Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:51 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 07:00, 12/09/2023

Sôi động thị trường lúa hữu cơ

Tại Trà Vinh, sản xuất lúa hữu cơ ngày càng sôi động do nguồn cung luôn thiếu để cung cấp cho đối tác. Tỉnh đã lên kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất.

Cung không đủ cầu

Thời gian gần đây, mô hình canh tác lúa hữu cơ đã trở thành xu hướng phổ biến, không chỉ áp dụng cho cây ăn trái và hoa màu, mà còn mở rộng trên lĩnh vực canh tác lúa. Tại các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt tại Trà Vinh, mô hình canh tác lúa hữu cơ đang được đẩy mạnh và lan tỏa. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con mà còn cải thiện môi trường sinh thái trên đồng ruộng.

Mô hình canh tác lúa hữu cơ tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đạt năng suất ấn tượng 7 tấn/ha và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nông dân. Ảnh: Hồ Thảo.

Mô hình canh tác lúa hữu cơ tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đạt năng suất ấn tượng 7 tấn/ha và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nông dân. Ảnh: Hồ Thảo.

Mới đây, Trường Đại học Trà Vinh đã tổ chức sự kiện tổng kết mô hình canh tác lúa hữu cơ và chuyển giao quy trình canh tác cho nông dân tại ấp Phú Khánh, xã Song Lộc, huyện Châu Thành. Kết quả đánh giá cho thấy, mô hình này đã đạt năng suất khoảng 7 tấn/ha, đây thực sự là năng suất ấn tượng đối với hình thức canh tác hữu cơ, không thua kém năng suất lúa canh tác thông thường.

Tham quan mô hình, nông dân không khỏi ấn tượng bởi lá lúa duy trì màu xanh đậm suốt cả vụ, bông lúa trĩu hạt, cây lúa khỏe mạnh, đứng vững trước thách thức của thời tiết, thậm chí cả trong mùa mưa gió lớn.

Nhiều nông dân trong khu vực cho biết, dù đã canh tác lúa từ lâu nhưng họ chưa từng thấy lúa đạt năng suất cao như thế này. Đáng chú ý, gần đến ngày thu hoạch, những cây lúa vẫn cứng cáp, không có cây nào bị đổ ngã. Mặc dù canh tác hữu cơ vẫn còn mới mẻ, nhưng nông dân địa phương đã bắt đầu thể hiện sự quan tâm và tham gia tích cực.

Ông Nguyễn Văn Nhiều ở ấp Phú Khánh, xã Song Lộc chia sẻ: "Trước đây, tôi chưa từng thử canh tác lúa hữu cơ, nhưng sau buổi trình diễn này, tôi đã thấy mô hình này thực sự hiệu quả và quyết định sẽ thử nghiệm trên 1ha đất của mình trong vụ mùa tới".

Nông dân Lê Văn Tiền tại ấp Lò Ngò, xã Song Lộc chia sẻ kinh nghiệm canh tác lúa hữu cơ của mình, đó là áp dụng gieo sạ thưa với lượng giống chỉ 8kg/công (1 công = 1.000m2) và kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ để bón cho lúa. 

Cánh đồng lúa canh tác theo phương pháp hữu cơ tại HTX nông nghiệp Phước Hảo. Ảnh: Hồ Thảo.

Cánh đồng lúa canh tác theo phương pháp hữu cơ tại HTX nông nghiệp Phước Hảo. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Tiền cho biết, áp dụng quy trình canh tác lúa hữu cơ ấn tượng nhất là việc không sử dụng phân bón hóa học, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây lúa phát triển mạnh mẽ và chống chịu bệnh tốt hơn. Không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, việc sử dụng phân bón hữu cơ còn tạo ra sự thân thiện với môi trường. Mặc dù chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, chi phí thấp nhưng năng suất lúa của ông không giảm mà còn tăng lên đáng kể (đạt 900kg/công).

Đặc biệt, lúa trong mô hình canh tác hữu cơ của ông Tiền bán được với giá lên tới 9.500 đồng/kg (lúa tươi) nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thương lái.

Tại HTX Phước Hảo, thuộc huyện Châu Thành (Trà Vinh), mô hình canh tác lúa hữu cơ đã được duy trì và phát triển thành công trong suốt hơn 5 năm qua. Ông Trương Hòa Thuận là hộ điển hình tham gia sản xuất lúa hữu cơ của HTX.

Ông Thuận và HTX đã chọn canh tác hữu cơ với các giống lúa chất lượng cao như ST24 và ST25. Kết quả thu hoạch cho năng suất ổn định từ 700 - 750kg/công, giá bán lúa luôn cao hơn thị trường khoảng 500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Thuận cũng như các thành viên trong HTX Phước Hảo luôn đảm bảo có lãi khoảng 2 triệu đồng mỗi công.

Do nhu cầu tiêu thụ lúa hữu cơ ngày càng cao, cộng với tình hình sốt giá lúa như hiện nay, HTX Phước Hảo đã quyết định mở rộng diện tích canh tác lúa hữu cơ trong vụ tới lên đến 30ha. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ của HTX được Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh hỗ trợ 50% giống lúa và phân bón, chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh. HTX cũng đang xem xét việc sử dụng máy sạ hàng và máy bay không người lái để cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, giảm chi phí sản xuất...

Nhà máy sấy của HTX nông nghiệp Phước Hảo hoạt động tối đa công suất (khoảng 20 tấn/ngày) nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của các đối tác. Ảnh: Hồ Thảo.

Nhà máy sấy của HTX nông nghiệp Phước Hảo hoạt động tối đa công suất (khoảng 20 tấn/ngày) nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của các đối tác. Ảnh: Hồ Thảo.

Bên cạnh đó, HTX còn thường xuyên tổ chức các cuộc họp để chia sẻ kinh nghiệm và áp dụng mô hình trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch, giúp kiểm soát sâu bệnh tự nhiên. Thành viên HTX cũng thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh tổ chức và tuân thủ đúng lịch thời vụ.

Mặc dù vẫn còn đối mặt với một số hạn chế, HTX Phước Hảo đang không ngừng phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ. HTX thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác chặt chẽ với các đối tác khác để cùng nhau nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm lúa gạo. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào bảo vệ môi trường và đảm bảo tính bền vững trong sản xuất.

Mục tiêu 2.500ha lúa hữu cơ

Sự lan tỏa các mô hình nông nghiệp hữu cơ nói chung, sản xuất lúa hữu cơ nói riêng tại Trà Vinh đã được nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp đánh giá cao.

Theo TS Phạm Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng khoa Khoa học công nghệ (Trường Đại học Trà Vinh), thực tế cho thấy năng suất trong nông nghiệp hữu cơ ngày càng gia tăng, trong khi phương pháp vô cơ đang dần giảm sút. Việc chuyển đổi sang hình thức nông nghiệp hữu cơ không chỉ làm cho đất trở nên màu mỡ và tơi xốp, mà còn giúp kiểm soát sâu bệnh hiệu quả hơn.

TS Thúy cho biết thời gian qua, Đại học Trà Vinh đã tiến hành nhiều mô hình thử nghiệm về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuy nhiên, sự ngần ngại và khả năng thay đổi của người dân vẫn là rào cản khiến số lượng mô hình thực tế vẫn còn hạn chế.

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh đánh giá, Trà Vinh có nhiều vùng đất có điều kiện thuận lợi để triển khai mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi thủy sản nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Mặc dù chưa có nhiều doanh nghiệp ký kết thỏa thuận bao tiêu lúa hữu cơ, nhưng tiềm năng và cơ hội cho hình thức này vẫn rất lớn.

Trong kế hoạch, tỉnh Trà Vinh sẽ mở rộng diện tích canh tác lúa hữu cơ lên 2.500ha vào năm 2030. Ảnh: Hồ Thảo.

Trong kế hoạch, tỉnh Trà Vinh sẽ mở rộng diện tích canh tác lúa hữu cơ lên 2.500ha vào năm 2030. Ảnh: Hồ Thảo.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh thời gian qua cũng đã đóng góp tích cực, hỗ trợ nhiều chương trình để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhất là trong sản xuất lúa hữu cơ. Trung tâm đã có chính sách hỗ trợ 50% giá lúa giống, phân bón và chế phẩm sinh học cho các HTX canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ nông dân mua máy móc và thiết bị cơ giới hóa vào sản xuất, tập huấn cho nông dân áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ...

Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đã có kế hoạch phát triển mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, với mục tiêu trồng 1.000ha lúa hữu cơ và đến năm 2030 đạt 2.500ha. Nhiều địa phương trong tỉnh như huyện Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang đã được quy hoạch để phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Nhằm thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp tỉnh đã hợp tác chặt chẽ với các địa phương và các cơ quan liên quan để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ nông dân và HTX trong việc áp dụng kỹ thuật canh tác, chế biến và bảo quản sản phẩm. Đồng thời, đảm bảo để nông dân tuân thủ các tiêu chuẩn như VietGAP, HACCP, ISO và các tiêu chuẩn tương đương trong sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm lúa gạo.

Thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ và chuyển đổi sang sản xuất bền vững đang là hướng đi chủ đạo của ngành nông nghiệp Trà Vinh. Các chương trình hỗ trợ và quy hoạch được triển khai sẽ giúp đảm bảo sự cân bằng giữa năng suất và sự bền vững, góp phần vào sự thịnh vượng của nông dân và bảo vệ môi trường.

Hồ Thảo

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm