Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:47 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 08:00, 14/11/2023

Đường lớn cho lúa gạo hữu cơ

Hợp tác xã đặt mục tiêu 1.000ha tôm - lúa hữu cơ

KIÊN GIANG Với sự liên kết, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, HTX Tôm - cua - lúa Thạnh An đang hướng tới mục tiêu 1.000ha tôm - lúa hữu cơ.

Mô hình tôm - lúa lợi nhuận 180 - 200 triệu đồng/ha/năm

Tháng 10, chúng tôi tìm về vùng miệt thứ xã Đông Thạnh, huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang) để tìm hiểu về mô hình tôm - lúa hữu cơ đang được bà con nông dân nơi đây phát triển khá mạnh. Dọc tuyến đường Xuyên Á thuộc địa bàn huyện An Minh, những cánh đồng đã được nông dân xuống giống lấp lại vụ lúa trên nền đất nuôi tôm.

Cánh đồng lúa hữu cơ gieo sạ hơn 1 tháng ở xã Đông Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Kim Anh.

Cánh đồng lúa hữu cơ gieo sạ hơn 1 tháng ở xã Đông Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Kim Anh.

Bài liên quan

Nông dân Phạm Văn Hoàng Diệu một trong những gương mặt tiên phong trồng lúa hữu cơ ở xã Đông Thạnh dẫn chúng tôi đến thăm ruộng lúa đã cấy được hơn 1 tháng. Nói về lịch sử trồng lúa của địa phương, anh Diệu bộc bạch, vùng đất này trước đây bị nhiễm phèn, bà con chủ yếu trồng lúa mùa, mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ, năng suất hầu như không có. Thời gian trồng một vụ 6 – 7 tháng mới có thể thu hoạch. Việc trồng lúa chủ yếu đủ để có nguồn lương thực sử dụng trong gia đình, chứ không tính đến vấn đề kinh tế.

Từ năm 2016, được sự vận động của Phòng NN-PTNT huyện An Minh, bà con nông dân trong xã bắt đầu tiếp cận mô hình tôm – lúa hữu cơ. Tuy nhiên do tư tưởng đã quen với cách làm truyền thống, anh Diệu cũng như nhiều bà con trong vùng ngại lúa không đạt năng suất nên chưa mạnh dạn tham gia ở quy mô lớn.

“Khi đã làm rồi mới thấy mô hình dễ hơn cách làm truyền thống rất nhiều. Ngày trước làm lúa dùng phân thuốc xịt tùm lum hết, chuyển qua làm hữu cơ, chất thải tôm nuôi trong ruộng là nguồn phân bón rất tốt cho sự phát triển của cây lúa nên bà con đã không còn sử dụng phân bón hóa học, phun xịt thuốc BVTV nữa”, anh Diệu rút ra được nhiều kinh nghiệm sau khi tham gia mô hình tôm – lúa hữu cơ.

Sau những hiệu quả bước đầu mô hình mang lại, năm 2019, 5ha đất sản xuất của gia đình anh Diệu đã được chuyển đổi sang canh tác hữu cơ.

Hiện nay, hầu hết bà con nông dân ở xã Đông Thạnh đều tham gia mô hình sản xuất tôm – lúa hữu cơ. Từ tháng 1 đến tháng 3 là thời điểm bà con cải tạo vuông nuôi, thả giống tôm sú và thu hoạch trong tháng 7. Ngoài ra, trong mô hình này nông dân cũng kết hợp thả xen cua, tôm càng xanh để tăng thêm nguồn thu trên cùng diện tích. Sau đó, nông dân tiến hành rửa mặn vuông nuôi trong tháng 8 và cấy lại lúa trong tháng 9.

Nông dân Phạm Văn Hoàng Diệu tính toán, mô hình tôm – lúa mang lại lợi nhuận cho gia đình khoảng 180 – 200 triệu đồng/ha/năm từ con tôm sú, lúa hữu cơ và các loài thủy sản khác. Ảnh: Kim Anh.

Nông dân Phạm Văn Hoàng Diệu tính toán, mô hình tôm – lúa mang lại lợi nhuận cho gia đình khoảng 180 – 200 triệu đồng/ha/năm từ con tôm sú, lúa hữu cơ và các loài thủy sản khác. Ảnh: Kim Anh.

Canh tác tôm – lúa hữu cơ có ưu điểm tiết kiệm nhiều chi phí vật tư, lúa trúng mùa, bán được giá cao, đầu ra ổn định. Qua gần 4 năm tham gia phát triển mô hình, đời sống gia đình anh Diệu cũng như nhiều bà con trong vùng trở nên khấm khá, con cái có điều kiện được học hành tốt hơn.

Theo anh Diệu, làm 1 vụ tôm, 1 vụ lúa rất bền vững. Con tôm và cây lúa đi song hành, hỗ trợ cho nhau. Nông dân nuôi tôm đỡ tốn chi phí thức ăn, ngược lại trồng lúa cũng ít phải sử dụng phân bón và không sử dụng thuốc BVTV, nhờ đó tạo môi trường trong lành giúp tôm phát triển. Mô hình canh tác này vừa thân thiện với môi trường, vừa bảo vệ sức khỏe cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng nên bà con quyết tâm theo đuổi.

Qua tính toán, anh Diệu cho biết, trên quy mô 1ha, nông dân thu được lợi nhuận từ con tôm sú, lúa hữu cơ và các loài thủy sản khác khoảng 180 – 200 triệu đồng/năm. Nhờ liên kết sản xuất chặt chẽ với doanh nghiệp nên sản phẩm được tiêu thụ thuận lợi, nông dân bớt phải phụ thuộc vào thương lái ép giá. 

Toàn huyện An Minh hiện có trên 47.000ha nuôi trồng thủy sản. Trong đó, sản xuất theo mô hình tôm - lúa khoảng 39.000ha, diện tích canh tác lấp lại vụ lúa trên 25.000ha.

Hướng tới 1.000ha tôm - lúa hữu cơ 

HTX Tôm - cua - lúa Thạnh An (xã Đông Thạnh, huyện An Minh) được thành lập từ năm 2016 với 13 thành viên, diện tích sản xuất chưa đến 20ha. Thời điểm thành lập, xã viên đa phần canh tác theo tập quán truyền thống, việc xuống giống tôm hay sạ lúa đều không đồng loạt. Hơn nữa việc liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cũng chưa được thực hiện, bà con mạnh ai nấy làm.

Trung bình mỗi năm, HTX Tôm - cua - lúa Thạnh An cung ứng khoảng 1.100 tấn lúa hữu cơ cho doanh nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Trung bình mỗi năm, HTX Tôm - cua - lúa Thạnh An cung ứng khoảng 1.100 tấn lúa hữu cơ cho doanh nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Kể từ năm 2018, HTX vận động xã viên chuyển sang sản xuất theo mô hình tôm – lúa, đồng thời thực hiện ký kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa hữu cơ xuất khẩu. Cột mốc này đánh dấu bước phát triển mới trong đời sống và sản xuất của bà con xã viên.

Năm 2019, số lượng xã viên của HTX tăng lên 25 thành viên với diện tích sản xuất 50ha và đến nay đã đạt 61 thành viên, quy mô sản xuất 300ha. Tất cả xã viên đều đi theo mô hình tôm - lúa lúa hữu cơ và được Công ty Đại Dương Xanh bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giống lúa chủ lực là ST5.

Giống lúa này có thời gian sinh trưởng khoảng 120 ngày, phù hợp với điều kiện canh tác của vùng tôm - lúa. Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc HTX Tôm - cua - lúa Thạnh An cho biết, trồng lúa theo mô hình hữu cơ năng suất không kém so với phương pháp sử dụng phân hóa học truyền thống, tương đương khoảng 4,9 tấn/ha.

Bên cạnh đó, bà con trong HTX còn được doanh nghiệp liên kết cung cấp lúa giống, phân bón và hướng dẫn quy trình canh tác lúa hữu cơ. Ngay từ đầu vụ, HTX và doanh nghiệp sẽ ký kết hợp đồng bao tiêu lúa đạt chuẩn hữu cơ với giá cố định, riêng trong năm 2023 là 7.000 đồng/kg.

Theo HTX Tôm - cua - lúa Thạnh An, đến năm 2022, HTX cung ứng 1.100 tấn lúa hữu cơ cho doanh nghiệp trên diện tích gieo trồng là 350ha. Trong năm 2023, vùng sản xuất được mở rộng lên gần 400ha lúa đạt chuẩn hữu cơ.

Ông Khánh nhìn nhận, thời điểm ban đầu chưa kết nối được với doanh nghiệp tiêu thụ, nông dân không mặn mà với trồng lúa hữu cơ, chủ yếu tập trung vào nuôi tôm do con tôm có thế mạnh mang lại thu nhập cao. Bên cạnh đó, vùng đất An Minh đặc thù chỉ sản xuất 1 vụ lúa trong năm nên chưa có cơ sở, doanh nghiệp đầu tư hệ thống lò sấy. Lúa nếu được thu hoạch vào mùa mưa xem như không bán được. Bà con đa phần chỉ sản xuất lúa đủ ăn với diện tích chiếm từ 40 – 50% tổng diện tích đất của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc HTX Tôm - cua - lúa Thạnh An phấn khởi cho biết, nhờ chuyển hướng canh tác mô hình tôm – lúa, đời sống bà con xã viên đã trở nên khấm khá. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc HTX Tôm - cua - lúa Thạnh An phấn khởi cho biết, nhờ chuyển hướng canh tác mô hình tôm – lúa, đời sống bà con xã viên đã trở nên khấm khá. Ảnh: Kim Anh.

Kể từ khi liên kết được với Công ty Đại Dương Xanh, mô hình trồng lúa hữu cơ trên vuông tôm được nhân rộng. Nông dân có lợi nhuận hàng năm bình quân 24 – 25 triệu đồng/ha. Thậm chí, với những nông dân giỏi lấy công làm lời, theo dõi chăm sóc đồng ruộng kỹ lợi nhuận thu được trên 30 triệu đồng/ha là chuyện bình thường.

Đánh giá về thị trường lúa hữu cơ trong thời gian tới, ông Khánh phấn khởi cho rằng sẽ có nhiều thuận lợi. Vị lãnh đạo HTX này dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất tôm - lúa lên khoảng 1.000ha, vừa tạo nguồn cung nguyên liệu lúa hữu cơ ổn định cho doanh nghiệp, vừa phù hợp với thực tiễn điều kiện thu hoạch thủ công của xã viên.

“Mặc dù thu hoạch lúa thủ công nhưng nông dân hài lòng do trong lúc thu hoạch lúa dưới vuông vẫn còn tôm, cua, cá nên nông dân chắc chắn có thêm lợi nhuận cao. Công ty Đại Dương Xanh có điều kiện về vận chuyển, sấy và các khâu dịch vụ sau thu hoạch lúa nên chấp nhận thu mua lúa cắt tay với giá cao”, ông Khánh bày tỏ.

Hơn nữa, trong bối cảnh giá lúa tăng cao trong thời gian qua, HTX và doanh nghiệp đã có sự tính toán, hài hòa lợi ích ngay từ khi ký hợp đồng tiêu thụ đầu vụ với những thỏa thuận cụ thể như: Chốt giá cố định, nếu trường tăng giá, đôi bên sẽ cùng chia sẻ lợi nhuận lợi theo hướng chia đôi mức giá tăng thêm theo tỉ lệ 50 - 50%, nếu giá lúa trên thị trường sụt giảm, doanh nghiệp vẫn cam kết thu mua theo giá cố định như hợp đồng đã ký kết.

Bên cạnh sản xuất lúa hữu cơ cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu, từ tháng 8/2022, HTX Tôm - cua - lúa Thạnh An đã xây dựng nhãn hiệu Gạo ST25 Thạnh An đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài ra, HTX đã kết nối với Tập đoàn thủy sản Minh Phú triển khai các quy trình nuôi tôm tiên tiến, tiến tới chứng nhận tôm đạt chuẩn hữu cơ để nâng cao giá trị cho con tôm.

Ngày 25/3/2022, Bộ NN-PTNT có Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025. Đề án được thực hiện trên địa bàn 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh gồm Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang.

Đề án chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2022 – 2023) và giai đoạn 2 (2024 – 2025). Trong đó giai đoạn 2 sẽ mở rộng xây dựng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu (logistics) hỗ trợ HTX, bao gồm: Trung tâm logistics chuỗi lúa gạo huyện Thoại Sơn (An Giang); Trung tâm logistic lúa - tôm hữu cơ huyện An Minh (Kiên Giang); Trung tâm logistics chế biến tôm huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng); Trung tâm logistics trái cây Mỹ Hiệp (Đồng Tháp) và Trung tâm logistics chuỗi cà phê (Gia Lai).

Kim Anh

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm