Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:46 GMT +7

  • Click để copy
Chủ nhật- 17:56, 24/12/2023

Khi bất lợi trở thành lợi thế để sản xuất hữu cơ

TUYÊN QUANG Địa bàn vùng cao với tập quán canh tác còn lạc hậu, chưa có nhiều sự can thiệp của hóa chất vào sản xuất chính là lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Chè shan tuyết xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang) là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu nổi tiếng của tỉnh Tuyên Quang. Đây là sản phẩm duy nhất của địa phương này đang trình Hội đồng OCOP Quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao, loại 1 tôm 1 lá.

Toàn huyện Na Hang có 110ha chè shan tuyết sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ảnh: Đào Thanh.

Toàn huyện Na Hang có 110ha chè shan tuyết sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ảnh: Đào Thanh.

Hồng Thái cũng là địa phương có vùng chè hữu cơ lớn nhất của tỉnh Tuyên Quang. Với diện tích 21ha chè shan tuyết đã được công nhận đạt chuẩn hữu cơ, đây được xem là thành công vượt bậc trong lộ trình xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững của tỉnh, góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.

Đặc biệt hơn, vùng chè này đã tạo ra nguồn sinh kế ổn định giúp nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số như Dao tiền, Mông trên địa bàn xã. Năm 2023, vùng trồng chè shan tuyết với diện tích 12ha của HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái đã được cấp mã số vùng trồng và đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường EU, mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm nông sản này.

Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc HTX Sơn Trà (huyện Na Hang) cho biết, hiện nay, tổng diện tích vùng nguyên liệu chè shan tuyết của hợp tác xã là 64ha, trong đó có 29ha chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, 35ha chè trồng hơn 20 năm tuổi đang được HTX liên kết với các hộ dân trên địa bàn chăm sóc, thu hái và bảo vệ. Hiện nay, HTX Sơn Trà đã mở rộng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, hướng đến nâng cao giá trị sản phẩm, tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Theo phòng NN-PTNT huyện Na Hang, địa phương có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp đạt chuẩn hữu cơ, VietGAP. Bởi nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, sự tác động của hóa chất vào đất rất hạn chế nên phần lớn diện tích đất canh tác đều khá “khỏe”, dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật gần như không có. Vì vậy khi doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác xây dựng các sản phẩm hàng hóa theo chuỗi để làm thủ tục chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ sẽ khá thuận lợi.

Diện tích mặt nước vùng lòng hồ rộng lớn là điều kiện thuận lợi để huyện Na Hang chăn nuôi thủy sản theo hướng hữu cơ, sinh thái. Ảnh: Đào Thanh.

Diện tích mặt nước vùng lòng hồ rộng lớn là điều kiện thuận lợi để huyện Na Hang chăn nuôi thủy sản theo hướng hữu cơ, sinh thái. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Na Hang cho biết, hiện toàn huyện có 110ha chè canh tác theo hướng hữu cơ và được công nhận đạt chuẩn hữu cơ. Huyện cũng đã xây dựng được 28 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó sản phẩm chè shan tuyết xã Hồng Thái đang làm thủ tục để được công nhận đạt 5 sao OCOP. Các chủ thể cũng đang hoàn thiện thủ tục để được đánh giá, công nhận thêm 6 sản phẩm đạt sao OCOP.

Với diện tích lòng hồ rộng hơn 8.000ha, Na Hang có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề thủy sản. Lợi thế này đã giúp nhiều doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh phát triển thủy sản sạch, an toàn, mang lại giá trị kinh tế cao.

Công ty TNHH MTV Thủy sản Nhật Nam hiện nay nuôi gần 50 lồng cá đặc sản gồm cá lăng, chạch, chình và chép giòn. Công ty được công nhận sản xuất thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP.

Anh Vi Anh Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy sản Nhật Nam cho biết, nguồn thức ăn chủ yếu cho cá nuôi là cá tự nhiên, nước lòng hồ khá sạch nên cá cho chất lượng thịt chắc, thơm ngon, được khách hàng đánh giá cao. Hiện nay, Công ty có 4 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt 4 sao. Trung bình mỗi năm Công ty xuất bán ra thị trường khoảng 100 tấn cá các loại.

Có thể thấy, những khó khăn về địa lý, tập quán canh tác đang trở thành lợi thế để huyện vùng cao Na Hang của tỉnh Tuyên Quang phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ. Tuy nhiên, việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ của huyện cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề đầu ra của sản phẩm.

Dó đó thời gian tới, rất cần có giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững sản phẩm nông sản nói chung, sản phẩm nông sản hữu cơ nói riêng, tiến tới nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ tại địa phương.

Đào Thanh

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm