Thứ năm, 03/07/2025 | 08:24 GMT +7
Về với xã miền núi Đại Dực, huyện Tiên Yên (cũ), tỉnh Quảng Ninh, đâu đâu cũng thấy những rừng quế bạt ngàn. Đặc biệt trong số đó có hơn 149 ha quế được trồng theo hướng hữu cơ. Là một trong những hộ dân đầu tiên trong xã chuyển đổi trồng quế hữu cơ, ông Sằn A Phật cho biết, hiện gia đình có 20 ha quế, trong đó 10 ha trồng quế hữu cơ. Để trồng quế hữu cơ, gia đình ông không sử dụng thuốc trừ sâu, mọi công đoạn chăm sóc đều được theo dõi và cập nhật định kỳ.
Nông dân xã Đại Dực (cũ) chăm sóc rừng quế hữu cơ. Ảnh: Tiến Thành.
Không riêng gia đình anh Phật, nhiều hộ dân ở xã Đại Dực (cũ) cũng đã quyết tâm trồng quế theo hướng hữu cơ, tạo nên thương hiệu quế hữu cơ Đại Dực nổi tiếng trong và ngoài nước. Theo thống kê, mỗi năm toàn xã thu hoạch từ 40 - 50 ha quế, thu về khoảng 200 tấn vỏ quế khô. Với giá bán trung bình 47.000 đồng/kg, nguồn thu từ quế đạt khoảng 10 tỷ đồng.
Hằng năm, Hội Nông dân xã Đại Dực tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc quế hữu cơ cho bà con. Cùng với đó, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hội viên vay vốn. Nhờ đó đến nay thu nhập của hội viên nông dân đã ổn định, nhiều gia đình khá giả.
Cùng với đó, toàn bộ diện tích quế hữu cơ trên địa bàn xã đều được các công ty ký hợp đồng thu mua nên bà con hoàn toàn yên tâm sản xuất. Trong thời gian tới, địa phương đang hướng tới trồng quế theo tiêu chuẩn OTAS để mở rộng đầu ra cho sản phẩm, ngày càng nâng tầm và khẳng định vị thế cho thương hiệu quế hữu cơ Đại Dực.
Quế sau khi thu hoạch được sấy khô và phân loại. Ảnh: Tiến Thành.
Không chỉ riêng tại Tiên Yên, mô hình trồng quế hữu cơ cũng đã được huyện Đầm Hà (cũ) đưa vào triển khai trong nhiều năm qua. Từ năm 2020, UBND huyện Đầm Hà, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh, Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà và Công ty cổ phần Quế hồi Quảng Ninh đã bước đầu phối hợp xây dựng vùng quế hữu cơ với diện tích gần 250 ha tại 2 xã Quảng Lâm và Quảng An.
Đến nay, các hộ dân nằm trong danh sách được chứng nhận sản phẩm quế hữu cơ đã ứng dụng tốt quy trình sản xuất được đơn vị chuyên môn tập huấn. Theo đó, chỉ sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm hữu cơ sinh học, nhổ cỏ bằng phương pháp thủ công và tăng độ phì nhiêu của đất.
Cùng với quế hữu cơ, một số địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đang từng bước hình thành những vùng sản xuất theo hướng hữu cơ như chè hữu cơ Hải Hà (cũ); mô hình lúa – rươi – cáy, vùng trồng na tại xã An Sinh, TP Đông Triều (cũ), vùng vải chín sớm VietGAP tại Phương Nam, TP Uông Bí (cũ)...
Các hộ dân trồng chè tại Hải Hà (cũ) đang dần chuyển đổi trồng theo phương thức hữu cơ. Ảnh: Tiến Thành.
Theo thống kê, Quảng Ninh hiện đã có trên 1.000 ha sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, 28 cơ sở có chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực chăn nuôi, trên 400 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP...), 14 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm.
Thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, thời gian tới, Quảng Ninh tập trung hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời nâng cao năng suất, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển bền vững, gắn sản xuất với chế biến cũng như nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Quảng Ninh tập trung hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh.
HÀ TĨNH Sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành khuyến nông, chàng trai Lữ Văn Anh lặn lội từ Nghệ An vào Hà Tĩnh lập nghiệp, trồng rau quả hữu cơ.
Rác thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp có thể xử lý thành phân hữu cơ một cách thuận lợi khi áp dụng các công nghệ mới về vi sinh.
QUẢNG BÌNH Trong vườn tiêu anh Đức 'khuyến khích' cho cỏ dại mọc, nơi nào cũng có giun đất sinh sôi.