Thứ hai, 29/04/2024 | 02:51 GMT +7

  • Click để copy
Thứ tư- 08:00, 29/11/2023

Nông dân Bắc Kạn thức tỉnh nhờ nông nghiệp hữu cơ

Gặp gỡ 'Trường khoai mật'

BẮC KẠN Dừng xe dọc đường, Đồng Văn Trường lên đồi, leo một cây mắc cọt to, quả sai trĩu trịt dễ đến cả vài tạ, cứ tự nhiên như không, hái đưa tôi mấy quả.

Vòng tròn khép kín của các cây trồng và vật nuôi

Tôi cắn thử, vị của nó chát, khá khó ăn nhưng dẫu sao cũng là thứ có thể giải khát tạm giữa tiết trời nực. Trường thủng thẳng: “Quả mắc cọt mang ra chợ cũng được 10.000đ/kg đấy nhưng ở đây không mấy ai bán cả mà để vài cây dành đãi trẻ con thôi. Trong bản nhà có cây này, nhà có cây nọ, cho đi cho lại nhau, lãi được cái tình cảm”.

Đồng Văn Trường bên cây mắc cọt bản địa quê mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đồng Văn Trường bên cây mắc cọt bản địa quê mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Nhà chàng trai người Tày 29 tuổi này ở bản Pồm xã Cốc Đán (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn), nơi có 20 hộ dân nằm giữa một thung lũng đẹp như mơ, tối ngủ không cần cài cửa, xe máy cắm chìa khóa dựng ngay ngoài sân. Trước, bản có 40 hộ nhưng về sau di cư dần vào Nam vì không làm gì ra tiền, vì đường toàn đất đá lổn nhổn.

Trường yêu tự do, không ưa gò bó, từ nhỏ đã thích nghề nông, quen với chăn trâu, cắt lúa. Lúc xuống TP Bắc Kạn học trường Cao đẳng Sư phạm, cái đầu của anh không thích nghi với cuộc sống xô bồ nơi phố xá đã đành, mà cơ thể cũng phản ứng rất rõ rệt, hơi thở nặng và làn da luôn ngứa ngáy khi tắm bằng nước máy. Sau tốt nghiệp, anh vào Tây Nguyên cả năm chỉ để tìm đến những nhà vườn trải nghiệm.

Bài liên quan

Anh thấy ở Tây Nguyên có nhiều cái hay cũng có lắm cái dở, mà dở nhất là việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học. Mùa cỏ phun thuốc trừ cỏ, mùa hoa phun thuốc đậu trái. Thuốc độc rơi như mưa xuống người làm thuê trong khi họ uống nước giếng ngay tại vườn, ngồi hút thuốc ngay dưới tán cây vừa phun.

Chán cảnh lang bạt, năm 2018 anh về quê, học nghề ghép lê lên gốc cây mắc cọt. Sở dĩ anh chọn mắc cọt bởi nó sai quả và dễ sống. Ở Cốc Đán, có những ngày đông xuống dưới âm độ C, mặt nước trong bể đóng băng mà khi xuân về, mắc cọt vẫn đơm hoa trắng khắp triền đồi, trắng các mảnh vườn…

Đồng Văn Trường bên ao nuôi ốc bươu đen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đồng Văn Trường bên ao nuôi ốc bươu đen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trên những bờ ruộng nhiều khi chỉ vừa đủ đặt một bàn chân Trường cứ đi lại thoăn thoắt như con hươu, con nai trong rừng. Vừa lội ào ào xuống ao, vớt lên những con ốc bươu màu đen nhóng nhánh anh vừa giới thiệu: “Em thả 6 vạn ốc giống, sau vài tháng nuôi, tỷ lệ đậu được 70%. Em trồng khoai lang mật, phần lấy củ, phần lấy dây cho ốc, cho trâu bò và lợn ăn. Rơm rạ em không đốt mà dành cho trâu bò ăn, nguồn phân của chúng lại để nuôi giun quế. Cách nuôi cũng đơn giản, không lán trại gì mà đặt ngay trong chuồng trâu hay ruộng trồng cỏ voi, chỉ che phủ bằng rơm rạ cho gà đỡ bới. Phân sau khi ủ dùng để bón lê, bón khoai, bón lúa...”.

Vừa nói anh vừa sục tay vào bên dưới đám cỏ voi, bới một chốc đã được cả vốc giun. Tôi hỏi tại sao lũ giun quế không bò đi thì anh cười bảo, cứ có phân đổ xuống là chúng không chạy đi đâu cả, giống như con cá chép thả xuống ruộng, đủ thức ăn là chẳng thèm bơi ra ruộng ngoài. Một vòng tròn khép kín của nông nghiệp đã được hình thành như thế.

Cảnh tuyệt đẹp của bản Pồm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cảnh tuyệt đẹp của bản Pồm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm 2020, Trường ghép 40 gốc lê ta và lê Tai Nung, tỷ lệ sống đạt 100%, dự báo năm tới sẽ ra bói. Lê cho hoa để làm du lịch, cho quả để bán với giá 30 - 40.000đ/kg (lê ta), 50.000đ/kg (lê Tai Nung). Ý tưởng của anh là tạo một khu vườn sản xuất lê giống rộng 1ha ở Cốc Đán để cung cấp cây trồng cho vùng du lịch sinh thái ở xã Đức Vân. Qua Trường, tôi còn biết một kinh nghiệm rất hay của đồng bào là buộc trâu cạnh gốc lê, vừa có thêm phân bón cho cây, vừa nén rễ giúp cây ra sai quả, tăng tuổi thọ.

Chưa giàu, chưa lấy vợ

Trong lúc đợi cơm trưa, tôi lót lòng bằng những củ khoai lang mật. Trường bảo khoai vụ xuân này còn chưa ngon, khoai vụ mùa sắp tới luộc sẽ dẻo, quánh, khi ăn mật quyện cả trong miệng. Xưa ở bản nhà nào cũng trồng vài luống khoai lang giống củ tròn, chủ yếu để lấy dây cho lợn ăn chứ không thành hàng hóa. Khi vào Tây Nguyên thấy người ta thuê 30 triệu đồng/ha để trồng khoai lang Nhật, trong khi đất ở quê mình rộng mênh mông anh liền thử nhập giống về trồng nhưng không hợp.

Chẳng nản chí, anh lại tìm giống khoai lang mật của Lạng Sơn về trồng. Khi thấy chúng phát triển tốt anh liên kết với các hộ, mở rộng diện tích lên trên 10ha, bao tiêu với giá 7.000đ/kg, tạo nên thương hiệu khoai lang mật Cốc Đán.

Phơi lúa trước sân một ngôi nhà truyền thống của người Tày. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phơi lúa trước sân một ngôi nhà truyền thống của người Tày. Ảnh: Dương Đình Tường.

HTX Trường Thịnh được anh thành lập năm 2019 với 8 thành viên, tập hợp các hộ dân cùng trồng khoai lang mật và lê theo hướng hữu cơ, tạo thành chuỗi giá trị. Khoai lang mật được gửi xuống Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn để sản xuất thử thành công khoai sấy dẻo, bún khoai nhưng do thiếu vốn nên anh chưa tự đầu tư máy móc được mà vẫn phải bán tươi cho một số cửa hàng thực phẩm dưới Hà Nội với giá 16.000đ/kg.

"Tại sao mình bao tiêu cho bà con giá 7.000đ/kg mà bán 16.000đ/kg, ăn lãi dày thế?", tôi hỏi. Trường cười: “Củ kém chất lượng như bị hà, bị chuột cắn một chút là em kiên quyết loại bỏ, không bán để ảnh hưởng đến thương hiệu mà dành cho lợn và ốc ăn. Nhờ đó mà khách hàng dần tin tưởng. Năm ngoái HTX bán được 6 tấn, năm nay dự kiến bán được 18 - 20 tấn. Ngoài ra các hộ còn tự bán nữa.”

Với lê thì nhà nào có nhiều đất anh sẽ đầu tư giống rồi liên kết trồng và tiêu thụ. Trung bình mỗi hộ dân ở đây có 5.000m2 ruộng, 3.000m2 nương, 2 - 3ha rừng. Lợi thế là đất sạch, nước sạch, không khí sạch, lại có rừng đầu nguồn che chở. Yếu thế là đất đai manh mún, cách xa nhau cả quả đồi nhưng dân lại không dồn điền đổi thửa cho tiện, đường bé nhưng dân lại không hiến đất để mở rộng.

Bởi thế lấy 1 bao xi măng về tới nhà phải qua 2 loại phương tiện, ô tô chở hết đường lớn rồi tăng bo bằng xe máy. Xây cái chuồng lợn, chuồng gà cũng tốn chứ chưa nói đến xây nhà. Làm ra được sản phẩm sạch nhưng 1kg thóc phải bán rẻ hơn 1.000đ/kg, 1kg lợn, gà phải bán thấp hơn 10.000đ so với giá chợ thương lái mới chịu vào.

Nuôi giun quế xử lý phân ngay trong ruộng cỏ voi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nuôi giun quế xử lý phân ngay trong ruộng cỏ voi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dân phần nghèo do điều kiện tự nhiên, phần nghèo do tư duy còn ỉ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. “Trứng vỡ từ bên ngoài chỉ để làm đồ ăn, còn trứng vỡ từ bên trong mới là sự sống”. Trường lý giải, nếu mình sản xuất giống lê ghép mà bảo dân trồng là họ khó nghe theo, hoặc có nghe nhưng cũng trồng ở chỗ đất kém, làm không đúng kỹ thuật, không bỏ công, bỏ của để chăm sóc. Nhưng khi mình trồng lê có hiệu quả, người dân sẽ nhận thấy vấn đề, trồng theo thì mới thành công.  

Bởi thế, không đợi dự án, mô hình của nhà nước vì thủ tục lâu la, giống nhiều khi không phù hợp mà HTX sẽ chủ động cấp giống cho dân, hướng dẫn kỹ thuật làm theo hướng hữu cơ rồi bao tiêu sản phẩm.

Anh trăn trở chuyện người dân quê mình còn bỏ phí một thứ báu vật đó là bèo hoa dâu. Nó có thể làm thức ăn nuôi gà, lợn, cá, ốc bươu đen… Nhiều địa phương khác người ta vớt bèo hoa dâu lên bán 1kg giá 1.000đ nhưng ở Cốc Đán dân chỉ vớt lên để khô trên bờ hay tháo bỏ ra suối. Nếu có nước thì tháng 3 âm, mưa xuống là bèo lên xanh tốt, tháng 5 âm khi có nắng già bèo chuyển sang màu đỏ. Khoảng 30% diện lúa trong xã có nước thường xuyên là có bèo hoa dâu, có ốc ruộng.

Đồng Văn Trường và ruộng khoai mật. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đồng Văn Trường và ruộng khoai mật. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh cứ suy nghĩ mãi về kiểu sản xuất tự cung tự cấp của bà con. Có một thứ hàng hóa là cây thuốc lá nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Có một thứ đặc sản là nếp Khẩu Nua Lếch nhưng vẫn chưa biết cách tổ chức sản xuất và quảng bá thương hiệu.

Ham công, tiếc việc, anh ôm vào mình nhiều thứ thử nghiệm như nuôi lợn rừng, trâu, bò, ốc bươu đen, ươm cây giống, trồng lê, trồng khoai nên lắm việc cũng dở dang. Bố anh bảo rằng, sức con chỉ vác được 1 bao xi măng mà vác 2 bao thì làm sao cáng đáng? Trường nghe thế nhưng chỉ cười trừ.

29 tuổi mà chưa lấy vợ như Đồng Văn Trường cũng là "của hiếm" ở bản, ở xã. Lúc mọi người trong nhà, bố, mẹ giục chuyện đó thì anh trả lời tỉnh bơ rằng: “Con chưa giàu thì chưa lấy vợ”.    

Dương Đình Tường

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm