Thứ hai, 29/04/2024 | 08:52 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 14:43, 05/12/2023

Tôm - lúa hữu cơ mở ra trang mới cho nông nghiệp Cà Mau

Cà Mau hiện đã có 7.000ha lúa hữu cơ và đang tăng rất nhanh về diện tích, trong đó đa số là lúa hữu cơ gắn với các vùng sản xuất lúa - tôm.

Với lợi thế về đất mặn, phèn ven biển, cửa sông giàu vi lượng, sản xuất lúa bằng nguồn nước mưa được dự trữ từ các ô thủy lợi, đa dạng các vùng sinh thái, các loại hình sản xuất, Cà Mau định hướng phát triển ngành lúa gạo theo hướng hữu cơ, bền vững. Điều này sẽ giúp thị trường xuất khẩu gạo của Cà Mau rộng mở hơn, đặc biệt khi Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do với 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về tình hình, định hướng sản xuất lúa hữu cơ của tỉnh. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về tình hình, định hướng sản xuất lúa hữu cơ của tỉnh. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: Ngành nông nghiệp tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các kế hoạch, chương trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Đối với sản xuất lúa, tỉnh Cà Mau đang thực hiện liên kết chuỗi để quản lý vùng trồng, đẩy mạnh việc cấp mã số cho các tổ chức, cá nhân, HTX để theo dõi giám sát, bảo chất lượng tốt nhất phục vụ xuất khẩu. Hiện Cà Mau đã xây dựng được 26 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo an toàn, lúa gạo hữu cơ với tổng diện tích trên 7.000ha.

Bên cạnh đó, cơ cấu giống lúa được chuyển đổi sang nhóm lúa chất lượng cao với tỉ lệ chiếm hơn 45%, nhóm lúa thơm đặc sản như ST24, ST25, RVT và Ðài thơm 8... chiếm 48,3%, nhóm lúa chất lượng trung bình như OM 576, OM2517, OM5451... hiện chỉ còn chiếm 6,6%.

Hiện nay, lượng lúa giống gieo sạ ở Cà Mau cũng đã giảm rất nhiều, phổ biến chỉ còn 100 - 120kg/ha. Tỷ lệ nông dân sử dụng giống lúa cấp xác nhận để gieo sạ chiếm khoảng 85%. Cơ giới hoá trong sản xuất lúa được áp dụng mạnh mẽ...

Tuy nhiên, hiện nay diện tích lúa sản xuất đạt chứng nhận lúa hữu cơ của Cà Mau mới chỉ có khoảng 800ha, quá thấp so với tổng diện tích sản xuất lúa của tỉnh, tập trung tại huyện Thới Bình, U Minh và TP Cà Mau. Mặc dù giá bán lúa hữu cơ dao động từ 8.300 - 9.500 đồng/kg, mang lại lợi nhuận từ 1.000 - 2.500 đồng/kg, thu nhập từ 25 - 20 triệu đồng/ha, song diện tích sản xuất lúa hữu cơ còn khiêm tốn.

Mô hình sản xuất tôm - lúa hữu cơ tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình (Cà Mau). Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình sản xuất tôm - lúa hữu cơ tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình (Cà Mau). Ảnh: Trọng Linh.

Xã Trí Lực (huyện Thới Bình, Cà Mau) là một trong những địa phương tiên phong trong sản xuất lúa hữu cơ. Năm 2018, diện tích trồng lúa hữu cơ của địa phương chỉ khoảng 27ha thì đến năm 2020 đã đạt 100ha, tăng gần 4 lần.

Theo UBND xã Trí Lực, trồng lúa hữu cơ có những quy định khắt khe, phải làm theo hướng dẫn kỹ thuật của các kỹ sư, chuyên gia. Ruộng lúa sản xuất đạt chuẩn, có giấy chứng nhận hữu cơ sẽ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giá bán cao hơn trồng lúa thường nên bà con rất an tâm sản xuất.

Từ hiệu quả mô hình lúa - tôm hữu cơ ở huyện Thới Bình, vụ lúa - tôm năm 2023, lúa hữu cơ bén rễ trên vùng đất U Minh với tổng diện tích 40ha, với 30 hộ tham gia tại ấp 17, xã Nguyễn Phích. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở ấp 17 do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau hỗ trợ thực hiện.

Gia đình ông Ngô Minh Phương ở ấp 1, xã Nguyễn Phích chia sẻ: "Năm nay tôi xuống giống lúa hữu cơ trên diện tích 1,5ha. Lần đầu thử nghiệm trồng theo quy trình hữu cơ nên tôi phải đặc biệt chú trọng kỹ thuật canh tác. Sản xuất lúa hữu cơ chỉ bón phân hữu cơ, phải thường xuyên ra đồng theo dõi sâu bệnh hại, nếu phát hiện sẽ báo với cán bộ, kỹ sư tìm hướng khắc phục ngay".

Từ năm 2020, Phòng NN-PTNT huyện U Minh cũng hỗ trợ, vận động người dân trên địa bàn chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Nghị, Trưởng ấp 18, xã Nguyễn Phích cho biết: Vụ lúa - tôm năm 2020, ấp 18 đã triển khai thí điểm cho 20 hộ với diện tích trên 20ha sản xuất lúa hữu cơ. Vụ lúa - tôm 2023, ấp triển khai thêm 48ha với 52 hộ dân tham gia trồng lúa hữu cơ với giống lúa ST24. Sau 3 năm triển khai trồng lúa hữu cơ, nuôi tôm sạch, nhiều hộ dân đã thấy được hiệu quả thiết thực, đặc biệt giống lúa mới thích nghi tốt với vùng đất mặn nên đã xin tham gia sản xuất.

Tôm - lúa hữu cơ đang tạo ra bước đi mới cho sản xuất nông nghiệp của Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Tôm - lúa hữu cơ đang tạo ra bước đi mới cho sản xuất nông nghiệp của Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Ngoài trồng lúa hữu cơ, những năm gần đây, nông dân xã Nguyễn Phích bắt đầu chuyển đổi từ nuôi tôm sú, tôm thẻ sang nuôi tôm càng trái vụ. Các hộ dân nơi đây cho biết, vào vụ lúa lượng mưa nhiều, nước trong vuông tôm sẽ bị lợ, ngọt hoá nên tôm sú không phát triển. Thay vào đó, bà con dần chuyển sang nuôi tôm càng, đợi đến mùa nước mặn thì quay lại thả tôm sú. Theo hướng này, những năm gần đây nông dân có thu nhập ổn định.

Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện U Minh cho biết: Ðơn vị cũng đang hướng tới vận động bà con chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Ban đầu sẽ vận động từng vùng chuyển đổi sang trồng các giống lúa như ST24, ST25. Đây là những giống chịu mặn tốt, năng suất cao, chất lượng tốt, từng bước gắn với phát triển bền vững mô hình cho “lợi ích kép” lúa sạch, tôm sạch trên địa bàn huyện.

Các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được triển khai thực hiện ở Cà Mau đã tác động tích cực đến nhận thức, tập quán canh tác của nông dân. Các mô hình không chỉ tạo ra lúa, gạo sạch, nâng cao giá trị sản phẩm mà còn có lợi cho môi trường, hướng đến phát triển nền nông nghiệp sinh thái, bền vững.

Trọng Linh

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

1.000 cây bưởi và 7.000 trụ tiêu doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm

1.000 cây bưởi và 7.000 trụ tiêu doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm

BÌNH ĐỊNH Toàn bộ sản phẩm bưởi, hồ tiêu trồng theo hướng hữu cơ của ông Đặng Văn Cấp được HTX Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân bao tiêu, nhà vườn không phải lo đầu ra…

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm