Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:19 GMT +7

  • Click để copy
Thứ hai- 08:00, 13/11/2023

Đường lớn cho lúa gạo hữu cơ

Hợp tác xã tiên phong trồng hơn 100ha lúa hữu cơ

VĨNH LONG Hàng chục xã viên HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt trồng hàng trăm ha lúa hữu cơ, trở thành mô hình tiên phong phát triển 'nông nghiệp xanh' ở Vĩnh Long.

LTS: Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là hướng đi được nhiều tổ chức kinh tế tập thể vùng ĐBSCL theo đuổi. Ngoài các yếu tố như giá bán cao, an toàn sức khỏe, thân thiện với môi trường…, lúa gạo hữu cơ cũng là xu hướng thế giới ưa chuộng sử dụng.

Loạt bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu những mô hình trồng lúa hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ đang phát triển mạnh ở vùng ĐBSCL. Những mô hình điển hình này sẽ trở thành lực lượng tiên phong triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".

Đạt nhiều chứng nhận hữu cơ quốc tế

Từ năm 2014, phong trào nông dân chuyển đổi phương pháp trồng lúa truyền thống sang hướng hữu cơ bắt đầu khá sớm tại xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long).

Ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt ở ấp Kinh (xã Trung Ngãi) là người tiên phong đưa cây lúa hữu cơ bám rễ phát triển trên vùng đất này. Nhiều năm liền ông được vinh danh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt đã xây dựng được vùng nguyên liệu 100ha trồng lúa hữu cơ theo các tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Kim Anh.

HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt đã xây dựng được vùng nguyên liệu 100ha trồng lúa hữu cơ theo các tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Kim Anh.

Hiện HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt là một trong số ít những HTX xây dựng được vùng nguyên liệu 100ha trồng lúa theo hướng hữu cơ với 65 thành viên tham gia sản xuất. Trong đó, khoảng 30ha đã được cấp chứng nhận hữu cơ theo 4 tiêu chuẩn hàng đầu của quốc tế gồm USDA (Mỹ), EU (châu Âu), JAS (Nhật Bản) và COR (Canada) với những giống lúa chủ lực là lúa thơm ST24, Đài thơm 8, OM4900 và lúa tím thảo dược Tấn Đạt.

HTX đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền "Gạo hữu cơ Tấn Đạt", sản phẩm được đóng gói hút chân không với khối lượng đa dạng (1kg, 2kg và 5kg/bao), có mã truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ gạo của HTX ngày càng rộng mở. Ngoài cung ứng cho các cửa hàng nông sản sạch, nông sản hữu cơ và các đại lý trong tỉnh Vĩnh Long, gạo hữu cơ Tấn Đạt còn được các doanh nghiệp ưa chuộng, nhu cầu đặt hàng tương đối cao.

Do sản xuất theo quy trình đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ, các sản phẩm gạo của HTX luôn được bán ở mức giá khá cao, từ 30.000 – 40.0000 đồng/kg (tùy loại). Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp cho các doanh nghiệp khoảng 15 tấn gạo các loại.

Trước nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm gạo hữu cơ ngày càng tăng, trong khi nguồn cung của HTX không đáp ứng đủ nhu cầu doanh nghiệp, ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc HTX đã vận động các HTX lân cận “bắt tay” thành lập Liên hiệp HTX Lúa gạo tỉnh Vĩnh Long vào năm 2019. Bước đầu, Liên hiệp HTX có 6 HTX thành viên ở các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, hoạt động chính trong lĩnh vực nhân giống và tiêu thụ lúa giống cấp xác nhận, sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa hữu cơ, cung cấp các dịch vụ nông nghiệp tổng hợp...

Ông Tài đảm nhận thêm vai trò mới, trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp HTX Lúa gạo tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2019 – 2024. Đến nay, Liên hiệp HTX có 400ha trồng lúa, phần lớn diện tích này đang được chuyển đổi dần sang sản xuất hữu cơ. Trong đó, định hướng mở rộng khoảng 30 – 40ha lúa theo hướng hữu cơ để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt định hướng phát triển đa dạng các sản phẩm từ gạo tím hữu cơ. Ảnh: Kim Anh.

HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt định hướng phát triển đa dạng các sản phẩm từ gạo tím hữu cơ. Ảnh: Kim Anh.

Để đa dạng hóa sản phẩm, HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt cũng cho ra đời nhiều sản phẩm gạo thảo dược, điển hình như gạo tím hay trà gạo lứt thảo dược được trồng theo phương pháp hữu cơ.

Với sản phẩm gạo tím, ông Tài cho biết, giống lúa này được ông phát hiện tại Nghệ An. Đặc tính ban đầu của giống là gạo cứng, năng suất thấp, không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở ĐBSCL. Phải mất nhiều năm trồng thử nghiệm theo phương pháp hữu cơ, rồi tiến hành chọn tạo, ông Tài đã cho ra đời giống lúa tím độc đáo, gạo mềm, năng suất từ 450 – 500kg/1.000m2.

Đặc biệt, gạo tím có hàm lượng dinh dưỡng cao, phù hợp cho người có bệnh tiểu đường, xương khớp. Ngoài ra, gạo tím được sấy khô, xay cực nhuyễn để chế biến thành bột gạo thảo dược. Định hướng thời gian tới, HTX sẽ cho ra đời sản phẩm cốm thảo dược hoặc các loại bánh làm từ loại gạo tím thảo dược này.

Hiện sản phẩm gạo tím thảo dược Tấn Đạt đã được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, sản phẩm OCOP 4 sao. Cuối năm 2019, loại gạo này đã góp mặt trong danh sách “Gạo ngon thương hiệu Việt” trong khuôn khổ Festival Lúa gạo Việt Nam lần IV.

“Doanh nghiệp muốn mua hàng của HTX phải đặt và có hợp đồng ký kết từ trước với giá cao hơn giá thị trường. Khi lúa hữu cơ ngoài đồng ruộng thu hoạch sẽ được HTX mang về nhà máy xay xát ra gạo, đóng gói rồi giao cho các doanh nghiệp”, ông Tài cho biết.

Người giỏi dân vận bà con làm lúa hữu cơ

Nói về cơ duyên đến với con đường trồng lúa hữu cơ, ông Đoàn Văn Tài ngược dòng hồi ức về thời điểm năm 2011, biến đổi khí hậu khiến thời tiết trở nên khắc nghiệt. Việc trồng lúa của gia đình ông cũng như nhiều bà con nông dân xã Trung Ngãi rất khó khăn do bị sâu bệnh tấn công.

Trong khi đó, giai đoạn này việc tiếp cận khoa học kỹ thuật cũng như các biện pháp canh tác lúa tiên tiến của nông dân còn hạn chế. Bà con muốn có năng suất cao đã phun xịt rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, sử dụng lượng lớn phân bón vô cơ dẫn đến tốn kém nhiều chi phí, môi trường đất bị ô nhiễm khiến cây lúa ngày càng kém phát triển.

Ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt là người tiên phong sản xuất lúa hữu cơ trên vùng đất Vũng Liêm. Ảnh: Kim Anh.

Ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt là người tiên phong sản xuất lúa hữu cơ trên vùng đất Vũng Liêm. Ảnh: Kim Anh.

Chính thực tế đó, ông Tài mong muốn tìm một hướng canh tác bền vững hơn, cho ra sản phẩm lúa gạo an toàn, nâng cao giá trị cho cây lúa. Ông quyết định thực hiện hành trình trồng lúa hữu cơ bằng cách đến nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL và miền Trung để học hỏi mô hình này. Hơn chục năm trước, với nông dân, để có thời gian, chi phí tìm tòi, thử nghiệm trồng lúa hữu cơ là điều không dễ dàng.

1.000m2 đất trồng lúa theo hướng hữu cơ được ông Tài thử nghiệm, nhưng đều thất bại do không sử dụng phân thuốc hóa học, khiến dịch bệnh tấn công. Ông tiếp tục tìm đến các chuyên gia, nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL và các trường đại học ở TP.HCM, Hà Nội để nhờ hỗ trợ.

“Các nhà khoa học đến hỗ trợ tôi về kỹ thuật trồng lúa hữu cơ, khảo nghiệm một số sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học. Đã tìm hiểu từ trước nên khi được các chuyên gia hướng dẫn, tôi thực hiện theo rất dễ”, ông Tài kể và cho biết mô hình trồng lúa hữu cơ của ông sau đó bắt đầu có những tiến triển mới.

Năm 2014 là thời điểm đánh dấu thành công của mô hình. Từ đây, ông Tài nhân rộng diện tích trồng lúa hữu cơ thí điểm lên 2.000m2, rồi 1ha và cuối cùng là phát triển trên toàn bộ 3ha đất canh tác của gia đình. Để lan tỏa mô hình đến với bà con nông dân, ông Tài tổ chức mời nông dân trong ấp, xã đến tham quan, giới thiệu về quy trình trồng lúa hữu cơ cũng như hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại.

Canh tác lúa thơm theo hướng hữu cơ, khép kín từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ đã giúp sản phẩm gạo của HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt có giá cao trên thị trường. Ảnh: Kim Anh.

Canh tác lúa thơm theo hướng hữu cơ, khép kín từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ đã giúp sản phẩm gạo của HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt có giá cao trên thị trường. Ảnh: Kim Anh.

Đây cũng là tiền đề quan trọng để HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt ra đời. 7 thành viên tiên phong ở ấp Kinh liên kết với ông Tài lập ra tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ trên quy mô 6,5ha. Đến tháng 9/2017, tổ hợp tác được phát triển thành HTX với 15 xã viên, canh tác hơn 11,5ha lúa hữu cơ. Và đến nay, HTX có 65 thành viên, tham gia sản xuất 100ha lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ.

Bà con xã viên tập trung trồng các giống lúa thơm hữu cơ để có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ kinh doanh và cung ứng cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ của HTX cũng đang tạo việc làm cho khoảng 65 lao động thường xuyên ở địa phương, cao điểm vào vụ thu hoạch có thể lên tới 80 người, với mức lương tối thiểu 4,5 triệu đồng/tháng.

Với những nỗ lực trong sản xuất lúa hữu cơ cũng như vận động hiệu quả bà con cùng hưởng ứng, ông Tài nhiều lần được UBND tỉnh Vĩnh Long tặng bằng khen về dân vận khéo, có nhiều thành tích tốt trong phát triển kinh tế tập thể. Đặc biệt, HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt được lựa chọn là 1 trong 5 HTX tham gia Đề án hoàn thiện HTX kiểu mới hiệu quả ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 – 2025.

Mới đây, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng công nhận HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt là một trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Kim Anh

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm