Thứ tư, 11/12/2024 | 14:24 GMT +7

  • Click để copy
Thứ sáu- 14:21, 03/11/2023

Sản xuất hữu cơ, nhìn đâu cũng khó

HẢI PHÒNG Sản phẩm chưa bán được với giá cao hơn đáng kể so với bình thường, trong khi để đạt yêu cầu và được chứng nhận hữu cơ, người sản xuất tốn hàng trăm triệu đồng.

Tốn hàng trăm triệu đồng làm chứng nhận hữu cơ

TP Hải Phòng hiện có hơn 1.268ha lúa, rau và cây ăn quả đang sản xuất theo hướng hữu cơ và hơn 40ha đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ. Trong đó, diện tích được đánh giá và đã cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ chủ yếu là vùng sản xuất rươi kết hợp cấy lúa tại các địa phương như Ngũ Phúc, Ngũ Đoan, Kiến Quốc (huyện Kiến Thụy) và các xã thuộc huyện Tiên Lãng. Ngoài ra, các vùng sản xuất rau, quả… đã được cấp chứng nhận hữu cơ rất ít và diện tích không đáng kể.

Trồng thanh long theo hướng hữu cơ ở xã Bát Trang, huyện An Lão (TP Hải Phòng). Ảnh: Đinh Mười.

Trồng thanh long theo hướng hữu cơ ở xã Bát Trang, huyện An Lão (TP Hải Phòng). Ảnh: Đinh Mười.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ tạo sản phẩm chất lượng, an toàn mà còn đảm bảo cân bằng sinh thái, không gây ô nhiễm môi trường và những hệ lụy do lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Khi được hỏi, hầu như nông dân đều nhận thức được điều này, nhưng việc sản xuất hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ vẫn là bài toán khó bởi nhiều nguyên nhân.

Anh Nguyễn Văn Trường, Giám đốc HTX hữu cơ Trực Trang (xã Bát Trang, huyện An Lão, TP Hải Phòng) chia sẻ: Hợp tác xã có 50ha trồng thanh long theo hướng hữu cơ hơn 10 năm qua. Sản xuất theo hướng hữu cơ giúp cây rất khỏe, kháng bệnh tốt và quả có vị đậm hơn ở nhiều nơi khác, được nhiều người ưa chuộng nên đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Trung bình, mỗi sào (360m2) thanh long người dân thu về khoảng 25 triệu đồng/năm (tùy theo tuổi vườn và chế độ chăm sóc của từng hộ).

Trong quá trình sản xuất, qua học hỏi và các lớp tập huấn, nhận thức được giá trị của sản xuất hữu cơ nên cá hộ dân trong HTX đã cố gắng thực theo quy trình sản xuất với mục tiêu được công nhận vùng sản xuất hữu cơ. Tuy vậy, việc này gặp nhiều khó khăn do sản xuất manh mún và các tiêu chí rất khắt khe, khó thực hiện.

Thêm vào đó, giá bán thanh long của các hộ sản xuất theo hướng hữu cơ và các hộ không sản xuất theo hướng hữu cơ vẫn chưa có sự khác biệt lớn nên khi được tuyên truyền để chuyển đổi hình thức canh tác, chuyển hẳn sang sản xuất hữu cơ, nhiều hộ đã lảng tránh.

Người trồng thanh long ở Bát Trang muốn chuyển sang sản xuất hữu cơ nhưng đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đinh Mười.

Người trồng thanh long ở Bát Trang muốn chuyển sang sản xuất hữu cơ nhưng đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đinh Mười.

“Nói chung là khó từ nông dân trở đi. Cơ bản các hộ trong HTX ủng hộ chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ nhưng yếu tố thổ nhưỡng, đất đai, nguồn nước và vùng đệm… đã gây khó khăn cho chúng tôi. Bên cạnh đó, việc chuyển sang sản xuất hữu cơ giai đoạn đầu chắc chắn năng suất giảm, phải mất ít nhất 3 - 4 năm năng suất cây trồng mới được phục hồi nên bà con ít ai dám chấp nhận hi sinh”, anh Trường kể khó.

Cũng theo anh Trường, để được công nhận vùng sản xuất hữu cơ, các chỉ số về đất, nước, tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật... phải đạt yêu cầu. Trong khi đó vùng sản xuất ở địa phương cách đây vài năm người dân vẫn sử dụng thuốc BVTV để phun cho hoa màu, do đó khó lại càng khó thêm.

“Để được chứng nhận hữu cơ, chúng tôi phải thực hiện nhiều yêu cầu rất khắt khe. Chúng tôi đã mời đơn vị chuyên môn về kiểm tra đánh giá, nhưng 50ha trồng thanh long của chúng tôi khá manh mún. Hiện tại, nếu trừ vùng đệm khoảng 10ha thì diện tích thực tế để cấp được giấy chứng nhận hữu cơ không còn được bao nhiêu nên người dân không mặn mà”, anh Trường chia sẻ thêm.

HTX Kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương là một trong số ít các đơn vị vừa được cấp chứng nhận vùng sản xuất lúa hữu cơ rộng 15ha tại xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng). Chị Nguyễn Thị Hà - Giám đốc HTX cho hay: HTX có diện tích canh tác hơn 200ha lúa nhưng mới chỉ được chứng nhận hữu cơ 15ha ở xã Ngũ Phúc. Khó khăn nhất để được chứng nhận hữu cơ là chi phí quá lớn. Qua tính toán, tổng chi phí mà đơn vị phải bỏ ra để được công nhận đủ tiêu chuẩn hữu cơ lên tới gần 100 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Hà (ngoài cùng bên trái) cùng cán bộ các địa phương khác đến tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Chị Nguyễn Thị Hà (ngoài cùng bên trái) cùng cán bộ các địa phương khác đến tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

“Nếu nhìn ở góc độ về kinh tế thì chưa thật sự vượt trội. Lúa gạo khi được cấp chứng chỉ hữu cơ thì giá bán, lượng tiêu thụ vẫn vậy, chưa có nhiều khác biệt. Chúng tôi có hơn 200ha trồng lúa trên đầm rươi nhưng để mở rộng thêm diện tích lúa được cấp chứng nhận hữu cơ là bài toán rất khó”, chị Hà bộc bạch.

Câu chuyện của chị Hà, anh Trường cũng là thực trạng chung của Hải Phòng hiện nay. Đây có lẽ cũng là thực trạng chung khiến việc mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở các địa phương khác trong cả nước còn gặp nhiều khó khăn.

Để được cấp chứng nhận hữu cơ cũng phải mất nhiều thời gian, riêng HTX Thụy Hương mất 2 năm nhưng thời hạn có hiệu lực của chứng chỉ chỉ được 3 năm, sau đó phải làm lại. Khi đánh giá sản phẩm OCOP, sản phẩm hữu cơ sẽ được đánh giá cao hơn nhưng ở góc độ kinh tế thì chưa có sự khác biệt nhiều.

Nhìn đâu cũng khó

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Hải Phòng, địa phương này tiếp cận và triển khai các mô hình canh tác hữu cơ từ rất sớm (từ năm 2012). Những năm gần đây, diện tích canh tác hữu cơ trên địa bàn Thành phố có chiều hướng tăng và ngày càng đa dạng hơn về chủng loại sản phẩm.

Dù vậy, việc đẩy mạnh sản xuất hữu cơ hiện vẫn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, cả chủ quan lẫn khách quan.

Thứ nhất, sản xuất hữu cơ đòi hỏi có quy mô sản xuất theo vùng, tính liên kết cao giữa các hộ sản xuất trong vùng và quy trình sản xuất khắt khe. Vật tư đầu vào, đất đai, nguồn nước... phải đảm bảo các điều kiện nghiêm ngặt, trong khi môi trường đất và nước hầu hết đang bị ảnh hưởng bởi quá trình sản xuất phi hữu cơ trong một thời gian dài.

Các sản phẩm nông nghiệp sản xuất hữu cơ thường có mẫu mã xấu, khó khăn trong cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Đinh Mười.

Các sản phẩm nông nghiệp sản xuất hữu cơ thường có mẫu mã xấu, khó khăn trong cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Đinh Mười.

Hiện nay, nông dân đang quen việc canh tác truyền thống, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hoá học. Khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, đặc biệt giai đoạn đầu mới thực hiện người sản xuất gặp rất nhiều khó khăn trong phòng, chống sâu bệnh do áp lực sâu bệnh còn cao. Do vậy, cần thời gian để thiết lập, khôi phục lại hệ sinh thái.

Thông thường, sản xuất hữu cơ khiến năng suất sẽ giảm, trong khi đó chi phí nhân công lại tăng, dẫn đến giá thành sản phẩm bị đội lên cao. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm có hình thức không đẹp, không bắt mắt như có vết sâu ăn, đốm bệnh… cũng ảnh hưởng đến giá cả sản phẩm khi đưa ra thị trường.

Thứ hai, hiện diện tích được chứng nhận hữu cơ của Hải Phòng vẫn còn ít, quy mô nhỏ lẻ. Chưa có quy trình kỹ thuật canh tác hữu cơ cho từng đối tượng phù hợp tại Hải Phòng, trong khi tài liệu đào tạo về canh tác hữu cơ còn hạn chế, chưa phổ biến.

Thứ 3, việc truyền thông, thông tin về lợi ích cũng như vai trò của sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa mạnh mẽ, người sản xuất cũng như người tiêu dùng chưa biết nhiều đến những lợi ích của sản phẩm hữu cơ mang lại nên nhu cầu về sản phẩm hữu cơ chưa cao, thị trường tiêu thụ cho sản phẩm hữu cơ chưa ổn định. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp và hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ có quy mô nhỏ, việc đầu tư vào sản xuất chủ yếu dựa vào các dự án hỗ trợ.

Thứ 4, trên thị trường vẫn còn hiện tượng trà trộn giữa sản phẩm hữu cơ với các sản phẩm khác, thậm chí cả những sản phẩm không an toàn, khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Ngoài ra, thu nhập của một bộ phận người dân vẫn ở mức trung bình, do đó việc chi tiền để mua sản phẩm hữu cơ với giá cao hơn 25 - 30% so với các sản phẩm thông thường chưa phổ biến.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Hải Phòng kiểm tra mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở huyện Vĩnh Bảo. Ảnh: Đinh Mười.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Hải Phòng kiểm tra mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở huyện Vĩnh Bảo. Ảnh: Đinh Mười.

Do vậy, để sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội, đặc biệt là sự chỉ đạo của các cấp chính quyền trong khâu quy hoạch, ban hành chính sách; sớm hoàn chỉnh, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể về các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, công tác tuyên truyền cho người dân phải sâu rộng hơn, vì mục tiêu bảo đảm sức khỏe cộng đồng và góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, diện tích canh tác hữu cơ của Hải Phòng đạt 513ha, chiếm 1,36% tổng diện tích đất trồng trọt; giá trị sản phẩm trồng trọt hữu cơ gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ. Riêng năm 2023, chỉ tiêu của Hải Phòng là xây dựng, ban hành được định mức kinh tế, kỹ thuật và quy trình kỹ thuật cho một số cây trồng như lúa, rau màu, cây ăn quả theo tiêu chuẩn hữu cơ; xây dựng mô hình sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả đạt chứng nhận hữu cơ với diện tích 200 - 250ha.

Đinh Mười

Trồng ớt hướng hữu cơ, đáp ứng yêu cầu khắt khe để xuất sang Nhật Bản

Trồng ớt hướng hữu cơ, đáp ứng yêu cầu khắt khe để xuất sang Nhật Bản

YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.

Liên kết trồng cà phê hữu cơ phát triển du lịch

Liên kết trồng cà phê hữu cơ phát triển du lịch

ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Nông trại chè trung du bên hồ Núi Cốc chuyển đổi sản xuất hữu cơ

Nông trại chè trung du bên hồ Núi Cốc chuyển đổi sản xuất hữu cơ

THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.

Trồng hoa cúc chi vụ đông ở vùng cao giúp tăng vụ, cải tạo đất

Trồng hoa cúc chi vụ đông ở vùng cao giúp tăng vụ, cải tạo đất

LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.

Táo đại - niềm tự hào của người dân Mường Bú

Táo đại - niềm tự hào của người dân Mường Bú

SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.

Nông nghiệp hữu cơ, nhìn từ Vĩnh Phúc

Nông nghiệp hữu cơ, nhìn từ Vĩnh Phúc

Là một trong số các địa phương tiên phong xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả rõ nét.

Ngẫm về ngày xưa, quyết chuyển sang sản xuất hữu cơ

Ngẫm về ngày xưa, quyết chuyển sang sản xuất hữu cơ

QUẢNG NINH Anh Đại nghĩ, các cụ hồi xưa chỉ sử dụng phân chuồng mà cây vẫn tươi tốt, cho năng suất cao, đất đai màu mỡ... nên quết tâm chuyển sang sản xuất hữu cơ.

Ông chủ vườn mắc ca hữu cơ với tư duy 'ăn chắc mặc bền'

Ông chủ vườn mắc ca hữu cơ với tư duy 'ăn chắc mặc bền'

ĐẮK NÔNG 'Vườn mắc ca này sẽ là một điểm du lịch sinh thái bền vững. Đó là lý do tôi trồng cây thực sinh mật độ thưa và canh tác theo quy trình hữu cơ'.

Xem Thêm