Thứ sáu, 22/11/2024 | 15:43 GMT +7
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có rất nhiều diện tích chanh dây phải phá bỏ vì dịch bệnh hoành hành thì vườn của gia đình anh Bùi Văn Toại (làng Thông Ngó, xã Ia Kênh, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) vẫn đứng vững trước bão giông. Không những vậy, chanh dây của gia đình anh Toại còn đều đặn xuất sang thị trường châu Âu mỗi năm vài chục tấn, thu về hàng tỷ đồng.
Từ trung tâm TP Pleiku di chuyển hơn 10km, chúng tôi tìm đến vườn chanh dây khoảng 4ha “siêu đẹp” của gia đình anh Toại. Nằm trên mảnh đất bằng phẳng, vườn chanh dây không khác gì khu du lịch sinh thái, được thiết kế rất công phu. Khu vườn chanh được trồng ngay hàng thẳng lối, đều tăm tắp từ trên xuống dưới, trong ra ngoài. Trong khi đó, giàn khung vườn chanh được anh Toại gia cố bằng các trụ bê tông theo quy chuẩn cây cách cây 1,2m, hàng cách hàng 8m. Phía dưới vườn chanh là hệ thống tưới phun mưa tận gốc được đầu tư rất bài bản.
Khi chúng tôi đến cũng là lúc vườn chanh của gia đình anh Toại đang bước vào thời điểm thu hoạch, hàng chục công nhân thu hái rộn rã tiếng cười. Đang ngồi trong lán trại cùng công nhân lựa chọn chanh dây để xuất khẩu sang châu Âu, anh Toại cho biết, muốn xuất khẩu được sang nước ngoài đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn, trong đó phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sau 5 năm bước vào lĩnh vực trồng chanh dây, anh Toại vẫn luôn kiên định trồng theo hướng hữu cơ, sử dụng chủ yếu phân chuồng ủ hoai sẵn có của gia đình để bón cho cây trồng. Anh Toại hiểu rằng, để chanh dây bán được giá cao thì phải xuất khẩu sang châu Âu. Muốn vậy thì phải trồng theo hướng hữu cơ, đảm bảo chanh dây không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
“Đến thời điểm hiện tại, gia đình chỉ sử dụng phân chuồng ủ hoai, phân hữu cơ và dùng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên không lo về sâu bệnh hại tấn công. Đặc biệt, vườn chanh của gia đình "nói không" với hóa chất để đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu”, anh Toại nói và cho biết, sử dụng phân chuồng ủ hoai sẽ giúp quả chanh đẹp, dày vỏ và chất lượng tốt hơn.
Cũng theo anh Toại, ngoài sử dụng phân bón hữu cơ, vườn chanh dây muốn xuất khẩu sang châu Âu cũng phải đảm bảo thoáng mát, đủ ánh sáng mặt trời giúp cây và quả phát triển tốt. Bên cạnh đó, bắt buộc phải có hệ thống tưới phun mưa tận gốc nhằm đảm bảo đủ lượng nước tưới phủ rộng cho vườn cây.
Ngoài ra, để chanh dây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, khâu chọn giống cũng rất quan trọng. Sau thời gian tìm hiểu, anh quyết định liên kết với Công ty Cổ phần Nafoods Group để được hướng dẫn về quy trình chăm sóc cũng như việc lựa chọn cây giống.
“Chính vì đầu tư bàn bản theo hướng hữu cơ để xuất khẩu sang châu Âu nên chi phí cho vườn chanh cũng cao hơn so với mặt bằng chung, giao động khoảng 250 triệu đồng/ha. Nhưng bù lại, chất lượng sẽ tốt hơn và quả chanh dễ dàng vượt qua các khâu kiểm định khắt khe của thị trường châu Âu”, anh Toại chia sẻ.
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật theo hướng hữu cơ, hàng năm, vườn chanh dây 4ha của anh Toại xuất khẩu sang châu Âu khoảng 60 tấn quả. Giá bán chanh dây loại 1 xuất khẩu sang châu Âu là 45.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 30.000 đồng/kg. Trừ chi phí, trung bình 1ha gia đình anh Toại có lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.
Với những thành công từ mô hình trồng chanh dây theo hướng hữu cơ để xuất khẩu đi châu Âu, anh Toại đã được nhiều người dân tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Anh Toại đã tận tình chia sẻ cách chăm sóc theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh hại sao cho hợp lý nhất. Từ đó, nhiều hộ dân đã áp dụng sản xuất chanh dây theo quy trình chăm sóc như của gia đình anh Toại và từng bước gặt hái được thành công.
Ông Hồ Hải Quân, Giám đốc Vùng trồng Tây Nguyên (thuộc Công ty Cổ phần Nafoods Group) cho biết, thời gian qua, Công ty đã đẩy mạnh liên kết với các HTX, người dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên để sản xuất chanh dây theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Gia đình anh Toại là một trong những thành viên liên kết được Công ty hỗ trợ giống, quy trình chăm sóc đạt chuẩn.
“Vườn chanh dây của gia đình anh Toại được canh tác theo hướng riêng biệt từ quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ đến mật độ trồng và được ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Mặt khác, vườn chanh của gia đình anh Toại nằm ở khu vực khá biệt lập, không gần với các vườn chanh khác nên gần như không bị lây lan dịch bệnh dù gặp thời tiết bất lợi. Với cách làm này, đã giúp gia đình anh Toại gặt hái được nhiều thành công, chanh chủ yếu được xuất khẩu sang châu Âu với giá cao, ổn định”, ông Hồ Hải Quân chia sẻ.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.