Thứ hai, 14/07/2025 | 08:06 GMT +7

  • Click để copy
Thứ hai- 06:30, 14/07/2025

Lạc lối giữa nông trại cam trù phú xứ Thanh

THANH HÓA 'Tôi làm trang trại để cho tâm mình thanh thản và vì đam mê. Nhiều hôm không cần ăn cơm, chỉ cần ngồi ngắm vườn cam là no bụng rồi', anh Chung nói vui.

Chấp nhận thất bại

Hơn chục năm trước, khu đồi dốc ở xã Vân Du (Thanh Hóa) vẫn là vùng đất hoang, cỏ mọc um tùm, nơi người ta chỉ dắt trâu bò lên gặm cỏ rồi chiều lại lùa về. Không ai nghĩ rằng, cả một vùng đất rộng mênh mông chẳng ai buồn ngó ngàng tới chỉ sau gần 10 năm đã trở thành vùng trồng cây ăn quả trù phú, nức tiếng xứ Thanh.

Anh Chung sở hữu nông trại cam với diện tích 83 hecta. Ảnh: Quốc Toản.

Anh Chung sở hữu nông trại cam với diện tích 83 hecta. Ảnh: Quốc Toản.

Năm 2016, anh Nguyễn Văn Chung gom hết vốn liếng, cầm cố nhà cửa vay ngân hàng để thuê, mua lại từng thửa đất của bà con quanh vùng làm nông trại. Nhiều người lắc đầu, bảo anh khác người. Có người buông lời: “Thời nay ai còn đi trồng cây ở rừng? Có khùng mới bỏ tiền tỷ lên đồi trồng cam”.

Anh Chung thì khác. Người đàn ông trung niên có cái lý riêng của mình khi đưa ra quyết định táo bạo như vậy. Với anh, trở về với nông nghiệp là cách bản thân trả ơn cho đất. “Mình sống bao năm nhờ đất, ăn cơm nhờ hạt gạo từ đất, giờ còn sức thì phải làm gì đó cho đất được sống lại”, anh tâm sự.

Đất đồi Vân Du khi ấy khô cằn, đá lẫn trong đất, phải dùng cuốc xẻng mà nạy từng viên một. Cỏ dại cao lút đầu người. Mùa nắng đất nứt nẻ như chân ruộng bỏ hoang, mùa mưa nước chảy tràn, xói cả lớp đất mặt.

Vậy mà sáng nào người đàn ông ấy cũng có mặt ngoài đồi từ tinh mơ. Khi mặt trời còn chưa lên cao, lưng áo của anh đã đẫm mồ hôi. Anh Chung cùng tốp công nhân cần mẫn phát dọn, cắt cỏ, san gạt mặt bằng, bóc đi lớp đất xấu rồi tỉ mỉ bón phân hữu cơ, cải tạo từng mét đất để đánh thức sự sống ở vùng đồi cằn cỗi.

Cây cam trĩu quả nhờ bón phân hữu cơ. Ảnh: Quốc Toản.

Cây cam trĩu quả nhờ bón phân hữu cơ. Ảnh: Quốc Toản.

Để có nước tưới cho vùng đồi rộng lớn, anh khoan giếng, kéo đường ống dài hàng km để dẫn nước về từng ô thửa. Tại mỗi khu trồng cây, anh dựng lán tạm, ăn ở luôn ngoài vườn cùng tốp công nhân để tiện việc chăm sóc, cải tạo đất.

Để thuận lợi cho việc quản lý, anh chia toàn bộ khu đất thành 3 phân khu A, B, C, đổ đường bê tông rộng thênh thang chạy vòng quanh, hai bên đường trồng cây tạo bóng mát. Cứ vậy, từng ngày, từng tháng, từ đất hoang, trang trại trồng cây ăn quả dần hình thành. Có người đến thăm ngạc nhiên tưởng khu du lịch sinh thái chứ không nghĩ là vườn cây ăn quả.

Cứ thế, gần chục năm trời, bao nhiêu vốn liếng tích góp được anh đều dốc hết vào mảnh đất đồi ấy. Từ việc mua đất, phát cỏ, san lấp, khoan giếng, dựng bể nước, chọn giống, đổ đường bê tông đến thuê người làm cỏ, bón phân… cái gì cũng tự tay anh xoay xở.

Xong chuyện làm đất, anh Chung tiếp tục gặp trở ngại trong việc chọn cây trồng. Ban đầu anh thử trồng bưởi da xanh trên diện tích hơn 30 hecta, nhưng vùng đất Vân Du không giống miền Tây bởi khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp, bưởi phát triển kém, không cho thu hoạch. Có năm làm ăn chưa có lãi, anh phải cầm cố nhà cửa, xe cộ để thanh toán tiền lương cho công nhân.

Nông trại cam của anh Chung không khác gì khu du lịch sinh thái. Ảnh: Quốc Toản.

Nông trại cam của anh Chung không khác gì khu du lịch sinh thái. Ảnh: Quốc Toản.

Đến khi vườn cam tạm ổn định, số tiền anh đổ vào vùng đồi cũng ngót nghét gần 300 tỷ đồng. Chỉ riêng tiền phân bón, thuốc phòng bệnh, công chăm sóc mỗi năm tiêu tốn gần 20 tỷ đồng. Người ngoài nghe tới số tiền ấy ai cũng tròn mắt.

Vợ anh thương chồng ngày nào cũng cặm cụi giữa nắng gió mà thu nhập chẳng đáng bao nhiêu nên khuyên anh bỏ cuộc cho đỡ cực. Người đàn ông nhìn vợ khẽ cười, nhưng trong thâm tâm vẫn kiên định với con đường đã chọn. “Làm ăn phải biết chấp nhận thất bại. Mình có tâm, cây cối nó không phụ mình đâu, miễn là mình chịu khó và không bỏ cuộc giữa chừng”, anh Chung kể.

Sau gần chục năm gây dựng, vùng trồng cam của gia đình anh Chung bây giờ không khác gì khu du lịch sinh thái. Ai tới tham quan cũng bất ngờ vì không ngờ giữa đồi núi lại có một không gian đẹp như tiên cảnh.

Chăm cây như con mọn

Ở mảnh đất Vân Du ít ai gắn bó với đất đai, xem cây cối như tri kỷ giống anh Chung. Người đàn ông ấy sống chết vì vườn cam, đến mức chỉ cần ngắm vườn thôi đã thấy no, chẳng cần ăn.

Anh Chung chăm cây như con mọn. Có lần anh vui miệng bảo mấy vị khách đến thăm: “Các bác cứ đi một vòng, nếu tìm được cái tán, cành nào bị sâu đục thì tôi xin thua. Ở đây cây nào cũng được chăm như nhau, không bỏ sót một cành nào”.

Anh bảo cây cỏ không biết nói như người. Nó chỉ “kêu đau” khi đã bị bệnh. Cho nên làm nông, nếu không hiểu cây, không sống chết cùng cây thì khó thành công.

Chính bởi suy nghĩ như vậy, cách làm nông nghiệp của anh cũng theo hướng thuận tự nhiên, thuận theo đất, thuận theo trời. Anh không lạm dụng phân bón, thuốc hóa học như nhiều người mà chọn con đường khó hơn – làm nông nghiệp sạch từ gốc. "Đất phải sạch, nước phải sạch thì cây mới khỏe, quả mới ngon", anh Chung nói.

Du khách hứng thú với vườn cam của gia đình anh Chung. Ảnh: Quốc Toản.

Du khách hứng thú với vườn cam của gia đình anh Chung. Ảnh: Quốc Toản.

Toàn bộ nông trại rộng 83 hecta được bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ. Anh ủ phân hữu cơ từ phân bò, phân gà, bã đậu, chuối chín, cá… để bón cho cây. Ngoài ra anh còn xây dựng khu nuôi giun quế để lấy phân rồi lại tận dụng luôn giun ngâm ủ làm đạm hữu cơ bón cho cây. Mỗi năm trại nuôi giun quế cho ra khoảng 2.000 tấn phân hữu cơ, đủ cung ứng một phần để bón cho vườn cam...

Đặc biệt, toàn bộ vườn cam được đầu tư hệ thống tưới hiện đại theo công nghệ Israel. Mỗi gốc cây đều có đường ống dẫn nước tới, đảm bảo lượng nước vừa đủ, tiết kiệm. Không chỉ vậy, trong vườn anh Chung giữ lại thảm cỏ tự nhiên giữa các hàng cây, vừa giữ ẩm cho đất, vừa hạn chế xói mòn và tạo môi trường sống cho hệ vi sinh vật có lợi. Anh bảo vườn cây cũng như con người, được chăm đúng cách thì mới khỏe, mới sinh quả ngọt.

Nhờ cách làm bài bản, năm 2020, nông trại của gia đình anh được cấp chứng nhận GlobalGAP, trở thành trang trại đầu tiên ở Thanh Hóa đạt tiêu chuẩn này. Cam chủ yếu tiêu thụ tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đến vụ thu hoạch, thương lái đến tận nơi đặt hàng, thậm chí nhiều lúc không đủ hàng để bán.

Dự kiến năm 2025, sản lượng cam của trang trại đạt hơn 2.000 tấn, gồm 1.500 tấn cam đường và 700 tấn cam Vinh. Sau khi trừ chi phí, anh Chung dự kiến lãi hơn 30 tỷ đồng. Ngoài ra, trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho 80 lao động có tay nghề trong và ngoài tỉnh với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng, đã được bao ăn ở. 

Tôi hỏi anh Chung có định mở rộng thêm diện tích trồng cam không? Anh chỉ cười rồi đáp: “Giờ không dám liều như ngày xưa nữa. Tôi cố giữ cho đất khỏe, vườn sạch, làm tới đâu chắc tới đó".

Quốc Toản - Tâm Phùng

Nông nghiệp hữu cơ Quảng Ninh: Từ định hướng đến hành động

Nông nghiệp hữu cơ Quảng Ninh: Từ định hướng đến hành động

Nông nghiệp hữu cơ ở Quảng Ninh không còn nằm trên giấy mà đã in dấu trong thực tiễn sản xuất.

Khai trương trung tâm phân phối gạo hữu cơ tại An Giang

Khai trương trung tâm phân phối gạo hữu cơ tại An Giang

AN GIANG Gạo đạt chuẩn Organic, sản xuất trên nền đất lúa – tôm, đảm bảo an toàn thực phẩm và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Nhiều nông sản hữu cơ của Quảng Ngãi vươn thị trường quốc tế

Nhiều nông sản hữu cơ của Quảng Ngãi vươn thị trường quốc tế

Nhờ chuyển mạnh sản xuất sang hướng hữu cơ, nhiều nông sản của Quảng Ngãi như dứa, chè... đã xuất khẩu được sang các thị trường khó tính.

Kỹ sư 9X đầu tư bạc tỷ trồng rau quả hữu cơ

Kỹ sư 9X đầu tư bạc tỷ trồng rau quả hữu cơ

HÀ TĨNH Sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành khuyến nông, chàng trai Lữ Văn Anh lặn lội từ Nghệ An vào Hà Tĩnh lập nghiệp, trồng rau quả hữu cơ.

Cải tạo đất khó thành vựa sầu riêng hữu cơ mướt mắt

Cải tạo đất khó thành vựa sầu riêng hữu cơ mướt mắt

TÂY NINH Điểm nhấn của các vườn sầu riêng ở Tân Biên và Dương Minh Châu là đều hạn chế sử dụng hóa chất, kiên trì làm đất sống lại bằng những cách tự nhiên nhất.

Xem Thêm