Thứ năm, 19/06/2025 | 14:26 GMT +7
An Biên là một trong những huyện thuộc vùng U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) chuyển mạnh sản xuất theo mô hình luân canh lúa - tôm. Những ngày này, các cánh đồng lúa đã bắt đầu chín, ngả màu vàng óng, trĩu bông. Năm nay thời tiết khá thuận lợi, lúa trúng mùa, được giá nên bà con rất phấn khởi.
Mô hình luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm rất thích hợp để sản xuất lúa hữu cơ, mang lại giá trị cao và bảo vệ tốt môi trường. Ảnh: Trung Chánh.
Chỉ còn vài ngày nữa là bước vào vụ thu hoạch lúa nên ông Nguyễn Đình Bảo, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thuận Phát (xã Tây Yên A, huyện An Biên) tất bật cùng xã viên và cán bộ kỹ thuật công ty ký hợp đồng liên kết sản xuất đi thu mẫu lúa để phân tích chất lượng, thương thảo chốt giá để bán. Ông Bảo cho biết, Hợp tác xã Thuận Phát có diện tích canh tác 150ha, với 70 xã viên. Đây là năm đầu tiên Hợp tác xã chuyển đổi sản xuất lúa hữu cơ và bán được giá gần 10.000 đồng/kg, mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Theo ông Bảo, để đạt được chuẩn hữu cơ, ruộng sản xuất lúa bằng phân bón, thuốc BVTV hóa học trước đây cần có thời gian chuyển đổi ít nhất là 3 năm nên hiện tại Hợp tác xã mới làm theo hướng hữu cơ. Để đảm bảo đầu ra cho xã viên, Hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, với 2 giống lúa ST24 và ST25.
Qua 3 năm chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, giá lúa đã tăng lên từng năm cùng với chất lượng lúa được nâng lên. Ông Bảo cho biết, năm đầu tiên làm theo mô hình liên kết sản xuất, giá lúa ST25 bán được 7.200 đồng/kg. Tiếp theo năm thứ 2 và 3, giá bán tương ứng là 8.200 đồng và 8.450 đồng/kg.
Riêng đối với năm 2023, hiện Công ty Trung An đã cho cán bộ kỹ thuật xuống lấy mẫu, mang đi kiểm tra chất lượng, đồng thời thỏa thuật chốt giá để chuẩn bị tiến hành thu hoạch. Cụ thể, đối với lúa ST25 sản xuất theo hướng hữu cơ, nếu kiểm tra đạt yêu cầu về dư lượng trong mức cho phép thì Công ty ký hợp đồng mua với giá 9.700 đồng/kg, lúa ST24 giá 9.600 đồng/kg. Trong trường hợp không đạt, Công ty vẫn thu mua nhưng giá giảm 250 đồng/kg.
Ông Bảo phấn khởi cho biết: “Mấy chục năm làm lúa, đây là năm Hợp tác xã ký được hợp đồng bán với giá cao nhất, lên đến gần 10.000 đồng/kg. Dự kiến năng suất lúa vụ này đạt khoảng 6 - 6,5 tấn/ha, với giá bán như hợp đồng đã ký, mỗi ha xã viên cầm chắc lợi nhuận từ 35 - 40 triệu đồng/ha”.
Tương tự, nông dân ấp Hai Tốt, xã Tây Yên A cũng rất phấn khởi khi chuẩn bị bước vào thu hoạch vụ lúa - tôm năm nay. Ông Châu Văn Nghĩa, Trưởng ấp Hai Tốt cho biết, ấp có diện tích đất sản xuất 385ha, được chuyển đổi từ lúa 2 vụ/năm sang luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm cách đây 10 năm. Hiện ấp đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất lúa với diện tích 90ha và được Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Nông dân xã Tây Yên A (huyện An Biên, Kiên Giang) rất phấn khởi khi sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ, lúa trúng mùa, bán được giá cao (gần 10.000 đồng/kg). Ảnh: Trung Chánh.
Ký hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty, nông dân ấp Hai Tốt rất yên tâm vì toàn bộ lúa giống, phân bón, thuốc BVTV đã được Công ty cung cấp và được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Làm theo quy trình hữu cơ nên lúa ít bị sâu bệnh, chi phí đầu tư giảm. Năm nay lúa rất trúng, hiện sắp cho thu hoạch. Với giống lúa ST25, giá Công ty đã chốt thỏa thuận thu mua là 9.600 đồng/kg.
Theo ông Nghĩa, sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ không chỉ giá trị hạt lúa được tăng lên, nông dân có thêm thu nhập từ trồng lúa mà còn lợi về môi trường sinh thái. Sau vụ lúa, đồng ruộng không bị tồn dư chất hóa học, tạo ra môi trường sạch để luân canh vụ tôm nuôi nước lợ.
TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, mô hình canh tác lúa hữu cơ, tôm sinh thái là hướng đi bền vững đối với sản xuất lúa – tôm ở các huyện vùng U Minh Thượng. Hàng năm, Trung tâm sẽ xây dựng các mô hình canh tác lúa hữu cơ trên nền đất nuôi tôm từ 200 - 500ha để bà con nông dân thấy được hiệu quả cả về kinh tế và môi trường. Cán bộ khuyến nông cộng đồng sẽ tập huấn kỹ thuật, cùng bà con nông dân chuyển đổi sản xuất theo quy trình hữu cơ để nâng cao giá trị sản xuất, phát triển bền vững hệ sinh thái lúa – tôm.
GIA LAI Các thế hệ gia đình anh Vũ Văn Hiếu đã biến vùng đất khô cằn trở thành khu vườn sinh thái với nhiều loại cây trồng mát mẻ quanh năm, môi trường trong sạch.
PHÚ THỌ Từ 5kg nấm Việt lặn lội gom ở 7 tỉnh, giấc mơ nấm hữu cơ nảy mầm và được nuôi dưỡng bằng đam mê, kiên định và khát vọng theo đuổi nông nghiệp tử tế.
HÀ NỘI Giữa vùng đất ven đô Sóc Sơn, Dako Farm vươn lên từ đồi hoang khô cằn, trở thành mô hình nông nghiệp hữu cơ tiêu biểu theo triết lý thuận tự nhiên.
QUẢNG NINH Rau má thủy canh gần như sạch tuyệt đối, lại tốt cho sức khỏe nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
QUẢNG NAM Phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, khép kín theo hướng tuần hoàn đang mang lại giá trị cao và bền vững cho nông sản Tiên Phước.
ĐẮK LẮK Canh tác theo hướng hữu cơ là giải pháp giúp sầu riêng bớt mối lo tồn dư kim loại nặng, đặc biệt là Cadimi.
ĐỒNG NAI Không chỉ tiên phong triển khai mô hình cánh đồng lớn theo chuỗi liên kết khép kín, HTX Xuân Định còn góp phần khẳng định thương hiệu sầu riêng Việt trên thị trường quốc tế.
LÀO CAI Anh Gió bảo chỉ cần kiên trì và trung thực với đất thì sẽ tìm được thị trường. Anh còn tìm ra cách 'kể chuyện' về những luống rau của mình với khách tham quan.
Tính đến thời điểm này, DNo farm vẫn là đơn vị đầu tiên và duy nhất sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tại Đắk Nông.