Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:03 GMT +7

  • Click để copy
Thứ tư- 18:00, 24/04/2024

Trang trại chanh leo hướng hữu cơ xanh mướt giữa cao điểm khô hạn

ĐẮK LẮK Dù đang cao điểm khô hạn ở Tây Nguyên nhưng trang trại trồng chanh leo theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vẫn xanh mướt, trĩu quả.

Vườn chanh leo của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sài Gòn - Tây Nguyên (thành viên HTX Xanh Cao Nguyên) hiện đang canh tác theo quy trình kỹ thuật hiện đại theo hướng hữu cơ và đã đạt tiêu chuẩn GlobalGAP nhằm cung cấp ra thị trường các sản phẩm chanh leo sạch, đảm bảo sức khỏe cho người trồng và người sử dụng. Mục tiêu của đơn vị cùng các thành viên HTX này trong thời gian tới sẽ tạo chuỗi liên kết giá trị bền vững từ vùng trồng - thu mua - sơ chế - đóng gói và xuất khẩu chanh leo nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.

Vườn chanh leo của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sài Gòn - Tây Nguyên được cấp chứng nhận GlobalGAP. Ảnh: Quang Yên.

Vườn chanh leo của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sài Gòn - Tây Nguyên được cấp chứng nhận GlobalGAP. Ảnh: Quang Yên.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sài Gòn - Tây Nguyên cùng các đơn vị thành viên HTX Xanh Cao Nguyên đang triển khai mô hình trồng chanh leo sạch trên diện tích hơn 60ha. Sản phẩm chanh leo hiện đang cung cấp cho thị trường xuất khẩu ở châu Âu và các nước trong khu vực.

Theo ông Lương Thiện Thành, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sài Gòn - Tây Nguyên, thị trường chanh leo ở châu Âu khá bền vững và giá những năm gần đây luôn giao động ở mức trên dưới 40.000 đồng/kg (loại 1 xuất khẩu sang thị trường châu Âu), có thời điểm cao hơn.

Những ngày này thời tiết nắng, rất phù hợp cho giai đoạn thu hoạch chanh leo, công nhân của Công ty đang hối hả chuẩn bị cho mùa thu hoạch.

Để vườn chanh leo mang lại hiệu quả, Công ty thiết kế luống trồng xen kẽ đảm bảo 50% diện tích đất được nghỉ ngơi cho mùa vụ sau. Kỹ thuật này nhằm mục đích cải tạo đất, tạo thuận tiện về không gian canh tác và thu hoạch, dễ dàng xử lý sâu bệnh vào mùa mưa nhưng vẫn có thể mở rộng không gian phía trên để tăng sản lượng trái theo kế hoạch.

Hệ thống trụ giàn trồng chanh leo được thiết kế kiên cố, hệ thống tưới hiện đại, đường nội bộ, hàng rào, cơ sở hạ tầng được thiết kế an toàn, hợp lý và hiệu quả, tạo nên một không gian xanh mướt nổi bật giữa những cánh đồng đất đỏ bạt ngàn tại vùng đất Tây Nguyên mùa khô hạn.

Công nhân Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sài Gòn - Tây Nguyên chuẩn bị vụ thu hoạch chanh leo. Ảnh: Quang Yên.

Công nhân Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sài Gòn - Tây Nguyên chuẩn bị vụ thu hoạch chanh leo. Ảnh: Quang Yên.

Ông Lương Thiện Thành chia sẻ: “Đơn vị rất vui khi được kết nối với chính quyền địa phương và bà con nông dân để triển khai mô hình trồng chanh leo sạch trên địa bàn huyện Cư M’gar. Công ty luôn trau dồi, học hỏi và tiếp cận những quy trình kỹ thuật, công nghệ hiện đại từ các đơn vị cùng lĩnh vực cũng như các hiệp hội, tổ chức chuyên ngành nông nghiệp. Qua đó vừa đáp ứng xu hướng của thị trường, sản phẩm có đầu ra ổn định và đảm bảo an toàn thông qua canh tác theo hướng hữu cơ, bền vững, với chi phí tối ưu nhất, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương”.

Để triển khai mô hình trồng chanh leo theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, Công ty đã liên hệ với đơn vị tư vấn độc lập đánh giá và phổ biến quy trình quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc cây giống, phân bón, nhật ký canh tác. Đơn vị chức năng cũng đã test pH đất, hàm lượng kim loại nặng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng nguồn nước, sức gió, bụi, hành lang an toàn… để đảm bảo sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Quy trình canh tác của Công ty đặc biệt quan tâm đến an toàn, sức khỏe và đời sống của cán bộ công nhân viên làm việc tại vườn cũng như người dân các khu vực xung quanh.

Ông Lương Thiện Thành, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sài Gòn - Tây Nguyên bên trang trại chanh leo xanh mướt, trĩu quả giữa cao điểm khô hạn ở Tây Nguyên. Ảnh: Quang Yên.

Ông Lương Thiện Thành, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sài Gòn - Tây Nguyên bên trang trại chanh leo xanh mướt, trĩu quả giữa cao điểm khô hạn ở Tây Nguyên. Ảnh: Quang Yên.

“Đơn vị ưu tiên sử dụng phân bón, thuốc hữu cơ và chế phẩm sinh học có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cùng một số loại nhập khẩu nên rất chủ động trong việc phòng trừ, xử lý sâu bệnh hại, hạn chế ảnh hưởng do thời tiết thay đổi, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm cũng như phân bổ thời gian ra hoa, đậu quả hợp lý. Qua đó góp phần tăng năng suất chanh leo, thu hoạch vào thời điểm thị trường có nhu cầu cao để được giá tốt”, ông Thành nói.

Hiện nay, chanh leo của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sài Gòn - Tây Nguyên và các thành viên HTX Xanh Cao Nguyên đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu và mang lại lợi thế cho doanh nghiệp. Đơn vị cũng đang triển khai mở rộng vùng trồng, đầu tư bài bản cho khâu sơ chế đóng gói...

Theo ông Lương Thiện Thành, việc phát triển thị trường trong nước là tất yếu và rất cần thiết vì nhu cầu thị trường nội địa đang rất cao, nhiều người tiêu dùng cần sản phẩm sạch, chất lượng nhưng chưa tìm được đơn vị uy tín để cung cấp. Trong khi đó, tình hình chiến tranh, dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp, ít nhiều có thể ảnh hưởng đến nhu cầu xuất khẩu chanh leo nói riêng và các nhu yếu phẩm nói chung trong tương lai.

“Việc phát triển thị trường trong nước nhằm giúp người dân tiếp cận được những sản phẩm sạch, giá cả vừa phải mà chất lượng không khác hàng xuất khẩu”, ông Thành nói thêm.

Chanh leo loại 1 xuất khẩu của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sài Gòn - Tây Nguyên. Ảnh: Quang Yên.

Chanh leo loại 1 xuất khẩu của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sài Gòn - Tây Nguyên. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) khẳng định, mô hình sản xuất chanh leo của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sài Gòn - Tây Nguyên cùng các thành viên HTX Xanh Cao Nguyên hiện nay là mô hình lớn nhất của huyện cũng như tỉnh Đắk Lắk được cấp chứng nhận GlobalGAP.

Theo ông Giao, mô hình đã góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển bền vững của địa phương. Đây là một trong những mô hình thực hiện ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo ra giá trị, năng suất rất cao.

“Thời gian qua chanh leo mất giá do người dân trồng tự phát, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật dẫn đến rất khó bán trên thị trường. Mô hình của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sài Gòn - Tây Nguyên làm theo quy trình kỹ thuật và có chứng nhận GlobalGAP nên giá sản phẩm rất ổn định. Đây là hướng phát triển đúng.

Địa phương khuyến kích các hộ dân tham gia vào mô hình, từ đó hình thành chuỗi liên kết để nâng cao giá trị, ổn định tiêu thụ sản phẩm. Mô hình cũng giúp giải quyết hàng trăm lao động cho địa phương, góp phần cải thiện được sinh kế cho người dân. Chúng tôi hi vọng đây là mô hình kiểu mẫu để người dân học hỏi, tham quan và triển khai nhân rộng trong thời gian tới”, ông Giao nhấn mạnh.

Minh Quý

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm