Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:55 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 07:30, 28/11/2023

Nông dân Bắc Kạn thức tỉnh nhờ nông nghiệp hữu cơ

Chủ tịch huyện dạy dân tết chổi tâm linh

BẮC KẠN Một buổi, Chủ tịch UBND xã Cốc Đán thông báo sắp tới có lãnh đạo UBND huyện Ngân Sơn muốn ghé qua tổ Hoa Cốm thăm nhưng các chị em nhất mực từ chối.

Cốm thơm và rơm thơm

Bài liên quan

Họ nói: “Chúng tôi đã làm được cái gì đâu nên ngại lắm!”. Thế nhưng buổi đó Chủ tịch UBND xã Cốc Đán (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn) vẫn dẫn anh Phạm Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn vào nhà chị Sằm Thị Mạch - tổ phó tổ Hoa Cốm.

Sau khi chứng kiến cả quá trình sản xuất của chị em, anh Thịnh ăn thử cốm làm từ giống nếp đặc sản Khẩu Nua Lếch khen ngon, thấy họ phơi rơm trên sào, khen đẹp, xin được chụp ảnh. Các thành viên trong tổ nghe thấy thế mới mạnh dạn bộc bạch thực lòng với lãnh đạo huyện rằng họ hiện chưa có kinh tế mấy bởi giá cốm bán sỉ chỉ 90.000đ/kg, bán lẻ 100.000đ/kg, trong khi 10kg thóc mới được 3kg cốm. Mỗi ngày 7 người làm việc liên tục với các máy đảo, xát, giã… mà trung bình chỉ được 40kg cốm.

Phơi rơm để làm chổi tâm linh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phơi rơm để làm chổi tâm linh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm đầu tiên họ chỉ thu được ít cốm vì không có kinh nghiệm, lúc thì rang quá lửa khiến cốm cứng và khô, lúc thì rang non lửa khiến cốm mềm và bệt. Mỗi mùa cốm chỉ thu hái trong 3 ngày là hạt thóc già, phải để khi chín, thu, xát thành gạo nếp, hút chân không bán 35.000đ/kg, đóng hộp, có tem truy xuất nguồn gốc thì bán được 50.000đ/kg, gọi là lấy công làm lãi thôi chứ chẳng được bao lăm.

Mấy hôm sau, anh Thịnh dẫn anh Nguyễn Trọng Lăng - Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn bất ngờ đến thăm tổ Hoa Cốm. Anh Lăng gợi ý họ nên dùng thứ rơm nếp Khẩu Nua Lếch sau khi làm cốm để bện chổi tâm linh quét bàn thờ.

Lý do là thứ rơm này khi gặt không để xuống đất mà đặt trên gốc rạ, khi phơi cũng phải dùng sào hay trải bạt để cho đỡ sạn nên rất sạch và cũng rất thơm, rất hợp với làm chổi tâm linh. Chị em nghe phân tích cứ gật gù mãi, sau khi lãnh đạo huyện về thì háo hức làm thử chổi. Tuy nhiên những bàn tay vốn quen với cái cuốc, cái cày nay tự bện chổi nên không đẹp, các thành viên của tổ thấy xấu hổ phải tự hủy đi.

Buổi sau, anh Lăng đến xem chị em tết chổi thế nào, thấy không ổn liền bảo: “Xưa ở dưới xuôi tôi cũng biết cách làm chổi rơm, để tôi dạy cho các chị tết”. Chị em nghe thấy thế mới ngạc nhiên hỏi tại sao lại biết thì anh trả lời: “Nhà tôi lúc trước cũng nghèo, bố mẹ phải tết chổi rơm bán để kiếm tiền”.

Tết chổi từ rơm Khẩu Nua Lếch. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tết chổi từ rơm Khẩu Nua Lếch. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vậy là tối đó và mấy buổi tối sau, cứ rảnh anh Lăng lại đến cầm tay, chỉ việc dạy 2 - 3 tiếng liền cho chị em biết cách tết chổi. Huyện lại còn mang sản phẩm chổi rơm quét nhà, chổi rơm quét bàn thờ của nhóm Hoa Cốm đi các hội chợ quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường giúp, từ đó nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã biết tiếng, đặt mua. Đó là mùa cốm tháng 10 năm 2022.

Khi tôi đến đã là mùa cốm tháng 10 của năm 2023, chị Sằm Thị Mạch cùng chị Đồng Thị Chi đang cặm cụi bện chổi rơm bên hiên nhà. Những tia nắng chiếu lên chiếc chổi vàng như một thửa ruộng bậc thang thu nhỏ trên tay họ.

Chổi được bện hoàn toàn bằng rơm nếp Khẩu Nua Lếch với 5 nhánh. Chổi quét nhà tết 5 nhánh to, có “váy” ở đầu để trang trí, bện vặn 15 vòng thì khóa lại, tra cán, giá mỗi cái như thế bán 40.000đ. Còn chổi tâm linh quét bàn thờ cũng có 5 nhánh như thế nhưng nhỏ hơn, bện vặn số vòng ít hơn, giá bán 20.000đ/cái. Tuổi thọ của mỗi loại thông thường dùng được 1 - 2 năm, đầu chổi có khi cùn vẹt mà cán chưa hỏng. Cốm của Khẩu Nua Lếch thơm thế nào thì rơm thơm như thế, kể cả sau khi để hàng năm trời.

Chị Đồng Thị Thùy - Chủ tịch UBND xã Cốc Đán cho tôi biết địa phương mình có 21 thôn bản, 633 hộ, 2.741 khẩu với 5 dân tộc Tày, Dao, Kinh, Mông, Nùng. Xã thuộc khu vực đặc biệt khó khăn với 64% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ 17,2 triệu/năm, có 7 thôn chưa có điện lưới, nhà dân sống rải rác cách nhau cả quả đồi, đường nhiều nơi vẫn chỉ là đất như vào đến Khuổi Slương phải trải qua 5km đường lầy lội vào mùa mưa, lầm bụi vào mùa khô. Xã có diện tích đất tự nhiên 6.596ha, trong đó 5.692ha đất lâm nghiệp, gồm rừng sản xuất 3.595ha và rừng phòng hộ 2.097ha. Từ ngày cấm cửa rừng cũng khó có thể làm kinh tế.

Các thành viên của tổ Hoa Cốm. Ảnh: DĐT.

Các thành viên của tổ Hoa Cốm. Ảnh: DĐT.

Những thôn vùng cao, đất, nước sản xuất thiếu, để đầu tư cần nguồn lực lớn về đường giao thông, về thủy lợi mà diện tích hưởng lợi thì nhỏ, hộ hưởng lợi ít. Đặc sản duy nhất là giống lúa nếp Khẩu Nua Lếch, làm theo hướng hữu cơ nhưng giá bán chỉ 30.000đ/kg. Lợi thế chỉ có chăn nuôi, trồng rừng.

Bất lợi của xã Cốc Đán là địa hình biệt lập với xung quanh nhưng cũng là lợi thế vì rất hợp cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, du lịch. Vài thôn có thể làm du lịch được như Nà Cháo, Khuổi Diễn, Tát Lịa, Hợp Tiến với nhiều ruộng bậc thang, đẹp mê hồn và vẫn giữ được bản sắc dân tộc là thêu thùa. Hiện xã có những HTX và tổ hợp tác như Hoa Cốm, lợn đen, khoai mật nhưng chưa phát triển đúng với tiềm năng hữu cơ vốn có.

Nông dân tự làm thương hiệu 

Để hiểu hơn tình hình thực tế, chị Thùy khuyên tôi nên đến các bản hỏi dân thêm. Xế trưa rồi mà hai chị em bà Nông Thị Tâm và Nông Thị Lén đều đã hơn 60 tuổi ở bản Pàu vẫn miệt mài với những cái cào đi lại trên thửa ruộng khô trải bạt để phơi đống lúa nếp Khẩu Nua Lếch.

Dưới ánh nắng gắt, mặt họ đỏ bừng như người say rượu. Bà Lén kể mình có 10.000m2 đất lúa, còn bà Lén có 4.000m2 ở cánh đồng Nà Trang. Cũng như nhiều người dân Cốc Đán, họ canh tác chủ yếu một vụ lúa, một vụ thuốc lá nên giãn cách được các loại sâu bệnh, chỉ còn có cỏ dại. Trước đây thấy cỏ mọc rậm quá, phát không xuể bà mới phun thuốc trừ cỏ cháy chậm, dùng đâu được khoảng 2 năm thì thấy bờ ruộng bị lở quá chừng nên mới chuyển sang dùng máy phát.

Phơi lúa trên cánh đồng Nà Trang (xã Cốc Đán). Ảnh: Dương Đình Tường.

Phơi lúa trên cánh đồng Nà Trang (xã Cốc Đán). Ảnh: Dương Đình Tường.

“Biết thuốc trừ cỏ độc nhưng làm không được cỏ, lại nghe đại lý rỉ tai nên tôi mới liều dùng. Sau này thấy tuy chuột không đào nhưng bờ lại lở, hỏng đất và sợ ảnh hưởng sức khỏe nên không dùng nữa. Bà con xung quanh đây cũng cả chục năm nay không dùng thuốc trừ cỏ nữa", bà Lén kể.

"Ở đây không có ốc à các cô?", tôi hỏi. Hai bà đồng thanh đáp: “Có chứ”. Thấy các bà hiểu nhầm ý nên tôi vội giải thích: “Không, ý cháu là ốc bươu vàng ấy”. Hai bà cười xòa: “Vậy thì không có đâu, chỉ có ốc ruộng thôi. Khi gặt xong, cày rồi dâng nước vào nhà thì thả cá, nhà thì thả ốc”.

Trong lúc trò chuyện, thấy những xác bèo hoa dâu khô nằm đầy rẫy trên mặt ruộng nứt nẻ, tôi hỏi hai bà rằng ở đây giống đó có sẵn không. Các bà đáp, có hai loại bèo hoa dâu, loại màu đỏ và màu xanh, chúng khắc mọc, uống nước khe, nước suối đầu nguồn từ trong rừng chảy ra, đến mùa mọc lan khắp ruộng. Bèo nhiều đến mức nông dân ở đây phải vớt đi, chất lên bờ để chết khô hoặc tháo cho chảy xuống suối vì sợ chúng... ăn hết phân của lúa mà không biết là chúng tạo ra dinh dưỡng.

Khi nghe tôi giải thích trước đây ở dưới xuôi có những HTX chuyên sản xuất bèo hoa dâu để làm phân bón, có những kiện tướng bèo hoa dâu vì sản xuất đạt sản lượng lớn, giúp tốt tươi đồng ruộng, bà Lén cười: “Thế thì sang năm chúng tôi sẽ không vớt bèo hoa dâu nữa”.

Bèo hoa dâu mọc kín ruộng nhưng bà con chưa biết cách tận dụng chúng. Ảnh: Người dân cung cấp.

Bèo hoa dâu mọc kín ruộng nhưng bà con chưa biết cách tận dụng chúng. Ảnh: Người dân cung cấp.

Với 10.000m2 ruộng, bà Lén trồng 9.000m2 nếp Khẩu Nua Lếch để làm hàng hóa, còn 1.000m2 tẻ để ăn quanh năm. Vụ này được mùa, bà thu tới hơn 4 tấn nếp. Không như người ta bán gạo bình thường chỉ được 26.000đ/kg, hai năm nay bà gửi tất cho cô con dâu ở TP Bắc Kạn, đóng bao bì, nhãn hiệu Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, bán được 30 - 35.000đ/kg. Khách hàng là các cơ quan lấy quen, người này truyền người kia, vụ sau lại lấy. Nhờ thế mà bà thu lãi cũng nhiều hơn hẳn.

Mặc dù bị bà con hiểu lầm là "kẻ cắp phân" của lúa, bị phụ bạc, tìm đủ mọi cách để tiêu diệt nhưng mầm giống của bèo hoa dâu vẫn còn ở trong đất. Sau một đợt mưa xuống chúng có thể mọc kín mặt ruộng, lại cứ lặng thầm dâng hiến hết những dưỡng chất chứa trong mình cho đất, cho cây.

Dương Đình Tường

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm