Thứ tư, 09/07/2025 | 14:24 GMT +7
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai, tỉnh định hướng đến năm 2030 có 80% diện tích cà phê khu vực phía tây của tỉnh được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính như châu Âu mà còn nâng cao giá trị và uy tín cho sản phẩm cà phê Gia Lai.
Để đáp ứng được yêu cầu trên, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, kể cả nông dân phải nhập cuộc một cách nghiêm túc. Trong đó, người dân tham gia trực tiếp trồng cà phê đóng vai trò chủ đạo.
Vườn cà phê của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh được chăm sóc theo hướng hữu cơ. Ảnh: Đăng Lâm.
Ở xã Ia H’lốp, gia đình bà Dương Thị Bảy có 5 ha cà phê. Gia đình bà luôn tuân thủ nghiêm các quy trình chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ bền vững từ khâu xử lý đất, chọn giống đến các khâu chăm sóc như tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh... Đặc biệt đến kỳ thu hoạch, gia đình bà chú trọng thu hái cà phê đạt độ chín từ 80 - 90% trở lên, thu thành nhiều đợt để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận.
Theo bà Bảy, nếu hái quả xanh quá nhiều, khi xay ra nhân, cả sản lượng và chất lượng hạt cà phê đều sẽ bị giảm. Do vậy gia đình thu hoạch thành nhiều đợt để đảm bảo quả cà phê đủ độ chín. Tuy tốn nhiều công nhưng cành cà phê được bảo vệ cho mùa sau, hạt cà phê nhân cũng đảm bảo chất lượng cao hơn.
Với bà con người dân tộc BahNar ở xã Đăk Đoa, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh được xem là chỗ dựa đáng tin cậy để phát triển mô hình cà phê theo quy trình EMI Nhật Bản. Thời gian qua, mô hình chuyển đổi canh tác theo quy trình EMI Nhật Bản của HTX đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Anh Xuân (làng Groi Wêt, xã Đăk Đoa) có 1,5 ha cà phê. Trước đây, do không nắm được kỹ thuật chăm sóc nên anh thường xuyên lạm dụng thuốc diệt cỏ, sử dụng phân bón hóa học bón cho vườn cây làm đất ngày càng cằn cỗi, cây cà phê phát triển kém. Khi đó, mỗi vụ thu hoạch chỉ được 3 tấn cà phê nhân/1,5 ha. Từ khi tham gia vào HTX, áp dụng canh tác theo mô hình EMI Nhật Bản, vườn cây trở nên xanh tốt, ít sâu bệnh, năng suất được nâng lên rõ rệt.
“Tham gia mô hình này tôi được HTX hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa cành, để cỏ dưới gốc cà phê nhằm giữ độ ẩm và tạo mùn. Vỏ cà phê được ủ làm phân bón vi sinh, sử dụng thêm phân gà hữu cơ Nhật Bản, trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học EMI... Với cách làm này, gia đình tôi giảm được khoảng 30% chi phí đầu tư, năng suất đạt 5 tấn nhân/1,5 ha”, anh Xuân phấn khởi.
Không thể kể hết những mô hình canh tác cà phê áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững ở Gia Lai. Với những cách làm, những mô hình tích cực, mục tiêu 80% diện tích cà phê của tỉnh đạt tiêu chuẩn quốc tế đến năm 2030 là hoàn toàn có thể.
Ở xã biên giới Ia Lâu giáp với nước bạn Campuchia. Trước khi có thủy lợi để làm lúa nước, bà con nơi đây chỉ biết trồng những loại cây cho thu nhập thấp như điều, sắn. Thời gian gần đây, ngoài trồng lúa nước, cây chanh dây đã xuất hiện và mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân.
Gia đình anh Trịnh Phúc ở làng Me, xã Ia Lâu trước đây chỉ trồng lúa và sắn, may ra chỉ đủ ăn. Cách đây 3 năm, gia đình anh chuyển hẳn sang trồng chanh dây. Năm vừa rồi, 2 ha chanh dây của gia đình lãi ròng hơn 400 triệu đồng.
Chanh dây được người dân xã Ia Lâu trồng theo hướng hữu cơ từ những vụ đầu tiên. Ảnh: Đăng Lâm.
Anh Phúc cho biết, chanh dây là loại cây cần nước tưới quanh năm, xét thấy 2 ha đất của gia đình luôn đảm bảo nước tưới, lại được cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần quốc tế Thông Đỏ tận tình hướng dẫn kỹ thuật nên anh mạnh dạn chuyển đổi mấy sào từ lúa sang trồng thử nghiệm chanh dây. Khi thấy phù hợp, anh chuyển hẳn sang trồng chanh dây.
“Cán bộ của Công ty Thông Đỏ ‘khó tính’ lắm, họ buộc phải trồng chanh dây theo hướng canh tác hữu cơ mới cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật”, anh Phúc kể.
Trồng chanh dây theo hướng hữu cơ như anh Phúc nói, đó là phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu làm đất, phải đảm bảo đất sạch, trước khi xuống giống phải lên luống để không làm gốc chanh dây bị ngập úng, phân bón thì chỉ được phép dùng phân hữu cơ vi sinh...
“Ban đầu còn bỡ ngỡ bởi mình chưa bao giờ làm theo kiểu này, nhưng khi được cán bộ kỹ thuật giải thích thiệt hơn và cầm tay chỉ việc, lâu dần rồi cũng quen. Mình thấy trồng chanh dây áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăm sóc theo hướng hữu cơ cây phát triển tốt, cây bền, quả chanh đạt chất lượng như mong muốn. Hơn nữa không gây ảnh hưởng đến môi trường, đảm bảo sức khỏe cho chủ vườn và người dân xung quanh”, anh Phúc nói.
Bên cạnh vườn của anh Phúc là 5 sào chanh dây của anh Hoàng Thế Anh vừa xuống giống được gần 2 tháng. Ngọn chanh dây đã vươn đến giàn, một số gốc đã ra quả. Anh Thế Anh cho biết, gia đình anh đã trồng chanh dây được 8 năm, năm được năm mất do sâu bệnh, do giá cả phập phù. Tuy nhiên anh vẫn cố bám cây chanh dây vì biết thị trường không hề quay lưng với quả chanh dây.
Năm trước, 3 ha chanh dây của gia đình chỉ lãi được chưa đến 200 triệu đồng do bị bệnh. Cách đây gần 2 tháng, anh quyết tâm thử nghiệm 5 sào giống mới, canh tác hoàn toàn mới theo các biện pháp mà đơn vị cung cấp giống hướng dẫn.
“Tuy chưa được 2 tháng nhưng dây chanh đã leo dàn, thậm chí cho quả. Cây phát triển khỏe, quả cũng đẹp hơn vườn năm ngoái. Đặc biệt vợ chồng tôi không phải hít phải thuốc trừ sâu mỗi ngày nên thấy dễ chịu hơn. Tôi tin tưởng vào vườn chanh dây hữu cơ này. Sắp tới tôi sẽ mở rộng diện tích và tiếp tục chăm vườn chanh dây theo hưỡng hữu cơ”, anh Thế Anh phấn khởi.
Ông Bùi Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu cho biết, chanh dây là cây trồng mới của xã. Tuy chưa đưa vào cơ cấu cây trồng nhưng những năm gần đây cây chanh dây đã khẳng định được vị thế trên vùng đất biên giới này. Hiện toàn xã có khoảng 45 ha chanh dây được trồng ở những vùng thuận tiện nước tưới như gần ao hồ, suối lạch.
“Xã khuyến cáo bà con nên cẩn trọng, chỉ trồng chanh dây ở những nơi đảm bảo đủ nước tưới và phải canh tác theo khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật, tránh sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón hóa học để đảm bảo môi trường, đồng thời làm ra sản phẩm chanh dây sạch cung cấp ra thị trường”, ông Tiến nói.
Bên cạnh chanh dây và cà phê, ở các xã phía tây tỉnh Gia Lai, các địa phương cũng đang chú trọng canh tác các loại cây trồng khác theo hướng hữu cơ, bền vững. Theo một báo cáo mới đây của ngành nông nghiệp Gia Lai, khu vực này hiện có khoảng trên 59.600 ha cây trồng được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, hữu cơ...
Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ đang là quyết tâm cao của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương cũng như nông dân, doanh nghiệp ở các xã phía tây tỉnh Gia Lai.
HÀ TĨNH Sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành khuyến nông, chàng trai Lữ Văn Anh lặn lội từ Nghệ An vào Hà Tĩnh lập nghiệp, trồng rau quả hữu cơ.
TÂY NINH Điểm nhấn của các vườn sầu riêng ở Tân Biên và Dương Minh Châu là đều hạn chế sử dụng hóa chất, kiên trì làm đất sống lại bằng những cách tự nhiên nhất.
Rác thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp có thể xử lý thành phân hữu cơ một cách thuận lợi khi áp dụng các công nghệ mới về vi sinh.
GIA LAI Vườn sầu riêng gần 20 ha được ông Tuấn canh tác theo hướng hữu cơ, tuy mới khoảng 10 ha cho thu hoạch nhưng mỗi năm ông Tuấn thu 2,5 - 3 tỷ đồng.
TP.HCM Làm nông nghiệp hữu cơ đã giúp một trang trại thu hút nhiều du khách và tạo điều kiện để khách trải nghiệm, hiểu biết về nông nghiệp hữu cơ.