Thứ năm, 14/11/2024 | 07:35 GMT +7
Ba Chẽ là huyện miền núi ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây sở hữu khí hậu mát mẻ, nhiệt độ dao động từ 21 - 23 độ C, độ ẩm bình quân 83%, thích hợp để cây trà hoa vàng phát triển.
Tại nhiều xã vùng cao của huyện Ba Chẽ như Đồn Đạc, Thanh Sơn, Đạp Thanh, việc trồng trà hoa vàng kết hợp trồng xen kẽ các loại cây khác đã giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên khá giả.
Trà hoa vàng tại huyện miền núi Ba Chẽ là cây mọc tự nhiên trong rừng, trước đây bà con đào cả cây về bán cho các thương lái với giá khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/cây. Song vì khai thác quá mức nên cây trà hoa vàng tự nhiên ngày một cạn kiệt.
Nhận thấy giá trị của trà hoa vàng, người dân đã dần trồng, khôi phục và bảo tồn cây trồng này. Năm 2010, bà con trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã bắt đầu trồng thành vùng tập trung.
Giai đoạn 2015 - 2017, huyện Ba Chẽ đã hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng cho 174 hộ tham gia dự án trồng cây trà hoa vàng tập trung. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến trà hoa vàng cho người dân.
Với mong muốn bảo tồn, phát triển nguồn gen cây dược liệu quý này, từ năm 2018 đến năm 2020, Công ty Cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ) đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu xây dựng kỹ thuật nhân giống và quy trình sản xuất các sản phẩm trà hoa vàng".
Nhóm nghiên cứu đã áp dụng thành công mô hình nhân giống cây trà hoa vàng bằng phương pháp giâm hom, đáp ứng được nhu cầu về giống cho trồng cây trà hoa vàng trên quy mô lớn, giúp phát triển vùng trồng nguyên liệu tại địa phương cũng như đa dạng hóa các sản phẩm từ cây trà hoa vàng.
Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh chia sẻ: "Công ty đang sở hữu mô hình trồng trà hoa vàng theo hướng hữu cơ với diện tích 5ha, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học để phun cho cây. Nhờ đó, cây trà hoa vàng khỏe hơn, lá xanh và ra hoa có chất lượng tốt hơn so với phương pháp chăm sóc trước đây".
Theo ông Trắng, trà hoa vàng là cây dược liệu, lá, hoa đều được thu hoạch để chế biến. Nhờ trồng theo hướng hữu cơ, các sản phẩm từ cây trà hoa vàng không chỉ có dược tính cao mà còn đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về dược liệu, chất lượng trà cũng được nâng cao.
Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết, địa phương đang tập trung thúc đẩy dự án trồng cây trà hoa vàng, lập hồ sơ, mở rộng vườn giống, các mô hình vườn mẫu, đầu tư nâng công suất nhân giống, chất lượng cây giống và các cơ sở chế biến sâu sản phẩm từ trà hoa vàng. Đồng thời khuyến khích mở rộng các mô hình sản xuất trà hoa vàng theo hướng hữu cơ, bền vững để nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.
"Năm 2025, huyện Ba Chẽ đặt mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và dược liệu của tỉnh. Để làm được việc này, chúng tôi đã lập quy hoạch vùng trồng, đặc biệt chú trọng tới các cây dược liệu có tiềm năng, thế mạnh, có giá trị cao của địa phương như trà hoa vàng và cây ba kích. Đến thời điểm này, toàn huyện có 300ha cây dược liệu, trong đó có khoảng 170ha trà hoa vàng", ông Tú chia sẻ.
Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp văn bằng chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ. Trà hoa vàng Ba Chẽ đã trở thành sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Quảng Ninh.
Hiện toàn huyện Ba Chẽ có khoảng 170ha trà hoa vàng, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Đồn Đạc, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Nam Sơn và Lương Mông. Sản lượng thu hoạch hoa trà hoa vàng tươi bình quân 20 tấn/năm, lá trà hoa vàng tươi 65 tấn/năm. Doanh thu từ cây trà hoa vàng trên địa bàn huyện đạt khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm.
QUẢNG NINH Theo một số đơn vị trồng chè trên địa bàn huyện Hải Hà, nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, chè Hải Hà có hương vị thơm ngon, đậm đà hơn so với trước đây.
HẢI PHÒNG Khi được chủ vườn táo Đại Mật giới thiệu về việc tưới nước lợ cho quả thêm giòn, thêm đậm vị, tôi phải hỏi đi hỏi lại chị xem có nghe nhầm hay không.
THÁI NGUYÊN Để tăng giá trị sản phẩm, phát triển điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, HTX Trà Cao Sơn đang chuyển đổi phương thức sản xuất chè sang hữu cơ.
Giữa đầm sen, lá đang rạc đi trong nắng hanh, những người thợ đào củ sen ngâm mình dùng vòi bơm cao áp sục xuống bùn để củ sen long ra rồi bỏ vào khay.