Thứ hai, 14/07/2025 | 07:35 GMT +7
Bên dòng sông Cu Đê, vườn ổi rộng hơn 1 ha của ông Nguyễn Văn Minh (thôn An Định, phường Hải Vân, Đà Nẵng) đang trở thành điểm sáng phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Trước đây, mía là cây trồng chủ lực ở địa phương nhưng giá cả bấp bênh khiến người dân không còn mặn mà. Năm 2021, ông Minh mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng mía sang trồng ổi.
Vườn ổi của ông Nguyễn Văn Minh được canh tác theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Ảnh: Lan Anh
Vườn ổi của ông Minh được canh tác hữu cơ, không dùng thuốc trừ sâu, không sử dụng phân hóa học, chỉ dùng phân chuồng truyền thống. Nhờ đó, ổi có vị thơm giòn tự nhiên, mẫu mã đẹp và luôn cho thu hoạch ổn định quanh năm. Bình quân mỗi năm vườn mang lại doanh thu hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 70 triệu đồng.
Không chỉ mang lại thu nhập khá từ ổi, vườn ổi của ông Minh còn thu hút du khách đến tham quan, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch sinh thái tại địa phương. Thời gian tới, phường Hải Vân đang vận động người dân mở rộng mô hình trồng ổi, hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ – du lịch nông nghiệp bền vững.
Tại xã Hòa Tiến, mô hình trồng lúa hữu cơ của Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Theo ông Ngô Văn Sinh, Giám đốc Hợp tác xã, từ khi chuyển sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, năng suất trung bình đạt khoảng 70 tạ/ha, chất lượng gạo dẻo thơm, hạt tròn mẩy, được thị trường ưa chuộng, bán giá cao hơn từ 20 - 30% so với lúa thường.
Bình quân mỗi năm vườn ổi 1 hecta của ông Minh mang lại doanh thu hơn 200 triệu đồng. Ảnh: Lan Anh.
Năm 2024, Hợp tác xã đã mở rộng thêm 11,5 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt chuẩn VietGAP, nâng tổng diện tích lên 23,5 ha. Quy trình canh tác khép kín được đầu tư bài bản, dùng mạ khay, máy cấy, không sử dụng thuốc trừ cỏ hay hóa chất, toàn bộ phân bón là phân hữu cơ. Ngoài ra, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng được Hợp tác xã chú trọng. Lúa được thu hoạch tươi, đưa vào sấy, đóng bao bì ngay tại chỗ. Hợp tác xã đang hoàn thiện hồ sơ đề xuất sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Định hướng đến năm 2030, Hợp tác xã đặt mục tiêu mở rộng diện tích lúa VietGAP lên 50 ha, đưa sản phẩm lúa hữu cơ Đà Nẵng vươn ra thị trường lớn. Theo ông Sinh, việc chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và cả người sản xuất khi không phải tiếp xúc với thuốc hóa học độc hại.
Đến nay, Hợp tác xã Hòa Tiến 1 đã mở rộng diện tích trồng lúa theo hướng hữu cơ lên 23,5 ha. Ảnh: Lan Anh.
Tuy nhiên, canh tác hữu cơ không phải là lựa chọn dễ dàng. Đây là quá trình đòi hỏi sự kiên trì, thay đổi tư duy từ chính nông dân, đồng thời cần sự hỗ trợ sát sao từ chính quyền và vai trò dẫn dắt của hợp tác xã và doanh nghiệp. Đặc biệt, cần đảm bảo đầu ra ổn định với giá cao hơn để nông dân yên tâm sản xuất.
Nhằm đồng hành cùng nông dân trên hành trình chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án “Phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ, sinh thái bền vững đến năm 2030” tại Quyết định số 1947/QĐ-UBND ngày 16/9/2024. Mục tiêu là hình thành các vùng sản xuất hữu cơ tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và sức cạnh tranh trên thị trường. Thành phố sẽ hình thành 4 vùng sản xuất hữu cơ tập trung, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm.
Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hữu cơ. Ảnh: Lan Anh.
Đề án cũng xác định các giải pháp đồng bộ như tuyên truyền nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng, tích tụ đất đai, kết nối doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân, tăng cường xúc tiến thương mại, giám sát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nông nghiệp hữu cơ đang trở thành hướng đi bền vững cho nông dân Đà Nẵng, không chỉ nâng cao thu nhập mà còn góp phần xây dựng nền sản xuất xanh, thân thiện với môi trường và đáp ứng nhu cầu thị trường hiện đại.
Nông nghiệp hữu cơ ở Quảng Ninh không còn nằm trên giấy mà đã in dấu trong thực tiễn sản xuất.
AN GIANG Gạo đạt chuẩn Organic, sản xuất trên nền đất lúa – tôm, đảm bảo an toàn thực phẩm và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Nhờ chuyển mạnh sản xuất sang hướng hữu cơ, nhiều nông sản của Quảng Ngãi như dứa, chè... đã xuất khẩu được sang các thị trường khó tính.
HÀ TĨNH Sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành khuyến nông, chàng trai Lữ Văn Anh lặn lội từ Nghệ An vào Hà Tĩnh lập nghiệp, trồng rau quả hữu cơ.
TÂY NINH Điểm nhấn của các vườn sầu riêng ở Tân Biên và Dương Minh Châu là đều hạn chế sử dụng hóa chất, kiên trì làm đất sống lại bằng những cách tự nhiên nhất.