Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:32 GMT +7
Cũng tại TP Cao Bằng, dù mới thành lập chỉ hơn 1 năm nhưng sản phẩm nấm hương của HTX Nông nghiệp Yên Công, xã Hưng Đạo hàng không đủ bán ra thị trường.
Chị Tạ Thị Thu Yên, Giám đốc HTX Yên Công chia sẻ: Gia đình chị nhiều năm làm nghề trồng nấm rơm ở huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn). Trước đây, nấm chủ yếu được trồng vào gốc cây nên phát triển không tốt, sản lượng kém. Sau nhiều năm kinh doanh buôn bán đủ mặt hàng, cuộc đời một lần nữa lại kéo chị quay về với nghề làm nấm.
Qua tìm hiểu thị trường, thấy sản phẩm nấm hương rất được ưa chuộng và nguồn cung còn ít nên chị Yên đã đi tham quan, tìm hiểu một số mô hình trồng nấm hương, đặc biệt là mô hình trồng nấm hương theo kỹ thuật của Trung Quốc để về trồng thử. Năm 2020, chị mạnh dạn trồng thử 20.000 phôi, cho thu hoạch hơn 8 tấn nấm tươi.
Năm đầu tiên do còn thiếu kinh nghiệm kỹ thuật nên nấm phát triển chưa đồng đều. Dù vậy, sau vụ nấm hương đầu tiên, trừ chi phí, chị Yên thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Mô hình trồng nấm hương có hiệu quả, cho thu lãi ngay từ năm đầu tiên trồng thử nằm ngoài dự tính của chị Yên vì bản thân chị đã xác định 3 năm đầu thử nghiệm sẽ không có lãi, chỉ cần cố gắng không bị thua lỗ là đã thành công.
Cuối năm 2020, chị Yên quyết định thành lập HTX Nông nghiệp Yên Công tại xóm Hồng Quang 2, xã Hưng Đạo (TP Cao Bằng) với 7 thành viên. Chị mạnh dạn đầu tư mua thêm đất, mở rộng diện tích nhà xưởng sản xuất phôi trồng nấm lên 5.000m2, nâng quy mô lên 100.000 phôi nấm. Năm 2021, HTX thu hoạch gần 50 tấn nấm tươi, trừ chi phí cho thu lãi hơn 700 triệu đồng. Sản phẩm nấm hương sấy khô của HTX được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021.
Theo chị Yên, sản phẩm nấm rơm của HTX được trồng theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn từ nguyên liệu đầu vào và đặc biệt tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV, chất kích thích tăng trưởng.
Nấm hương là loại nấm cho giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, đây lại là loại nấm khó trồng, dễ bị bệnh, thời gian trồng dài hơn những loại nấm khác, khoảng từ 4 - 5 tháng mới thu hoạch.
Đối với giá thể trồng nấm, HTX chọn mùn cưa phải là loại không có tinh dầu, mốc và độc tố, sau đó xử lý bằng phương pháp đốt khử khuẩn, không khí làm ẩm, ủ đống… rồi đem trộn thêm 3% bột nhẹ, 5 - 7% cám gạo rồi đóng vào 3 lớp túi nilon chịu nhiệt, cho vào lò hấp 100 độ C để thanh trùng các bịch nấm.
Sau khi cấy phôi, bịch giống nấm hương được ươm trong khoảng 60 đến 80 ngày sẽ được đưa lên giàn, rạch bầu cho ra nấm. Hàng ngày phải kiểm tra, thấy bịch nấm nào hỏng phải loại bỏ ngay để không bị lây bệnh, ô nhiễm ra trại nấm.
Nấm hương là loài rất nhạy cảm nên mọi quy trình trồng và chăm sóc phải đảm bảo đúng kỹ thuật, trại nấm phải luôn thoáng mát, ánh sáng phân bố phù hợp, không để ánh nắng trực tiếp chiếu thẳng vào trại.
Năm 2022, HTX trồng 130.000 - 150.000 phôi nấm, dự kiến thu khoảng 80 tấn nấm tươi. Với giá nấm tươi bán sỉ 70.000 đồng/kg, dự kiến năm 2022, HTX sẽ thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Lúc cao điểm, HTX tạo việc làm cho 20 lao động thời vụ tại địa phương.
Chị Yên cho biết, thị trường nấm hương của HTX hiện nay khá ổn định, chủ yếu đưa xuống Hà Nội cho các doanh nghiệp để họ đóng gói đưa vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm.
Thời gian tới, HTX tiếp tục hướng đến mở rộng quy mô, vẫn chủ lực là sản xuất nấm hương tươi, nghiên cứu trồng thêm nấm hương vào mùa hè để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang muốn kết hợp, bao tiêu mỗi năm hàng trăm tấn nấm tươi và sản xuất phôi nấm nhưng do còn thiếu nguồn lực nên HTX đang tính toán để kết nối trong thời gian tới.
Cũng tại TP Cao Bằng, HTX Trường Anh, xã Hưng Đạo, Thành phố Cao Bằng là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay, quy mô sản xuất của HTX Trường An khoảng 4 ha, trong đó có 7.500m2 hệ thống nhà màng chuyên trồng dâu tây, các loại dưa. Sản phẩm dâu tây của HTX đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, được chứng nhận sản phẩm đạt 3 sao OCOP.
Chị Đoàn Thu Trà, Giám đốc HTX Trường Anh chia sẻ: Làm nông nghiệp ở tỉnh Cao Bằng đã khó, để sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn khó gấp nhiều lần, nhất là kinh phí đầu tư lớn, thị trường đầu ra còn nhiều khó khăn.
Đến nay, hoạt động sản xuất các sản phẩm nông nghiệp của HTX đã dần đi vào ổn định. Diện tích dâu tây VietGAP có đầu ra tốt, được nhiều khách hàng đánh giá cao. Ngoài ra, mô hình trồng các loại dưa lưới theo hướng hữu cơ cũng cho chất lượng tốt, vị ngọt, thơm, dần khẳng định được thương hiệu.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đang có hơn 130ha cây trồng được công nhận sản xuất theo quy trình nông nghiệp hữu cơ, trong đó, chủ yếu là các sản phẩm như gừng, ớt, chè…
Tỉnh đã ban hành các đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp như: Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030; Kế hoạch đột phá về nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá đặc hữu tỉnh Cao Bằng; Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030.
Cao Bằng cũng triển khai các chính sách về liên kết tiêu thụ sản phẩm, ban hành các chính sách, cơ chế đặc thù của tỉnh để khuyến khích sản xuất hữu cơ như: Nghị quyết 48/2020/NQ-HĐND về chính sách phát triển nông, lâm nghiệp; Nghị quyết 20/2019/NQ-HĐND về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...
Ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Bằng cho biết: Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn về hữu cơ là mục tiêu phát triển trong giai đoạn tiếp theo và được tỉnh, ngành nông nghiệp, các địa phương quyết tâm thực hiện.
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tăng cường triển khai, hướng dẫn người dân đẩy mạnh sử dụng phân bón, thuốc BVTV hữu cơ sinh học; tăng cường tổ chức các hội nghị kết nối các đơn vị, doanh nghiệp, nông dân tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh và sự quyết tâm trong thực hiện của các sở, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã ngày càng chủ động quan tâm, đầu tư vào chứng nhận chất lượng sản phẩm như chứng nhận hữu cơ, VietGAP, sản xuất an toàn…
Tuy nhiên, khó khăn để phát triển nông nghiệp hữu cơ ở tỉnh vẫn chủ yếu là thiếu vốn, hiểu biết của người dân về phát triển nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế nên việc thay đổi tập quán sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.
Các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Cán bộ thực hiện chuyên môn chưa được tập huấn, đào tạo về quản lý, chứng nhận nông nghiệp hữu cơ. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh còn ít.
Công tác tuyên truyền về nông nghiệp hữu cơ đến người tiêu dùng, người sản xuất còn hạn chế. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chưa được quan tâm đúng mức...
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.