Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:52 GMT +7
Huyện Hoài Ân (Bình Định) những năm gần đây rộ lên phong trào sản xuất lúa hữu cơ. Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, hiện trên địa bàn huyện có 6 HTX nông nghiệp đang phát triển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gồm: Ân Tín, Ân Tường 1, Ân Tường 2, Ân Nghĩa, Ân Hữu và Ân Mỹ với tổng diện tích 15,5ha.
“Hiện nay, lúa hữu cơ sản xuất ở huyện Hoài Ân đều đã được các HTX chế biến gạo hữu cơ để bán cho người tiêu dùng trong huyện, trong tỉnh và gửi đi tiêu thụ tại TP.HCM. Với diện tích 15,5ha lúa sản xuất theo hưỡng hữu cơ, mỗi vụ Hoài Ân cung ứng ra thị trường khoảng 90 tấn gạo và được tiêu thụ rất mạnh.
Nhận thấy sản xuất lúa hữu cơ vừa giảm được chi phí đầu vào, sức khỏe người trực tiếp sản xuất được bảo vệ do không sử dụng thuốc BVTV hóa học, năng suất đạt khá, giá bán cao hơn lúa sản xuất theo phương thức truyền thống nên diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ngày càng được bà con nhân rộng”, ông Võ Duy Tín chia sẻ.
Theo ông Tín, trong quý III và quý IV/2023, ngành nông nghiệp huyện Hoài Ân sẽ hỗ trợ thực hiện cấp chứng nhận hữu cơ thêm cho 6ha lúa đang canh tác theo hướng hữu cơ của địa phương, nâng diện tích lúa hữu cơ được chứng nhận trên địa bàn lên gần 9ha.
Các diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ chưa được cấp chứng nhận cũng sẽ được ngành chức năng huyện Hoài Ân tiếp tục hỗ trợ để năm 2024 nộp hồ sơ đăng ký cấp chứng nhận hữu cơ. Trong năm nay, cùng với chính quyền các địa phương, huyện Hoài Ân sẽ hỗ trợ HTX Nông nghiệp Ân Tường 1 và HTX Nông nghiệp Ân Tường 2 (thuộc xã Ân Tường Tây) phát triển thành HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa hữu cơ.
Việc tăng diện tích sản xuất lúa hữu cơ ở huyện Hoài Ân nằm trong kế hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện này trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong năm 2023, Hoài Ân sẽ đăng ký xây dựng nhãn hiệu “Gạo hữu cơ Hoài Ân".
“Chính quyền và ngành chức năng huyện Hoài Ân đang nỗ lực tìm mối liên kết tiêu thụ gạo hữu cơ, xây dựng kế hoạch quảng bá sản phẩm, xúc tiến kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đưa các sản phẩm gạo hữu cơ của Hoài Ân tiêu thụ tại các sàn thương mại điện tử của tỉnh để tăng cơ hội cho sản phẩm địa phương. Dự kiến đến năm 2025, diện tích sản xuất lúa hữu cơ ở huyện Hoài Ân sẽ tăng đến 30ha”, ông Võ Duy Tín chia sẻ.
Đơn vị đi đầu trong sản xuất lúa hữu cơ ở huyện Hoài Ân là HTX Nông nghiệp Ân Tín. Từ năm 2019, HTX này đã sản xuất thí điểm gần 3ha lúa hữu cơ tại cánh đồng Soi Đập thuộc thôn Vạn Hội 2 (xã Ân Tín). Đến năm 2022, HTX đã được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận sản phẩm gạo hữu cơ với diện tích 3ha, thời gian chứng nhận từ tháng 9/2022 đến tháng 9/2024.
Theo ông Bùi Long Xuân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ân Tín, trong sản xuất lúa hữu cơ, bà con không hề “đụng” đến phân bón hóa học mà sử dụng hoàn toàn phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh từ cơ sở Thanh Thanh ở thị xã Hoài Nhơn chuyên cung cấp phân hữu cơ vi sinh ủ từ mụn dừa. Trong quy trình canh tác, nông dân tuân thủ nghiêm các biện pháp kỹ thuật, nhất là sử dụng các chế phẩm sinh học của Trung tâm Thông tin - Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định) vào sản xuất, sử dụng các giống lúa chất lượng cao.
“Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ là hướng đi phù hợp với sự phát triển của xã hội, đây cũng chính là hướng phát triển của HTX. Thực tế cho thấy, gạo hữu cơ do HTX Nông nghiệp Ân Tín sản xuất ngày càng được người tiêu dùng tín nhiệm, ưu tiên lựa chọn. Đó là động lực để HTX vững bước tự tin phát triển sản xuất lúa hữu cơ”, ông Bùi Long Xuân chia sẻ.
Cũng theo ông Xuân, sản xuất lúa hữu cơ tuy có nhiều yêu cầu khắt khe hơn so với sản xuất theo kiểu truyền thống, nhưng khi các tiêu chí đã được đáp ứng thì người sản xuất sẽ thấy rõ nhiều lợi ích như giảm chi phí đầu vào, chất lượng gạo được nâng cao. Do đó, gạo hữu cơ được người tiêu dùng chấp nhận mua với giá cao, mang lại cho người sản xuất lợi nhuận tốt, nhiều thương lái đã trở thành khách hàng bền vững của HTX. Hơn nữa, canh tác hữu cơ giúp thay đổi tư duy của bà con nông dân, nhất là chất lượng môi trường ngày càng tốt hơn.
Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, về lâu dài, Bình Định sẽ định hướng cho nông dân từng bước thay đổi phương pháp canh tác truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ, tiến tới mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững. Cái khó của phương pháp này là yêu cầu nông dân phải tuân thủ về kỹ thuật, áp dụng sản xuất trên cùng một diện tích, cùng loại giống, tuân thủ đúng thời vụ…
“Chuyển từ sản xuất theo truyền thống sang sản xuất lúa hữu cơ nông dân cần có thời gian thay đổi thói quen để dần thích ứng. Vì vậy, trong quá trình triển khai các mô hình sản xuất lúa hữu cơ, Trung tâm Khuyến nông Bình Định phải cử cán bộ đứng chân mô hình phối hợp với cán bộ khuyến nông cơ sở, bám sát xuyên suốt quá trình sản xuất để hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật, giúp nông dân làm quen dần” ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định chia sẻ.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.