Thứ hai, 07/07/2025 | 23:12 GMT +7
Các địa phương phía tây tỉnh Gia Lai là trung tâm lớn chuyên sản xuất các giống cây trồng đặc hữu của vùng để cung cấp cho thị trường cả trong và ngoài khu vực.
Một trong những cây trồng chủ lực đem lại nguồn thu chính, thậm chí làm giàu cho không ít nông dân nơi đây là cây cà phê. Theo thống kê, khu vực các xã phía tây tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 105.000 ha cà phê. Định hướng đến năm 2030, địa phương này giữ ổn định diện tích nêu trên nhưng tập trung vào chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ bền vững. Muốn có những vườn cà phê hữu cơ đảm bảo chất lượng, trước tiên phải hữu cơ từ khâu giống.
Một vườn ươm cây giống cà phê đảm bảo chất lượng. Ảnh: Đăng Lâm.
Ở xã Chư Păh, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa là một trong những cơ sở sản xuất giống cà phê có uy tín trên địa bàn. Uy tín không chỉ do thâm niên làm giống cà phê, do lượng giống bán ra thị trường lớn mà HTX còn được khẳng định được cây giống xuất ra thị trường đều đảm bảo đúng các quy trình, yêu cầu kỹ thuật theo quy định, cây khỏe, sạch bệnh.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa, một thời bà con chạy đua theo năng suất nên bằng mọi giá bóc lột đất, bóc lột cây cà phê. Hậu quả là đất đai sớm cằn cỗi, vườn cà phê nhanh xuống cấp.
“Với định hướng phát triển cà phê bền vững, HTX xác định giống là khâu hết sức quan trọng nên đã tập trung tối đa nguồn lực, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để đưa ra thị trường những cây giống luôn đảm bảo chất lượng”, ông Minh chia sẻ. Cây giống cà phê của HTX chủ yếu là các giống TRS1, TRS4, TRS9. Toàn bộ hạt giống đều được nhập từ Viện Ea Kmat Tây Nguyên với đầy đủ hóa đơn, chứng từ...
Cũng như HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa, cơ sở gieo ươm cây giống của anh Trần Anh Phúc ở xã Đăk Đoa cũng là đơn vị tiêu biểu tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất cây giống, đảm bảo cung cấp cây giống cà phê có chất lượng cho người trồng. Cũng như nhiều cơ sở gieo ươm cây giống khác trên địa bàn, anh Phúc thường xuyên được dự các lớp tập huấn về sản xuất cây giống đảm bảo chất lượng. Theo anh Phúc, chất lượng ở đây trước tiên phải đảm bảo độ sạch cho mỗi cây giống xuất bán cho nông dân, để từ khâu giống sẽ góp phần quan trọng tạo ra những vườn cà phê sạch, cho ra sản phẩm cà phê được người tiêu dùng tin tưởng.
Năm nay, trước nhu cầu xuống giống cà phê rất lớn do vụ cà phê vừa qua được mùa, được giá, tuy nhiên cơ sở của anh Phúc vẫn không chạy theo số lượng mà chỉ gây ươm khoảng trên 100.000 cây giống cà phê.
“Dù nhu cầu giống cà phê tăng cao nhưng tôi không chạy theo số lượng mà chú trọng vào chất lượng cây giống, làm sao để mỗi cây giống xuất bán ra ngoài là một sự trao gửi đến nông dân về những vườn cà phê sạch trong tương lai. Đó không chỉ là khuyến cáo của ngành nông nghiệp mà còn là cái tâm của những người sản xuất cây giống như chúng tôi”, anh Phúc chia sẻ.
Với lợi thế về vùng trồng cũng như thị trường tiêu thụ, chanh dây đang được xem là cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Tây Nguyên nói chung, các xã phía tây tỉnh Gia Lai nói riêng. Theo đó, nhu cầu về giống chanh dây ở địa phương này cũng khá cao.
Nắm bắt được nhu cầu trên, từ tháng 5/2021, Công ty Cổ phần quốc tế Thông Đỏ đã xây dựng Trung tâm Giống chanh dây chất lượng cao tại xã Chư Pưh. Tổng quy mô trung tâm lên đến 120.000 m2, bao gồm hệ thống nhà màng công nghệ Nhật Bản khép kín do chính chuyên gia người Nhật sang trực tiếp hướng dẫn thi công.
Giống chanh dây RP9 được nông dân ưa chuộng. Ảnh: Đăng Lâm.
Với công suất sản xuất hơn 20 triệu cây giống mỗi năm, Trung tâm tập trung vào sản xuất giống chanh dây chủ lực RP9 với đặc điểm siêu đậu quả, quả đều và nhiều dịch, vỏ cứng, lên màu đẹp, cây khỏe mạnh và sinh trưởng tốt... Bên cạnh đó Trung tâm còn sản xuất giống chanh vàng ngọt Thông Đỏ vị hương ổi cùng một số giống gia công thương hiệu khác theo đơn đặt hàng...
Năm 2025, giá chanh dây ổn định sau giai đoạn khủng hoảng thừa năm 2023. Giá chanh dây đầu vụ có những dấu hiệu tích cực, dao động từ 11.000- 45.000 đồng/kg, tùy từng mặt hàng như hàng xuất về nhà máy, hàng xuất đi thị trường nội địa, thị trường Trung Quốc, Thái Lan... Đối với loại đạt chuẩn xuất đi châu Âu thì giá còn cao hơn nữa.
Nguyên nhân giá chanh dây đang dần “hồi sinh” đó là do thị trường Trung Quốc, EU và Mỹ đang mở rộng nhập khẩu. Theo đó nhu cầu giống đang phục hồi mạnh mẽ, nhiều hộ đã quay trở lại với cây chanh dây.
Theo ông Lê Văn Tuyến - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Thông Đỏ, vùng nguyên liệu chanh dây trên cả nước có khả năng tăng trở lại 15.000 - 18.000 ha trong 1- 2 năm tới. Trên thực tế, nhu cầu giống chanh dây RP9 đang tăng mạnh từ quý II/2025. Theo đó, chiến lược của Thông Đỏ trong giai đoạn tới là tăng công suất sản xuất cây giống để đáp ứng nhu cầu mở rộng vùng nguyên liệu. Trong đó tập trung vào giống chủ lực RP9 thế hệ mới có ưu điểm đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đồng thời nghiên cứu, phát triển thêm các giống mới để phù hợp với sự phát triển của thị trường trong tương lai.
Song song với việc mở rộng quy mô và nghiên cứu giống mới, Trung tâm Giống chanh dây chất lượng cao cũng đặc biệt chú trọng đến chất lượng cây giống. Tại đây, các quy trình vệ sinh khử khuẩn ở các khâu sản xuất được thực hiện bài bản, khoa học và nghiêm ngặt.
“Đơn vị thực hiện kiểm soát chất lượng cây giống bằng cách kiểm tra virus định kỳ, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ virus số 8 vốn là mối đe dọa hàng đầu trong canh tác chanh dây. Nhờ quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, cây giống chanh dây của đơn vị luôn đạt 5 tiêu chí quan trọng gồm sạch bệnh, khỏe mạnh, năng suất cao, dễ đậu quả, mẫu mã đẹp và đạt chuẩn xuất khẩu. Cây giống chanh dây của đơn vị luôn được bà con nông dân chào đón nồng nhiệt. Không chỉ phục vụ thị trường khu vực Tây Nguyên và nhiều địa phương trong cả nước, hàng năm một lượng lớn cây giống chanh dây của đơn vị còn xuất khẩu sang Lào, Campuchia...”, ông Tuyến chia sẻ.
Đến năm 2030, tỉnh Gia Lai định hướng sẽ nâng diện tích cây ăn quả thuộc khu vực Tây Nguyên của tỉnh lên khoảng 90.000 ha, riêng diện tích chanh dây khoảng 30.000 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm khoảng 26.530 ha.
TÂY NINH Điểm nhấn của các vườn sầu riêng ở Tân Biên và Dương Minh Châu là đều hạn chế sử dụng hóa chất, kiên trì làm đất sống lại bằng những cách tự nhiên nhất.
Rác thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp có thể xử lý thành phân hữu cơ một cách thuận lợi khi áp dụng các công nghệ mới về vi sinh.
GIA LAI Vườn sầu riêng gần 20 ha được ông Tuấn canh tác theo hướng hữu cơ, tuy mới khoảng 10 ha cho thu hoạch nhưng mỗi năm ông Tuấn thu 2,5 - 3 tỷ đồng.
TP.HCM Làm nông nghiệp hữu cơ đã giúp một trang trại thu hút nhiều du khách và tạo điều kiện để khách trải nghiệm, hiểu biết về nông nghiệp hữu cơ.
Hành trình chinh phục chứng nhận hữu cơ với sầu riêng Đắk Lắk gặp nhiều gian nan, nhưng cũng mở ra cơ hội để giữ vững thị trường quốc tế.