Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:51 GMT +7

  • Click để copy
Thứ năm- 08:36, 16/11/2023

Đường lớn cho lúa gạo hữu cơ

Chiến lược lúa đặc sản gắn với hữu cơ của Sóc Trăng

Một loạt đề án tập trung phát triển lúa hữu cơ, lúa đặc sản được tỉnh Sóc Trăng triển khai, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất lúa của nông dân.

HTX tiên phong theo đuổi lúa hữu cơ

Bài liên quan

Thành lập vào tháng 11/2021, HTX Nông nghiệp Vinh Lợi ở xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) được xem là HTX trẻ, đi theo con đường sản xuất lúa hữu cơ tiên phong của tỉnh. Với 22 thành viên ban đầu, HTX sản xuất khoảng 50ha lúa thơm đặc sản ST các loại.

Vụ hè thu năm 2021, anh Nguyễn Văn Út, Giám đốc HTX Nông nghiệp Vinh Lợi vận động 3 xã viên trồng thử nghiệm 5ha lúa theo phương pháp hữu cơ. Giai đoạn đầu chuyển đổi, năng suất lúa đạt rất thấp, chỉ khoảng 4 – 5 tấn/ha.

Cuối năm 2021, với sự hỗ trợ từ nhóm Mekong Organics thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn (Đại học An Giang), HTX Nông nghiệp Vinh Lợi được hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ thương mại theo tiêu chuẩn USDA/EU.

Vùng sản xuất lúa hữu cơ sử dụng phân khoáng tự nhiên của HTX Nông nghiệp Vinh Lợi, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Vùng sản xuất lúa hữu cơ sử dụng phân khoáng tự nhiên của HTX Nông nghiệp Vinh Lợi, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Bài liên quan

Bước vào vụ hè thu 2022, trên quy mô 30ha, 20 xã viên của HTX Nông nghiệp Vinh Lợi đồng loạt gieo sạ giống lúa ST25. Các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến được nông dân ứng dụng cho đồng ruộng như: Quản lý sâu bệnh hại thông qua sử dụng phân khoáng tự nhiên phun bằng dây bay theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế; sử dụng giống lúa chất lượng cao và phân bón hữu cơ bón lót cho lúa…

Đặc biệt, HTX đã thành lập đội quản lý đồng ruộng đảm nhận việc giám sát quy trình sản xuất của bà con xã viên nhằm đảm bảo tính thống nhất và kiểm soát 100% vật tư đầu vào không có yếu tố hóa học.

Trải qua 4 vụ trồng lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA/EU, sâu hại trên đồng ruộng giảm đáng kể, lúa cứng cây. Nhất là năng suất đã có chuyển biến tích cực, tăng dần lên khoảng 5,2 tấn/ha, tương đương với phương pháp sản xuất truyền thống.

Bài liên quan

Với phương pháp sản xuất lúa sạch, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, HTX đã liên kết tiêu thụ thành công với một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo hữu cơ với giá cao hơn thị trường 200 - 400 đồng/kg. Về lâu dài, khi đạt được chứng nhận hữu cơ, giá lúa sản xuất hữu cơ có thể tăng thêm 1.500 – 2.000 đồng/kg.

Nói về định hướng phát triển lúa gạo hữu cơ, Nguyễn Văn Út cho biết, hiện nay nhu cầu của doanh nghiệp đối với mặt hàng này rất cao. Khởi điểm của HTX đã lựa chọn hướng phát triển là trồng lúa hữu cơ, do đó giai đoạn chuyển đổi không bỡ ngỡ. Cùng với đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cũng hỗ trợ HTX Nông nghiệp Vinh Lợi xây dựng trạm bơm khép kín phục vụ sản xuất lúa hữu cơ.

Hiện nay, anh Út đang đàm phán giá cả với doanh nghiệp để liên kết thu mua lúa hữu cơ cho xã viên. Nếu thương thảo thành công, HTX sẽ mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ lên 60 – 70ha.

“Khi đủ tự tin về chất lượng lúa gạo hữu cơ, HTX sẽ xin cấp chứng nhận hữu cơ trong nước, tạo đà tiến tới chứng nhận quốc tế. Chủ trương của HTX là không nhận nhiều xã viên, chỉ kết nạp những bà con đồng tình và chấp nhận sản xuất lúa hữu cơ khi tham gia vào HTX”, anh Út cho biết.

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện đã có trên 5.000ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Ảnh: Kim Anh.

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện đã có trên 5.000ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài ra, HTX cũng tận dụng sự hỗ trợ từ nhiều chương trình, dự án trong nước và quốc tế để phát triển sản xuất lúa hữu cơ, giúp xã viên có điều kiện được tham gia tập huấn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật canh tác tiến tiến. Đó cũng là cách tuyên truyền hiệu quả giúp bà con đồng thuận cao với cách làm của HTX.

Từ tháng 6/2022, UBND tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ, giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tập trung chủ yếu vào các đối tượng sản xuất gồm lúa, cây ăn trái, vật nuôi, thủy sản.

Theo mục tiêu của đề án này, đến năm 2025, Sóc Trăng sẽ xây dựng 32 điểm mô hình sản xuất nông nghiệp có chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ trong nước hoặc quốc tế với diện tích đất sản xuất hữu cơ trên 210ha. Định hướng đến năm 2030, sản xuất hữu cơ có chứng nhận sẽ được phát triển và nhân rộng về diện tích, đạt trên 400ha.

Mục tiêu 150.000ha lúa đặc sản

Song hành cùng phát triển lúa hữu cơ, từ năm 2012 đến nay, dự án sản xuất và phát triển lúa đặc sản Sóc Trăng cũng gặt hái được nhiều thành công. Ông Trần Vĩnh Nghi, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng nhìn nhận, trước đây, sản xuất lúa ở địa phương mỗi năm một vụ, năng suất thấp. Thấy được những khó khăn này, ngành nông nghiệp bắt đầu thực hiện cuộc chuyển dịch quy mô lớn.

Cán bộ nông nghiệp của tỉnh cùng tham gia các đề tài nghiên cứu, chương trình chọn tạo, tuyển chọn từ các viện, trường để tìm ra những giống lúa đặc sản, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Sóc Trăng.

Sóc Trăng xác định mục tiêu phát triển lúa đặc sản gắn với sản xuất hữu cơ. Ảnh: Kim Anh.

Sóc Trăng xác định mục tiêu phát triển lúa đặc sản gắn với sản xuất hữu cơ. Ảnh: Kim Anh.

Giai đoạn đầu từ năm 2012 – 2015 khi dự án sản xuất và phát triển lúa đặc sản được triển khai, Sóc Trăng đã xây dựng được 127.000ha lúa đặc sản, vượt khá xa so với kế hoạch 70.000ha đề ra ban đầu. Bà con nông dân được tập huấn, trang bị kiến thức về quy trình, kỹ thuật sản xuất giống lúa cấp nguyên chủng, xác nhận để nâng cao năng lực nhân giống lúa. Các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như IPM, "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng", sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP… đồng loạt được triển khai khắp các cánh đồng.

Thời điểm này, lúa gạo canh tác trong vùng dự án có chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Cụ thể, giá lúa ST5 trên thị trường cao hơn lúa thường từ 500 - 700 đồng/kg, lúa ST20 cao hơn từ 1.200 - 1.500 đồng/kg, giống lúa Tài Nguyên mùa cũng cao hơn từ 1.000 - 1.200 đồng/kg (tùy thời điểm). 

Tiếp nối thành công đó, Sóc Trăng đã nhân rộng và phát triển dự án sản xuất và phát triển lúa đặc sản trong giai đoạn 2016 – 2020, trong đó lấy điểm nhấn là xây dựng thương hiệu “Gạo thơm Sóc Trăng” để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của tỉnh ở thị trường trong nước và thế giới. Cũng chính giai đoạn này, giống lúa ST24 được công nhận là tốp 3 gạo ngon nhất thế giới (năm 2017). 2 năm sau đó, gạo ST25 cũng được công nhận là gạo ngon nhất thế giới (năm 2019).

Sản xuất lúa của bà con nông dân trong giai đoạn này đã có sự chuyển hướng, nâng tầm hơn khi thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, xây dựng cánh đồng lớn gắn với doanh nghiệp tiêu thụ. Nông dân trên địa bàn tỉnh được tăng cường ứng dụng, phổ biến công nghệ trong chế biến, bảo quản và đóng gói sản phẩm gạo.

Từ đây, một vùng sản xuất lúa đặc sản ổn định trên 150.000ha đã được hình thành tại 7 huyện, thị xã gồm Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành, Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên và Ngã Năm. 54 HTX và 371 tổ hợp tác trong nông nghiệp đã thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp với diện tích trên 53.000ha.

Hiện nay, dự án sản xuất và phát triển lúa đặc sản Sóc Trăng đang tiếp tục phát triển ở chặng đường thứ 3, giai đoạn 2022 - 2025 với mục tiêu duy trì và phát triển diện tích sản xuất lúa đặc sản đến năm 2025 đạt 195.000ha, trong đó ưu tiên phát triển nhóm giống lúa ST.

Gạo ST24, ST25 ở tỉnh Sóc Trăng được công nhận là gạo ngon nhất thế giới, giúp nâng cao giá trị trên thị trường quốc tế. Ảnh: Kim Anh.

Gạo ST24, ST25 ở tỉnh Sóc Trăng được công nhận là gạo ngon nhất thế giới, giúp nâng cao giá trị trên thị trường quốc tế. Ảnh: Kim Anh.

Đồng thời, xây dựng 21 vùng nguyên liệu lúa đặc sản, mỗi vùng diện tích 1.000ha có liên kết tiêu thụ. Củng cố và nâng cao chất lượng 50 HTX trồng lúa đặc sản. Dự án cũng hướng đến hình thành 80 mô hình canh tác lúa đặc sản thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và 5 nhãn hiệu cho hợp tác xã sản xuất lúa đặc sản của tỉnh Sóc Trăng.

Việc phát triển sản xuất lúa đặc sản đang được thực hiện trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố. Riêng năm 2023, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu sản lượng lúa đạt 2 triệu tấn, trong đó, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 92%.

Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 5.000ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng xác định việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết và xây dựng vùng nguyên liệu lúa hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm là bước đi quan trọng.

Bởi thực tế, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm hữu cơ rất cao, nhưng giá bán mặt hàng này hiện chênh lệch không nhiều so với phương pháp sản xuất truyền thống, điều này khiến nguy cơ lúa gạo hữu cơ bị đánh đồng về giá rất dễ xảy ra. Do đó, việc sản xuất lúa hữu cơ được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế sẽ góp phần gia tăng giá trị và chất lượng sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Kim Anh

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm