Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:47 GMT +7

  • Click để copy
Thứ sáu- 14:00, 01/12/2023

Nông dân Bắc Kạn thức tỉnh nhờ nông nghiệp hữu cơ

Ngỡ ngàng Bắc Kạn chỉ sử dụng gần 0,3kg thuốc bảo vệ thực vật/ha

Chuyến thực tế mấy ngày tại tỉnh Bắc Kạn tôi đã ấn tượng với chuyện dân dùng ít thuốc BVTV, lại càng ấn tượng hơn với con số thống kê của cơ quan chức năng.

Những con số "biết nói"

Thống kê của Chi cục Trồng trọt - BVTV và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn, tính riêng trên lúa, lượng thuốc trừ cỏ toàn tỉnh sử dụng năm 2019 ở vụ xuân là 448kg, vụ mùa 578kg, trung bình là 0,044kg/ha; thuốc trừ ốc vụ xuân 290kg, vụ mùa 657kg, trung bình 0,041kg/ha.

Lượng thuốc trừ cỏ năm 2020 vụ xuân 550kg, vụ mùa 379kg, trung bình 0,041kg/ha; thuốc trừ ốc vụ xuân 690kg, vụ mùa 441kg, trung bình 0,049kg/ha. Lượng thuốc trừ cỏ năm 2021 vụ xuân 295kg, vụ mùa 498kg, trung bình 0,035kg/ha; thuốc trừ ốc vụ xuân 754kg, vụ mùa 626kg, trung bình 0,06kg/ha.

Tuốt lúa nếp Khẩu Nua Lếch. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tuốt lúa nếp Khẩu Nua Lếch. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Lượng thuốc trừ cỏ năm 2022, vụ xuân 319kg, vụ mùa 285kg, trung bình 0,027kg/ha; lượng thuốc trừ ốc năm 2022 vụ xuân 711kg, vụ mùa 598kg, trung bình 0,058kg/ha; lượng thuốc trừ cỏ năm 2023 vụ xuân 181kg, vụ mùa 176kg, trung bình 0,016kg/ha. Thuốc trừ cỏ năm 2023 vụ xuân 631kg, vụ mùa 530kg, trung bình 0,051kg/ha.

Tính trên tất cả các loại cây trồng, năm 2019 Bắc Kạn sử dụng các loại thuốc BVTV vụ xuân 3.466kg, vụ mùa 4.534kg; năm 2020 vụ xuân 5.566kg, vụ mùa 4.418kg; năm 2021 vụ xuân 3.574kg, vụ mùa 4.609kg; năm 2022 vụ xuân 4.382kg, vụ mùa 6.044kg; năm 2023 vụ xuân 7.647kg, vụ mùa 8.050kg.

Với tổng diện tích lúa, ngô, cây ăn quả, chè khoảng 53.000ha thì lượng thuốc BVTV sử dụng trung bình của Bắc Kạn năm 2023 chỉ gần 0,3kg/ha (trong khi lượng sử dụng trung bình của cả nước năm 2021 là 4,08kg thuốc BVTV thành phẩm/ha). Những con số trên được tính toán qua lượng thuốc BVTV các công ty nhập về trên địa bàn, lượng bán ra và lượng tồn kho.

Bài liên quan

Từ Đồng bằng sông Hồng, qua Duyên hải miền Trung đến Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề nan giải trên các cánh đồng là tình trạng lạm dụng thuốc trừ cỏ và thuốc trừ ốc bươu vàng.

Tôi hỏi ông Nguyễn Hoàng Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn lý do địa phương dùng ít những loại thuốc này. Ông trả lời: “5 năm về trước, tình trạng nông dân dùng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ ốc cũng nhiều nhưng gần đây do công tác tuyên truyền, tập huấn về tác hại của thuốc BVTV nên bà con nhận thức được.

Thứ nữa, ở Bắc Kạn có tập quán vụ mùa khoảng 70% diện tích là dùng giống lúa Bao Thai và các giống nếp địa phương, cấy mạ già nên ốc ăn ít hơn. Thậm chí khi Chi cục đưa tiến bộ SRI vào, khuyến cáo chuyển từ cấy mạ già sang cấy mạ non để giúp cây lúa đẻ khỏe, năng suất cao hơn nhưng ốc bươu vàng lại cắn phá nhiều nên phát sinh công cấy dặm.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn trao chứng nhận hữu cơ cho bà Hoàng Thị Hỷ - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong (huyện Chợ Đồn). Ảnh: Tư liệu.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn trao chứng nhận hữu cơ cho bà Hoàng Thị Hỷ - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong (huyện Chợ Đồn). Ảnh: Tư liệu.

Bài liên quan

Một thời gian sau, nông dân quay lại cấy bằng mạ già nhưng đã có sự thay đổi, trước để mạ 40 ngày tuổi thì nay chỉ để 20 - 25 ngày (quy trình SRI khuyến cáo là 8 - 10 ngày). Khi nông dân cấy mạ non hơn, Chi cục tập huấn các biện pháp kỹ thuật như rút nước trước khi cấy, thu gom ốc, cấy xong lại rút nước để ốc tập trung vào những chỗ trũng mà bắt hoặc dùng xơ mít, lá khoai để dụ đến ăn và bắt. Vất vả 7 - 10 ngày đầu, khi lúa đẻ nhánh khỏe rồi thì ốc ít ăn.

Thêm vào đó, nông dân phát hiện ra lúa già đi thì ốc bươu vàng sẽ không ăn được mà chuyển sang ăn cỏ bởi tập tính của chúng là thích đồ ăn còn non. Vì thế mà bây giờ xuống hỏi nông dân rằng có dùng thuốc trừ ốc không thì họ trả lời không, thậm chí có nhà còn đi bắt ốc bươu vàng ở ruộng nhà khác thả vào ruộng của mình để cho chúng ăn cỏ. Những gia đình khác bắt ốc bươu vàng về nuôi gà, nuôi vịt. Chỉ một số ít nhà có nhiều ruộng làm không xuể hoặc có con đi lao động xa thì mới phải dùng thuốc trừ cỏ.

Vụ mùa tỉnh Bắc Kạn gieo cấy khoảng 14.000ha lúa, trong đó 70% là giống Bao Thai và nếp địa phương, còn vụ xuân cấy hơn 8.000ha, giống lúa đa dạng hơn, gồm J02, lúa lai, lúa thuần. Cả 2 vụ hầu như không phun thuốc trừ cỏ, diệt ốc nên môi trường sinh thái đồng ruộng luôn rất trong lành.

Thuận lợi cho nông nghiệp hữu cơ, nhưng...

Trên cái nền của việc sử dụng ít thuốc BVTV ấy, ông Tùng cho biết theo tinh thần triển khai Nghị định 109 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh, Sở NN-PTNT để triển khai những bước cụ thể. Thuận lợi của tỉnh là được thiên nhiên ưu đãi, cơ bản người dân vẫn canh tác kiểu tự nhiên; rừng chiếm 73% diện tích tự nhiên, đất, nước, không khí còn sạch và bà con sử dụng nhiều giống cây trồng đặc hữu.

Niềm vui trên cánh đồng hữu cơ. Ảnh: Tư liệu.

Niềm vui trên cánh đồng hữu cơ. Ảnh: Tư liệu.

Bài liên quan

Bước đầu đơn vị đã có những mô hình hữu cơ, được chứng nhận như cây dẻ, dong riềng, nghệ, lúa…Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh cũng làm những mô hình chứng nhận hữu cơ PGS trên cây dong riềng, bí xanh thơm và lúa. Tuy nhiên, diện tích được chứng nhận hữu cơ vẫn còn rất nhỏ. Theo kế hoạch, đến năm 2025, Bắc Kạn phấn đấu diện tích hữu cơ chiếm khoảng 1% diện tích đất canh tác (trên 50.000ha) nhưng khó có thể đạt.

Còn ông Hoàng Thanh Bình - Chi cục phó Chi cục Trồng trọt - BVTV và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn thì lý giải, sở dĩ lượng sử dụng thuốc BVTV/ha của Bắc Kạn ít hơn so với các tỉnh khác bởi trình độ thâm canh chưa cao bằng. Như trên cây có múi, tỉnh có diện tích hơn 3.000ha nhưng lượng sử dụng thuốc BVTV không bằng những vùng cây có múi ở chỗ khác, bà con chỉ phun trừ 1 -2 lần khi sâu bệnh hại quả, nhiều nhà cũng không phun.

Trên cây chè, tỉnh có diện tích trên 2.000ha. Trong khi nhiều vùng chè ở tỉnh Thái Nguyên mỗi tháng hái 2 - 3 lứa thì ở Bắc Kạn có khi chỉ hái 1 lứa. Kể cả lúa cũng thế, vụ mùa năng suất của Bắc Kạn chỉ 4,5 - 5 tấn/ha, trong khi nhiều tỉnh hơn 6 tấn/ha. Bên cạnh đó, do khí hậu của Bắc Kạn và tập quán canh tác nên sâu bệnh chỉ phát sinh gây hại ở diện hẹp, không thành dịch lớn.

Một số điểm sáng về sản xuất hữu cơ theo chuỗi liên kết ở Bắc Kạn hiện nay cũng đã hình thành như HTX Yến Dương (huyện Ba Bể) với sản phẩm bí thơm và gạo nếp Tài; HTX Tân Thành (TP Bắc Kạn) với sản phẩm nghệ; Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn (TP Bắc Kạn) với sản phẩm nghệ được chứng nhận hữu cơ quốc tế…

Phơi lúa nếp Khẩu Nua Lếch. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phơi lúa nếp Khẩu Nua Lếch. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tuy vậy, các đơn vị vẫn phản hồi với cơ quan chức năng rằng có nhiều khó khăn khi phải làm việc với từng hộ dân. Phải có tổ hợp tác, HTX để làm đầu mối cho việc này nhưng với trình độ chuyên môn hạn chế, vốn ít nên cũng khó tiếp cận được chính sách, thị trường.

Khó khăn nữa là đồng ruộng manh mún. Diện tích đất của mỗi nông hộ rất khác nhau, nhà vài ngàn m2, nhà vài trăm m2. Nước dùng cho nông nghiệp toàn dạng tự chảy cũng là bài toán rời rạc với miền núi. Muốn sản xuất lớn phải xuống giống đồng loạt, phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhưng ở đây mạnh ai người đấy làm, không giống như dưới đồng bằng có lịch cấp nước cụ thể.

Cũng xuất phát từ nhiệm vụ mỗi năm Chi cục phải xây dựng các hoạt động liên quan đến tư vấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trên cây lúa mà bà Phạm Thị Thu - Trưởng phòng Trồng trọt và BVTV muốn tìm ra những giải pháp mới. Và bà đã bắt gặp được một đối tượng tuy cũ nhưng ít người để ý đến là bèo hoa dâu.

“Mới đây tôi được thầy Phạm Gia Minh tặng cuốn sách “Câu chuyện bèo hoa dâu - một thông điệp từ tương lai” nên đã quan tâm hơn đến tác dụng của loại bèo này. Tôi nhận thấy nó sẽ là nguồn phân hữu cơ tự nhiên mà nông dân Bắc Kạn có thể tự sản xuất được vì ở đây còn nhiều nơi người dân cấy lúa sử dụng rất ít hóa chất, không phun thuốc trừ cỏ, diệt ốc - là điều kiện thuận lợi để bèo hoa dâu sinh sống. Tôi đã lồng ghép nội dung tập huấn về bèo hoa dâu vào những mô hình sản xuất lúa hữu cơ để bà con thấy được lợi ích của nó.

Bèo hoa dâu ở xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn. Clip: Người dân cung cấp.

Khi đi tập huấn, tôi hỏi bà con biết loại bèo này không? Họ trả lời rằng có nhưng ngày xưa nhiều, giờ thấy rất ít. Hỏi tại sao thì họ trả lời rằng chắc do bón phân hóa học và phun thuốc hóa học. Ở những ruộng lúa tôi đang theo dõi, lúc ruộng có nước thì rất nhiều bèo hoa dâu, nhưng khi rút nước cạn theo kỹ thuật SRI hoặc chuẩn bị gặt thì bèo hoa dâu chết hết. Việc duy trì bèo hoa dâu lúc rút cạn nước hoặc đổi vụ đang gặp khó khăn bởi nông dân chỉ để chúng phát triển tự nhiên chứ chưa chủ động nhân nuôi.

Đây là một điều rất đáng tiếc. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp tự sản xuất phân hữu cơ để thay thế hoàn toàn phân bón hóa học, trong đó sẽ thử nghiệm nhân nuôi bèo hoa dâu", bà Phạm Thị Thu cho biết.

Khó khăn lớn nhất trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ ở tỉnh Bắc Kạn là khâu kết nối thị trường. Bình quân lương thực đầu người trên 500kg/năm, khá cao nhưng hiệu quả kinh tế không được là bao. Tuy nông sản an toàn nhưng lượng tiêu thụ ít, giá bán thấp và bấp bênh, chưa nâng tầm được thương hiệu. Thêm vào đó là rào cản của kinh tế hộ, liên kết rất lỏng lẻo, khó có thể làm được hàng hóa lớn, chất lượng đồng đều.

Dương Đình Tường

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm