Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:47 GMT +7

  • Click để copy
Thứ hai- 06:00, 27/11/2023

Nông dân Bắc Kạn thức tỉnh nhờ nông nghiệp hữu cơ

Chuyện nhóm Hoa Cốm trồng lúa nếp đặc sản hữu cơ

BẮC KẠN Trên các cánh đồng ở xã Cốc Đán (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn), màu của lúa nếp Khẩu Nua Lếch chín với màu của nắng thu vàng như hòa chung làm một.

Mô hình lúa - cá - ốc hữu cơ

Tôi đi giữa màu vàng mê hoặc của những thửa ruộng bậc thang lúa chín ấy để tìm những bóng người lúi húi ở bên trong. Mỗi động tác hái bông lúa của họ như đẩy đưa thêm làn hương thơm của cốm mới.

Nếp Khẩu Nua Lếch phải dùng cái hép để hái từng bông chứ không gặt cả cụm bằng lưỡi hái, lưỡi liềm như lúa thông thường. Chị Sằm Thị Mạch, người dân tộc Tày, một trong 7 thành viên của nhóm Hoa Cốm vừa nhẹ nhàng dùng cái hép ngắt từng bông lúa Khẩu Nua Lếch vừa bảo với tôi rằng: “Cốm là món ăn truyền thống lâu đời của người Tày ở đây nhưng trước kia bà con mỗi năm chỉ dành ra một ngày làm 5 - 10kg cốm để ăn chơi chứ chưa biết bán”.

Chị Mạch đang hái từng bông lúa bằng hép. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Mạch đang hái từng bông lúa bằng hép. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hai năm nay, cốm mới thành hàng hóa, ngay cả cọng rơm nếp tưởng chừng như bỏ đi cũng biến thành tiền. Từng bông lúa như thế được lấy về, trước làm cốm, sau lấy rơm làm chổi quét nhà hay chổi tâm linh quét bàn thờ. Làm chổi, bông lúa nếp cần cắt dài hơn 30cm, trong khi bình thường bông cắt chỉ ngắn cỡ hơn 20cm. Vì yếu tố tâm linh, bông lúa khi hái xong được xếp thành lớp trên gốc rạ chứ không đặt trực tiếp xuống đất bùn, đến chiều mang về nhà cũng rải trên vải bạt cho sạch, rồi tuốt, bó, phơi lên sào 2 - 3 nắng nữa mới xong.

Làm chổi không cần chọn từng bông lúa nhưng làm cốm thì phải chọn từng bông, thật mẩy, thật chắc. Trời se lạnh, chị Mạch đi hái lúa lúc còn đẫm sương đêm, bông lúa sẽ mềm, hạt cốm sẽ dẻo, còn nắng lên bông cứng, hạt cốm cũng kém ngon hơn. Bởi thế chị chỉ gặt từ hơn 5 giờ sáng đến 9 giờ sáng là vắt vẻo gánh về. Gặt bằng hép chậm hơn một nửa so với gặt bằng liềm nhưng chị không lấy thế làm vất vả mà nâng niu từng bó lúa như nựng đứa con thơ trong lòng. Lúa gặt về, tuốt ra, rửa sạch, chị cẩn thận đãi hết hạt lép rồi bỏ vào nồi nấu, vớt ra cho khô rồi cho vào máy đảo, để nguội xát, sàng dần xong bỏ vào cối giã 2 - 3 lượt mới thành cốm.

Chồng mất, 4 đứa con đi làm ăn xa, chỉ có chị Mạch ở lại quê nhà làm ruộng. Mỗi vụ chị trồng 2.500m2 lúa nếp Khẩu Nua Lếch và 2.000m2 lúa tẻ. Lúa tẻ để nhà dùng quanh năm suốt tháng, còn lúa nếp chủ yếu để bán. Tất cả các thửa ruộng dù để bán hay để ăn chị đều chăm sóc giống nhau, đều không có phân hóa học, không có thuốc trừ sâu bởi “mình ăn cũng vậy mà khách ăn cũng vậy”.

Cận cảnh cái hép để hái bông lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh cái hép để hái bông lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong 3 ngày chị hái được 350kg thóc non để làm cốm. Lúa già đi thì chỉ để chín, gặt xát lấy gạo mà thôi. Cứ 10kg lúa non sản xuất được 3kg cốm, bán với giá mỗi kg 100.000đ. Năm ngoái chị bán cả cốm, cả nếp thu được 14 triệu đồng. Năm nay cốm đã bán xong nhưng nếp chưa thu hoạch hết nên chưa biết cụ thể kết quả thế nào, tuy nhiên với giá thóc tăng cao tới 18.000đ/kg, chắc chắn thu nhập sẽ nhiều hơn.

Trước đây tuy chị không dùng thuốc trừ sâu nhưng vẫn bón phân hóa học để bón lúa, nhưng từ hồi sản xuất hữu cơ, đã 3 năm nay không dùng phân hóa học nữa. Năm 2022 chị còn tự làm phân hữu cơ bằng cách ủ đất mùn, cỏ dại, tàn dư cây chuối cộng với men vi sinh để bón nhưng năm nay được hỗ trợ phân hữu cơ nên mới thôi. Cánh đồng này bà con chỉ trồng lúa vụ mùa, còn vụ xuân để không, cho nước ngập vào rồi thả cá chép, chủ yếu để cải thiện bữa ăn trong gia đình, thừa mới đem bán với giá 100.000đ/kg.

Họ thả cá vào tháng hai, lúc chúng chỉ nhỏ cỡ 2 ngón tay, đến tháng bảy mới thu, hoàn toàn không cho ăn thêm bất kỳ thứ gì ngoài sâu bọ trên đồng ruộng sẵn có cùng những hạt thóc rơi, thóc rụng. Khi thu hoạch, cá chép ruộng to lắm cũng chỉ cỡ bằng bàn tay nhưng thơm, ngon, đậm đà hơn hẳn cá chép sông, chép suối, ăn một lần là vị mãi vấn vương trong tâm trí. Đám ruộng nhà chị Mạch mỗi vụ thu được 70 - 80kg cá chép như thế.

Thu hoạch lúa nếp Khẩu Nua Lếch ở xã Cốc Đán (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn). Ảnh: Dương Đình Tường.

Thu hoạch lúa nếp Khẩu Nua Lếch ở xã Cốc Đán (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn). Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngoài nguồn thu từ cá chép, sau khi gặt chị Mạch còn thu được vài chục kg ốc ruộng. Ruộng không có ốc bươu vàng nên dân không biết dùng thuốc đã đành, có cỏ nhưng cũng không dùng thuốc trừ cỏ là một thói quen của không chỉ chị mà còn nhiều bà con khác.

“Chúng tôi sợ độc nên không dám dùng thuốc hóa học. Làm hữu cơ, cán bộ tập huấn cho chúng tôi cách chăm sóc lúa, xử lý rơm rạ, ủ men vi sinh để thành phân bón chứ không đốt rơm rạ vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường như trước nữa”, chị Mạch cho biết.

Khẩu Nua Lếch - một thứ "nếp thép"

Trời ngả dần về chiều, tôi theo chân chị Mạch về Hợp Tiến (xã Cốc Đán) - một thôn có 56 hộ người Tày đẹp mê hồn với những ngôi nhà độc đáo xây toàn bằng gạch mộc, lâu dần theo thời gian mà nhuộm màu đỏ như son. Đối lập với màu gạch là màu của những mái ngói âm dương thâm trầm, rêu phong tạo ra một bức tranh phong thủy hữu tình nơi thung lũng xa vắng này.

Trong đời tôi đã ăn nhiều loại cốm nhưng chưa ở đâu thấy độ dẻo, mùi thơm và vị đậm như cốm làm từ nếp Khẩu Nua Lếch. Đặc biệt là đã hết mùa, cốm được giữ trong tủ đá nhưng chỉ rã đông ra là ăn ngon gần như mới. Nó vẫn xanh ngằn ngặt, vẫn thơm như muốn hiến dâng cho đời hết những tinh túy được chắt lọc từ đất trời qua mấy tháng dãi nắng, dầm sương.  

Khi chín, hạt gạo đẫy, có màu trắng sáng, trên đỉnh phủ một chút màu nâu nhạt, vì vậy người dân đặt cho cái tên là “gạo nếp thép” tức Khẩu Nua Lếch. Lại có người bảo bởi cái màu giống như thép ấy rất quý, trị giá ngang vàng nên mới đặt là Khẩu Nua Lếch. Cách giải thích nào cũng có lý cả. Khi nấu “gạo nếp thép” rất dẻo, vị đậm, mùi thơm ngào ngạt, quyến rũ đến khó quên.

Chị Mạch gánh lúa về nhà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Mạch gánh lúa về nhà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong nhà chị Mạch có những chai rượu rất đẹp mà thoạt trông qua tôi tưởng là rượu sâm nhưng không ngờ đó là rượu ngâm đòng đòng của lúa nếp Khẩu Nua Lếch. Mỗi chai 5 - 6 lít như thế có giá trên 1 triệu đồng. Đây chính là sản phẩm hoàn toàn mới của tổ Hoa Cốm. Sát nhà chị Mạch là nhà chị Đồng Thị Chi, hộ đang có 6.000m2 ruộng cấy giống nếp Khẩu Nua Lếch. Cách một đoạn là nhà của chị Nông Thị Hoa - trưởng nhóm Hoa Cốm.

Kể về nguyên nhân hình thành nhóm, chị Hoa bảo, cách đây mấy năm có dự án “Bánh mì cho Thế giới” của một tổ chức phi chính phủ vào thôn hỗ trợ làm đường giao thông rồi cho Chi hội phụ nữ thôn 45 triệu đồng thành lập nhóm cốm Khẩu Nua Lếch gồm 10 người với mục đích phát triển kinh tế cho các hộ. Nhưng mọi thứ không hề dễ dàng, đến năm thứ hai nhóm chỉ còn 8 thành viên, rồi nhóm trưởng cũng xin rút, chị phải đứng lên thay thế, cố tìm hướng đi mới cho nhóm. Năm đầu tiên diện tích nếp Khẩu Nua Lếch của nhóm Hoa Cốm chỉ có 1,6ha, năm nay đã phát triển lên được 2ha.

Mùa làm cốm rất bận rộn nhưng tiếng cười, tiếng nói luôn chật cả nhà chị Mạch. Lạ một cái, cùng một cái lò mà cốm ra ngon khác nhau do đất trồng khác, tay người làm cũng khác. Suốt cả tháng tất bật, giờ mùa cốm đã qua, trong người cứ thấy thiêu thiếu, buồn buồn khi lò nguội, lửa tắt. Các chị lại đến đây mỗi tuần 2 - 3 buổi để túm năm, tụm ba ngồi tết chổi tâm linh quét bàn thờ hay chổi quét nhà. Những cái chổi rơm xếp thành hình như một bông hoa khổng lồ, đẹp và cuốn hút đến lạ lùng. 

Cận cảnh cốm Khẩu Nua Lếch. Ảnh: Tư liệu.

Cận cảnh cốm Khẩu Nua Lếch. Ảnh: Tư liệu.

Số lượng sản phẩm làm ra của từng người ghi vào sổ rồi mỗi tháng cũng được 1 - 2 triệu đồng, cộng thêm tiền bán cốm, gạo nếp 15 - 20 triệu đồng/vụ nữa. Ngay cả những đám rơm xấu, bị loại ra cũng không bị bỏ phí mà được đốt để bán cho người ta thay tro bát hương trên bàn thờ. Trong những lúc vừa làm như thế, họ vừa trò chuyện về người thầy dạy mình nghề tết chổi rơm với một thái độ rất trân trọng. Người thầy ấy ít ai ngờ lại là Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn…

Sản phẩm cốm Khẩu Nua Lếch làm ra được hút chân không, bỏ tủ đông bảo quản, vận chuyển đi đâu chỉ việc bỏ vào thùng xốp, cho thêm đá là có thể để được vài ngày. Sau vài tháng sản xuất, sau rã đông, cốm ăn vẫn thơm dẻo gần như mới. Thị trường tiêu thụ hiện chủ yếu là Hà Nội, còn chuyển đi tỉnh xa nhất là Bình Phước.

Dương Đình Tường

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm