Thứ bảy, 23/11/2024 | 00:15 GMT +7
Chiều ngày 1/8, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương tỉnh Gia Lai chủ trì Hội thảo khoa học với chủ đề: “Hợp tác phát triển trang trại nông nghiệp hữu cơ tại các tỉnh Tây Nguyên-xu hướng tất yếu”.
Theo báo cáo, Tây Nguyên đang từng bước phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá trọng điểm của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, quy mô nhỏ, năng suất thấp, khả năng liên kết, ứng dụng công nghệ cao còn yếu nên phát triển nông nghiệp Tây Nguyên còn nhiều rủi ro, thiếu tính bền vững.
Theo đó, vấn đề đặt ra cho các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng là cần xây dựng kế hoạch chi tiết, đẩy mạnh thu hút đầu tư để xây dựng các mô hình liên kết sản xuất tạo ra những vùng nguyên liệu bền vững. Cùng với đó, hàng loạt các giải pháp liên quan vấn đề tiêu thụ sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, giới thiệu, quảng bá và kết nối thị trường.
Bà Phùng Thị Kim Huệ, Viện Nghiên cứu sức khỏe và Phát triển giáo dục Tây Nguyên nhận định, nông nghiệp hữu cơ rất cần thiết để đảm bảo sự bền vững của ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế của nông dân. Tuy nhiên để đảm bảo được điều này thì còn nhiều việc phải làm như: Chuyển giao công nghệ, hướng dẫn thực hành nông nghiệp xanh cho nông dân.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho biết, một số trang trại ở Gia Lai và Tây Nguyên đã chinh phục thành công những thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản với những sản phẩm hữu cơ, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, phần lớn người dân tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn sản xuất manh mún, quy mô nhỏ, năng suất thấp, khả năng liên kết, ứng dụng công nghệ cao còn yếu dẫn đến việc phát triển của nông nghiệp phát sinh nhiều rủi ro, thiếu tính bền vững.
Theo ông Dũng, để nông nghiệp phát triển nhanh, hiệu quả trở thành các ngành hàng xuất khẩu, tập trung quy mô lớn, chủ động ứng phó được rủi ro, có tính cạnh tranh quốc tế cao, doanh nghiệp, HTX và người nông dân cần phải xây dựng chuỗi cung ứng từ vùng nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
“Sản phẩm cần có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, chứng nhận chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo hộ sở hữu tài sản trí tuệ. Ngoài ra, cần mời gọi các doanh nghiệp có năng lực tài chính, kỹ thuật, để tổ chức kết nối sản xuất, ứng dụng công nghệ cao và liên kết hợp tác đầu tư các nhà máy sơ chế, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản”, ông Dũng chia sẻ.
Nhằm giải bài toán này, tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý đã trao đổi kinh nghiệm, giải pháp cho các doanh nghiệp, trang trại nông nghiệp và người nông dân về phát triển trang trại nông nghiệp hữu cơ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể...
Ngoài ra, đây cũng là dịp giao lưu tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá thương hiệu sản phẩm và giời thiệu những thiết bị mới phục vụ sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chí của các nền nông nghiệp tiên tiến hiện nay như: Úc, Nhật bản, Hàn Quốc, New Zealand...
Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam đẫn đoàn tham quan một số mô hình trang trại nông nghiệp hữu cơ ở Gia Lai. Tại đây, đoàn đã tham quan mô hình cà phê trồng xen canh cây đương quy, trang trại cây ăn quả và dược liệu, mô hình cà phê hữu cơ chất lượng cao.
Tại điểm tham quan vườn cà phê 13 ha của gia đình ông Nguyễn Đình Phú (thôn Hố Lang, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) được sử dụng toàn bộ phân chuồng và hệ thống tưới nước tiết kiệm.
Ông Phú cho biết, mỗi ha cà phê gia đình thu về cao hơn những vườn khác từ 30- 50 triệu đồng. Sản phẩm chủ yếu được các doanh nghiệp ở Nha Trang, TP. HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Lạt đặt hàng. “Vừa rồi, có đơn vị đặt hàng 50 tấn cà phê nhân mà chúng tôi không dám nhận vì diện tích của gia đình chỉ đủ đáp ứng cho những đơn hàng trước”, ông Phú chia sẻ.
Ông Phú cho biết thêm, cà phê chín được hái theo từng đợt, rồi rửa sạch, phơi khô theo tiêu chuẩn, sau đó sử dụng máy phân loại hạt. Cà phê nhân loại 1 cung cấp ra thị trường có giá từ 70-120 ngàn đồng/kg, trong khi loại 2 giá 55 ngàn/kg. Như vậy, sau khi trừ chi phí, gia đình ông cũng thu về được khoảng 250 triệu đồng/ha.
Một trong điểm nhấn là chuyến tham quan thực tế đến trang trại của Công ty cổ phần VOS FIVE A (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai). Tại đây, các sản phẩm nông nghiệp của trang trại như sầu riêng, bơ, nấm linh chi… đều xuất đi nước ngoài với mã số định danh đầy đủ thông tin cho khách hàng kiểm tra.
Ông Trần Ngọc Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần VOS FIVE A cho biết, với sản phẩm linh chi, chúng tôi đã được FDA (Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) cấp phép vào thị trường. Hiện sản phẩm này đã có mặt ở 3 nước có yêu cầu khắt khe nhất là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Ngoài ra, trang thương mại điện tử trực tuyến Amazone cũng đã ký hợp đồng để phân phối trên kênh thương mại điện tử. Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp với Công ty Domesco Đồng Tháp sản xuất linh chi nano. Như vậy, có thể thấy rằng thị trường “khát” sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như thế nào.
Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết, sắp tới, nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm của người dân, toàn bộ sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh Gia Lai sẽ được niêm yết trên sàn thương mại điện tử. Điều này, sẽ giúp Gia Lai kết nối tiêu thụ nông sản hữu cơ, nông sản sạch đến người tiêu dùng cả nước và tạo đầu ra bền vững mang giá trị kinh tế cao cho người dân.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.