Thứ sáu, 18/07/2025 | 06:37 GMT +7
Từ bỏ cuộc sống ổn định nơi trời Âu cách đây hơn chục năm, vợ chồng anh Trần Văn Thảo và chị Nguyễn Thị Hoan trở về quê chồng ở xã Quảng Ngọc (tỉnh Thanh Hóa) bắt đầu hành trình làm nông nghiệp. Hành trình ấy không trải đầy hoa hồng mà gặp vô vàn khó khăn. Thế nhưng bằng sự bền bỉ, niềm tin và những cách làm sáng tạo, trong đó có việc cho cây “uống” sữa, “ăn” mật mía, anh chị đã gây dựng nên trang trại xanh, sạch, sản phẩm được thương lái đến tận vườn thu mua mỗi ngày.
Ở cái tuổi mà nhiều người mưu cầu sự ổn định, vợ chồng chị Hoan lại chọn con đường trở về Việt Nam làm nông nghiệp. Sau nhiều năm sinh sống và kinh doanh ở Cộng hòa Séc, chị nhận ra rằng không nơi nào bằng quê hương và chẳng nghề gì thiết thực hơn là nghề nông nếu biết làm đúng cách.
Chị Hoan sử dụng phân bón hữu cơ để chăm sóc cây trồng. Ảnh: Quốc Toản.
Chị chia sẻ: “Chúng tôi về quê và muốn làm điều gì đó thật sự có ý nghĩa cho cuộc sống. Tôi từng sống và làm việc ở nước ngoài nên khá hiểu tư duy ăn uống của họ. Người nước ngoài thường sử dụng sản phẩm có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, trong khi ở Việt Nam không ít người vẫn chuộng rẻ mà ít để tâm sản phẩm sạch hay không. Chính vì vậy tôi nghĩ mình nên bắt đầu từ việc làm ra thứ tốt cho gia đình và xã hội”.
Năm 2019, sau khi bán mảnh đất trên phố, anh chị mạnh dạn nhận thầu hàng nghìn mét vuông đất tại khu ruộng trũng Đồng Lái (xã Quảng Ngọc) để làm mô hình nông nghiệp sạch. Khu đất ấy trước đây cỏ mọc cao quá đầu người, đường đi chưa có, quanh năm ngập nước. Người làng bảo “phát cỏ đã mệt chứ nói gì trồng cây”, nhưng anh chị vẫn quyết tâm bắt tay vào làm.
Công việc đầu tiên của anh chị là mở đường bê tông, đắp nền cao rồi dựng nhà lưới, xây chuồng trại. Tiền của đổ vào trang trại không tính xuể, nhưng với vợ chồng chị Hoan, đây không phải là lúc tính toán chuyện thua thiệt.
“Làm nông mà cứ tính toán thiệt hơn từng đồng thì khó đi đến đích. Chúng tôi nghĩ đơn giản, làm nông dù vất vả nhưng miễn thấy vui, thấy có ích cho cộng đồng là làm. Bởi vậy, số tiền tích lũy của vợ chồng sau nhiều năm sống ở nước ngoài đều đổ đất, vào cây, vào con” chị Hoan cho biết.
Sản phẩm nông sản hữu cơ của trang trại được khách hàng tin dùng vì đảm bảo an toàn, chất lượng. Ảnh: Quốc Toản.
Theo chị Hoan, làm nông nghiệp khó nhất không phải là tiền mà là kinh nghiệm. Hai vợ chồng mất cả năm trời vừa phải tự mày mò học hỏi vừa đi thăm mô hình ở các tỉnh, ghi chép từng chi tiết, chắt lọc cái hay để áp dụng cho phù hợp với đồng đất quê hương.
Có lần do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, cả vụ rau quả trong trang trại không cho thu hoạch khiến vợ chồng chị thua lỗ cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, vợ chồng chị Hoan vẫn kiên định hướng đi nông nghiệp sạch, hữu cơ, bền vững và tuần hoàn.
Trên khu đất hơn 8.000 m2, vợ chồng chị Hoan xây dựng hệ thống nhà lưới và trồng đủ loại rau theo mùa. Xen giữa là những luống dưa vàng Kim Hoàng Hậu mỗi năm cho thu hoạch 3 vụ, sản lượng ổn định 5 - 6 tấn/vụ.
Tất cả đều trồng theo hướng hữu cơ, "nói không" với thuốc kích thích hay phân hóa học. Phân bón chủ yếu là phân chuồng ủ hoai mục cộng thêm chế phẩm sinh học để tăng hiệu quả. Mỗi cây đều được chăm sóc kỹ lưỡng từ hạt giống đến thu hoạch.
Chị Hoan tận dụng khoảnh đất trống để làm trại nuôi giun quế. Ảnh: Quốc Toản.
Không dừng ở đó, anh chị còn phát triển mô hình VAC khép kín. Phía sau khu vực nhà lưới, chị tận dụng khoảnh ruộng để trồng ngô làm thức ăn cho gà, vịt; ao nhỏ nuôi cá, trồng khoai cho lợn ăn; phân thải, rác rau đều được gom lại ủ làm phân hoặc dùng nuôi giun quế. Giun quế nuôi được chị không bán mà ủ thành đạm hữu cơ dùng bón cây, giúp cải tạo đất, giảm chi phí, lại tận dụng được chất thải nông trại.
Không chỉ chăm cây bằng phân ủ hay giun quế, vợ chồng chị Hoan áp dụng cách làm ít ai ngờ tới: Cho cây “uống” sữa và “ăn” mật mía.
Chị Hoan bảo: “Cây cũng như người, cần thức ăn giàu dinh dưỡng mới phát triển tốt và khỏe mạnh. Tôi dùng sữa tươi pha loãng tưới vào gốc, trong sữa có đạm, canxi, vi khuẩn có lợi giúp cây cứng cáp, kháng sâu bệnh. Đặc biệt, sữa lên men còn giúp đất tơi xốp, rễ khỏe hơn. Mật mía thì giàu đường tự nhiên, nuôi vi sinh vật trong đất. Đất khỏe thì cây mới sống khỏe”.
Phương pháp này chị học được từ bạn bè làm nông nghiệp hữu cơ bên châu Âu rồi về thử dần tại vườn nhà. Cách làm này không mang lại hiệu quả ngay lập tức nhưng chỉ sau vài mùa sẽ thấy rõ hiệu quả. Đất mềm hơn, lá xanh đậm, quả to, ngọt và thơm hơn.
Nhờ được "tẩm bổ", canh tác theo quy trình hữu cơ, cây trồng trong trang trại rất khỏe, sạch sâu bệnh. Ảnh: Quốc Toản.
Sau 5 năm bám ruộng, mồ hôi đổi bằng rau sạch, đất trũng biến thành vườn rau rợp màu xanh, anh chị đã chứng minh cho nhiều người thấy rằng, nếu kiên trì thì đất không phụ người. Trang trại mỗi năm xuất bán hàng chục tấn nông sản sạch, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 500 triệu đồng. Ngoài ra, mô hình của họ tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Trang trại tuần hoàn hữu cơ của vợ chồng chị Hoan không phô trương hoành tráng, không tiếp thị ồn ào nhưng ngày nào cũng có thương lái tìm đến tận vườn thu mua sản phẩm. Nhiều đoàn sinh viên, nông dân ở các nơi cũng tìm về học hỏi mô hình. Họ tìm thấy ở trang trại ấy sự mộc mạc, bền bỉ - nơi nông dân không chỉ trồng rau mà còn giữ đất, giữ niềm tin vào thực phẩm sạch.
THANH HÓA 'Làm nông mà cứ tính toán thiệt hơn từng đồng thì khó đi đến đích. Làm nông dù vất vả nhưng tôi thấy vui, thấy có ích cho cộng đồng', chị Hoan nói.
CẦN THƠ Mô hình sử dụng 100% chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa tại Cần Thơ giúp giảm phân bón, không cần phun thuốc bảo vệ thực vật, chi phí giảm 10 - 15%.
Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ đang là quyết tâm cao của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương cũng như nông dân, doanh nghiệp ở các xã phía tây tỉnh Gia Lai.
GIA LAI Các địa phương phía tây tỉnh Gia Lai đang hình thành những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, giống là khâu hết sức quan trọng trong chuỗi sản xuất này.
Nông nghiệp hữu cơ ở Quảng Ninh không còn nằm trên giấy mà đã in dấu trong thực tiễn sản xuất.
AN GIANG Gạo đạt chuẩn Organic, sản xuất trên nền đất lúa – tôm, đảm bảo an toàn thực phẩm và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Nhờ chuyển mạnh sản xuất sang hướng hữu cơ, nhiều nông sản của Quảng Ngãi như dứa, chè... đã xuất khẩu được sang các thị trường khó tính.