Thứ năm, 21/11/2024 | 23:47 GMT +7
Phát triển nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu là xu hướng tất yếu trong sản xuất. Gần đây tại tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
UBND tỉnh Đồng Tháp có kế hoạch đến năm 2030, diện tích đất trồng trọt hữu cơ của tỉnh đạt hơn 1,5% (khoảng 3.298ha) tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản hữu cơ cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Để thực hiện được các chỉ tiêu đề ra, tỉnh triển khai thực hiện các cơ chế chính sách đã ban hành về nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, nhất là khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.
Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp đang thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, phát triển xanh, trong đó đặc biệt ưu tiên cho ngành hàng lúa gạo, từng bước mở rộng sản xuất hữu cơ sang các sản phẩm nông nghiệp khác. Trong đó, nông dân trồng lúa là chủ thể trong tiến trình chuyển đổi mô hình sản xuất lúa sinh thái trên cơ sở gắn kết với thị trường. Do vậy, nông dân, hội quán, HTX được đào tạo bài bản (các tiêu chuẩn, quy chuẩn), liên kết theo chuỗi tạo sản lượng lớn. Đến năm 2025, Đồng Tháp đặt mục tiêu sẽ đào tạo 4.500 nông dân trở thành nông dân chuyên nghiệp thông qua 115 tổ khuyến nông cộng đồng để triển khai các mô hình sản xuất lúa sinh thái.
Sản xuất lúa sinh thái nhằm mục tiêu đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng trên cơ sở áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật. Trồng thêm cây có hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch góp phần hạn chế quần thể dịch hại, giảm chi phí phun thuốc BVTV, làm đẹp cảnh quan và bảo vệ môi trường.
Trong phát triển sản xuất lúa sinh thái, Đồng Tháp sẽ chú trọng gắn với kinh tế tuần hoàn, đổi mới công nghệ và thiết kế các mô hình tiên tiến thông qua các dữ liệu số, minh bạch khi truy xuất nguồn gốc; phát triển vùng nguyên liệu và nâng cấp chuỗi lúa gạo sinh thái theo hướng kết nối trực tiếp với doanh nghiệp. Song song đó, nâng cao năng lực cho các tổ chức nông dân để triển khai áp dụng các giải pháp kỹ thuật vào đồng ruộng, tạo môi trường phát triển lành mạnh cho các tổ chức nông dân, từ đó tạo niềm tin để người dân vượt qua thách thức trong biến đổi khí hậu, biến động thị trường, đồng thời tạo chuyến biến trong tâm lý người tiêu dùng đối với sản phẩm lúa gạo hữu cơ.
Mục tiêu của Đồng Tháp là sản xuất lúa sinh thái, lúa hữu cơ thành vùng quy mô lớn, trong đó doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân trồng lúa, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng từ cọng rơm, vỏ trấu, đưa kinh tế tuần hoàn đạt giá trị tối ưu.
Theo ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, hàng năm Đồng Tháp có khoảng 1.900ha sản xuất hữu cơ kết hợp như “2 lúa – 1 cá”, “ 2 màu – 1 cá” hoặc “2 lúa + vịt – 1 cá”. Đây là các mô hình xuất phát với nền tảng cơ bản là 2 vụ lúa hoặc màu, 2 vụ lúa hoặc màu này sẽ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật như “1 phải 5 giảm”, IPM, sản xuất theo tiêu chuẩn SRP nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, tiến hành đăng quầng trữ cá tự nhiên vào mùa lũ hoặc có điều kiện kết hợp nuôi ươm cá trước mùa lũ khoảng 1 - 2 tháng, sau đó sẽ thả bổ sung ra ngoài đồng ruộng khi nước lũ lên để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên trên đồng ruộng. Đồng thời, kết hợp thực hiện các biện pháp thu hút cá tự nhiên vào, vừa làm thức ăn cho cá nuôi thả, vừa có thể thu hoạch sau khi nước lũ rút nhằm tăng thu nhập, ổn định sinh kế.
Hiện nay, các mô hình sản xuất hữu cơ kết hợp đều đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với mô hình lúa – cá, tổng lợi nhuận trung bình đạt 55 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với ngoài mô hình trung bình 15 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, sản xuất lúa cho lợi nhuận 44 triệu đồng/ha, cá cho lợi nhuận 9 triệu đồng/ha. Nếu kết hợp thêm chăn nuôi vịt trong 2 vụ lúa để quản lý sâu rầy, tận dụng phế phụ phẩm của cây lúa lợi nhuận từ nuôi vịt đạt 8 triệu đồng/ha.
Do đó, với mô hình lúa + vịt – cá lợi nhuận trung bình đạt 63 triệu đồng/ha/năm. Ngoài nâng cao hiệu quả kinh tế, các mô hình còn nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý và khai thác nguồn lợi thủy sản theo hướng cộng đồng một cách hợp lý.
Mô hình lúa sinh thái của Đồng Tháp là hướng phát triển xanh có thể nhân rộng ra tại các địa phương khác ở ĐBSCL, đặc biệt có thể gắn với mô hình hoạt động của hội quán, lồng ghép vào mạng lưới 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL.
Đồng Tháp đã có chủ trương đẩy mạnh sản xuất lúa sinh thái, hữu cơ từ năm 2021. Tỉnh đã có định hướng chiến lược, kế hoạch hành động và giải pháp cụ thể, mang tính hệ thống để nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm lúa gạo của tỉnh ở thị trường trong và ngoài nước.
ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.