giá bán đạt 12.000 đồng/kg thóc khô, cho hiệu quả kinh tế cao.
Thành công trồng lúa hữu cơ trên đồng đất tỉnh Bắc Kạn giúp người dân tăng lợi nhuận khoảng 30% so với thông thường. Thành công bước đầu này cũng là tiền đề để tỉnh Bắc Kạn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở rộng vùng trồng lúa hữu cơ, hướng đến sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao.
KIÊN GIANG Câu lạc bộ Organic Kiên Giang đã tư vấn quy trình sản xuất, hỗ trợ kết nối cung cầu, cung ứng vật tư nhằm lan tỏa mô hình sản xuất hữu cơ, sinh học.
THANH HÓA Sử dụng phân bón có nguồn gốc sinh học, áp dụng các giải pháp canh tác nông nghiệp bền vững giúp anh Hải thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng dưa vàng.
HẬU GIANG Một nông dân Hậu Giang trồng khóm hữu cơ, nuôi ốc lát Thái, sự kiên trì, sáng tạo giúp ông nâng cao thu nhập, tạo hướng đi bền vững cho bà con trong vùng.
THÁI NGUYÊN Để chè trung du đạt chuẩn hữu cơ mang đậm đà hương vị 'tiền chát hậu ngọt' đòi hỏi phải cung cấp dinh dưỡng dồi dào và được cây chè hấp thụ hiệu quả.
THANH HÓA Sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Trang Farm đã trở thành điểm đến của đông đảo khách tham quan.
Các sản phẩm mỹ phẩm hữu cơ với nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên đang ngày càng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng hướng tới lối sống xanh.
HÀ NAM Trong bối cảnh thị trường liên tục thay đổi, sản phẩm rau an toàn muốn có chỗ đứng, chủ thể cần tổ chức sản xuất để bán hàng thay vì sản xuất và bán hàng.