Thứ sáu, 26/04/2024 | 13:56 GMT +7

  • Click để copy
Thứ năm- 07:40, 25/04/2024

Dưới bóng vườn hồ tiêu hữu cơ xanh mướt

Những ngôi nhà lọt thỏm giữa vùng hồ tiêu hữu cơ tạo ra không xanh đáng sống, như xua đi cái nắng gay gắt đầu hè ở vùng đất lửa Quảng Trị.

3 năm kiên trì trồng tiêu hữu cơ

Đến xã Gio An (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) không khó để bắt gặp những ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa những vườn hồ tiêu xanh mướt mát. Thay vì xây dựng những hàng rào bê tông kiên cố, nhiều hộ dân đã trồng cây quanh bờ rào tạo ra những không gian xanh đáng sống. Cây xanh hiện diện khắp nơi, chạy tít tắp dọc những con đường sâu hun hút dẫn vào nhà, vào vườn hồ tiêu… Những tia nắng len lỏi vượt qua cành lá trong sương sớm có sức cuốn hút kỳ lạ với khách phương xa. Bóng cây xanh dường như đã xua đi cái nắng gay gắt ở vùng đất gió Lào cát trắng.

Không gian sinh thái bên những vườn hồ tiêu hữu cơ tại xã Gio An. Ảnh: Võ Dũng.

Không gian sinh thái bên những vườn hồ tiêu hữu cơ tại xã Gio An. Ảnh: Võ Dũng.

Thấy khách đến thăm nhà, bà Nguyễn Thị Hằng (thôn Bình Sơn, xã Gio An) thong thả rẽ từng lối cỏ xuyến chi đi từ vườn hồ tiêu vào nhà, trên tay cầm một quả bí đỏ. Bóng của những trụ hồ tiêu cao vút ngả về phía ngôi nhà lợp mái ngói đỏ tươi khiến những chậu cây cảnh trong sân vườn trở nên mướt mát hơn, dịu dàng hơn trong mắt khách đến thăm nhà.

“Trưa nay, mời các anh ở lại ăn cơm. Bầu trồng dưới vườn hồ tiêu hữu cơ vừa sạch lại vừa ngon. Luộc lên chấm với ruốc biển Quảng Trị thì không gì ngon bằng. Gà thả trong vườn kho với ném (hành tăm) ăn tốn cơm lắm”, bà Hằng niềm nở chào đón những vị khách phương xa.

Gần chục năm nay, dưới vườn hồ tiêu hữu cơ, mùa nào thức nấy, gia đình bà Hằng trồng bầu, bí, mướp…, ăn không hết thì đem đi biếu, đi bán. Rau quả trồng dưới vườn hồ tiêu hữu cơ mẫu mã không đẹp, không bắt mắt, đem ra chợ bán người không biết sẽ chê nhưng người sành ăn lại chọn mua bằng được vì chúng vừa thơm ngon vừa rất lành.

Việc trồng xen các loại rau màu dưới vườn hồ tiêu được gia đình bà Hằng thực hiện từ 7 - 8 năm nay, kể từ thời điểm 300 gốc hồ tiêu của gia đình bà được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu.

Trước đó, cũng như nhiều hộ dân tại xã Gio An, hồ tiêu là cây trồng chủ lực của gia đình bà Hằng. Nhưng thời điểm đó, trừ lúc làm cỏ, thu hoạch, những lao động trong gia đình bà Hằng mới đi ra vườn. Bới dưới vườn hồ tiêu, gần như không có loài cỏ nào có thể mọc lên được, vườn cũng chỉ độc canh mỗi cây hồ tiêu bởi các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ được gia đình bà sử dụng lâu năm khiến đất bị thoái hóa, bạc màu.

Dưới vườn tiêu hữu cơ, nông dân Gio An trồng nhiều loại cây rau màu để sử dụng. Ảnh: Võ Dũng.

Dưới vườn tiêu hữu cơ, nông dân Gio An trồng nhiều loại cây rau màu để sử dụng. Ảnh: Võ Dũng.

Năm 2014, sau nhiều lần tham gia tập huấn, gia đình bà Hằng quyết định chuyển hướng sang trồng hồ tiêu hữu cơ. Mọi thứ gần như thay đổi hoàn toàn, nhất là về kỹ thuật canh tác và sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm trừ sâu sinh học. Quá trình cải tạo đất phải mất ròng rã 3 năm. Đến năm 2017, sau rất nhiều lần lấy mẫu xét nghiệm, vườn hồ tiêu của đình bà Hằng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu. Mọi người trong gia đình thở phào nhẹ nhõm, niềm vui vỡ òa.

Từ đây, không chỉ người tiêu dùng sẽ có sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe mà chính những người trong gia đình bà được sống trong một môi trường an toàn. Vườn hồ tiêu trở thành không gian sinh thái của gia đình bà. Xuyến chi và các loài cỏ dại, cây rau màu tự nhiên sinh sôi, nảy nở. Khi cần thiết, chúng sẽ được chủ nhân của khu vườn cắt và vun vào gốc hồ tiêu để giữ độ ẩm, bổ sung chất hữu cơ cho khu vườn.

“Trồng tiêu hữu cơ an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, tuổi thọ cây hồ tiêu được lâu hơn. Năng suất khi trồng hồ tiêu hữu cơ thậm chí còn cao hơn khi sử dụng phân vô cơ và thuốc trừ sâu độc hại. Giá cả thì biến động theo thị trường nhưng hồ tiêu vẫn thường được Hợp tác xã Ong Voi thu mua cao hơn so với sản phẩm thông thường từ 5 - 10 nghìn đồng/kg. Hàng năm, Hợp tác xã lại tập huấn kỹ thuật và giám sát rất chặt chẽ quy trình sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Về cơ bản, trồng hồ tiêu hữu cơ có đầu ra ổn định nên nông dân được nhiều cái lợi”, bà Hằng phấn khởi.

Mục tiêu 100% diện tích đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu

Bà Nguyễn Thị Hằng cho biết, hồ tiêu là cây trồng khó tính, không chống chịu được ngập úng nhưng lại rất cần nước. Vì thế khi trồng hồ tiêu hữu cơ, các loài cỏ dại mọc đầy vườn sẽ giúp giữ được độ ẩm trong đất. Nguồn phân hữu cơ được bón đủ liều lượng sẽ cung cấp chất dinh dưỡng và cũng là môi trường thích hợp giúp cây hồ tiêu có sức sống dài lâu, hạt chắc, cay và thơm ngon. Vì vậy, vượt qua cả những mùa nắng gió gay gắt của Quảng Trị, vườn hồ tiêu hữu cơ của gia đình bà Hằng vẫn vươn lên xanh tốt.

Những sản vật dưới vườn hồ tiêu hữu cơ tuy không bắt mắt nhưng lại đem đến sự yên tâm cho người tiêu dùng. Ảnh: Võ Dũng.

Những sản vật dưới vườn hồ tiêu hữu cơ tuy không bắt mắt nhưng lại đem đến sự yên tâm cho người tiêu dùng. Ảnh: Võ Dũng.

Đây không phải là vườn hồ tiêu hữu cơ duy nhất tại xã Gio An. Theo thống kê của UBND xã Gio An, đến nay, địa phương này có 75ha hồ tiêu, trong đó có 45ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu. Diện tích còn lại cũng đang được chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ. Toàn bộ sản lượng hồ tiêu hữu cơ (khoảng 70 tấn/năm) hiện nay được Hợp tác xã Ong Voi đóng trên địa bàn thu mua với giá cao hơn ngoài thị trường để xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.

Vì vậy, đến Gio An, không khó để bắt gặp những ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa những vườn hồ tiêu xanh mướt, xung quanh là những hàng rào cây xanh tạo ra môi trường trong lành. Cuộc sống người dân vùng trồng hồ tiêu Gio An cứ thế yên ả trôi qua, ngày ngày an nhiên, tự tại.

Ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An cho hay, Gio An là xã nằm trong vùng đất chịu nhiều mất mát trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ngay sau khi hòa bình lập lại, người dân Gio An đã tích cực khai hoang, phục hóa để phát triển kinh tế.

Để có những vườn hồ tiêu, cây ăn quả như ngày hôm nay, không chỉ có mồ hôi, nước mắt mà còn cả máu xương. Thời bình nhưng để có đất canh tác, không ít người đã phải mang thương tật suốt đời. Hậu quả chiến tranh vô cùng thảm khốc nhưng trong gian khó, người dân Gio An vẫn kiên cường bám trụ để có được những thành quả như ngày hôm nay.

Cỏ dại giúp khu vườn của bà Hằng giữ được độ ẩm. Ảnh: Võ Dũng.

Cỏ dại giúp khu vườn của bà Hằng giữ được độ ẩm. Ảnh: Võ Dũng.

“Những vùng trồng hồ tiêu hiện nay trước đây bom đạn sót lại chằng chịt. Không có con số thống kê cụ thể nhưng phải nói quá trình khai hoang, người dân đã phát hiện rất nhiều bom đạn sót lại sau chiến tranh. Nhiều người mang thương tật và cũng đã có không ít người chết vì gặp phải bom mìn trong quá trình sản xuất. Vùng trồng hồ tiêu hữu cơ, trồng cây ăn quả hôm nay ở Gio An đã phải đánh đổi bởi rất nhiều mồ hôi, nước mắt và cả xương máu”, ông Hiếu chia sẻ.

Để có diện tích canh tác đã khó, việc hình thành và duy trì vùng hồ tiêu hữu cơ còn khó khăn hơn gấp bội. Theo ông Hiếu, ban đầu, khó khăn nhất là quy trình sản xuất và nhận thức của người dân còn chưa đầy đủ về nông nghiệp hữu cơ. Điều này khiến một số hộ dân có thể bỏ qua quy trình sản xuất hồ tiêu hữu cơ, làm ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu sản phẩm của địa phương.

Tuy nhiên thời gian vừa qua, nhờ công tác tuyên truyền và giám sát tốt của Hợp tác xã Ong Voi, nhận thức và trách nhiệm của người dân đã có sự thay đổi lớn. Nhiều hộ đã thấy được hiệu quả của việc trồng hồ tiêu hữu cơ nên cũng đang chuyển đổi phương thức canh tác. Chỉ vài năm nữa thôi, toàn bộ diện tích hồ tiêu tại Gio An sẽ được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ.

Hồ tiêu hữu cơ Gio An được xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Ảnh: Võ Dũng.

Hồ tiêu hữu cơ Gio An được xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Ảnh: Võ Dũng.

“Để đảm bảo sản phẩm hồ tiêu được sản xuất hữu cơ, Hợp tác xã Ong Voi đã chia các tổ, thường xuyên kiểm tra, đánh giá chéo. Mỗi năm, Hợp tác xã tổ chức tập huấn 1 lần, hộ nào vi phạm sẽ kiên quyết đưa ra khỏi danh sách trồng hồ tiêu hữu cơ. Vì vậy, từ nhiều năm nay, qua các lần tets mẫu, hồ tiêu hữu cơ của Gio An vẫn đáp ứng nhu cầu của đối tác nước ngoài.

Chúng tôi đang phấn đấu trong vòng 2 - 3 năm tới, 100% diện tích hồ tiêu tại Gio An sẽ được chứng nhận hữu cơ châu Âu. Bên cạnh đó, các loại cây ăn quả khác như cam, quýt, bưởi, ổi hiện nay cũng đang trồng theo hướng hữu cơ” – ông Hiếu phấn khởi.

Vườn hồ tiêu hữu cơ xanh tốt quanh năm, môi trường được cải thiện đem đến một không gian sống đầy sức hút ở vùng đất Gio An. Đây là địa phương có hệ thống giếng cổ từ xa xưa để lại, có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đang manh nha phát triển. Chúng cộng hưởng lại, tạo ra một không gian làng quê sinh thái thu hút du khách về vùng đất này tham quan, trải nghiệm mỗi ngày. Đây cũng là một trong những lý do giúp chính quyền địa phương mạnh dạn hơn nữa trong câu chuyện phát triển du lịch nông nghiệp.

Võ Dũng

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm