Thứ sáu, 22/11/2024 | 22:28 GMT +7
Vườn cam đạt chứng nhận hữu cơ USDA (chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ) do anh Vũ Duy Tân ở xã Thống Nhất (Lạc Thủy, Hòa Bình) làm chủ, được người dân trong vùng đặt cho nhiều tên gọi khác nhau như vườn cam đẹp như tranh vẽ; vườn cam mặt trời; vườn cam của thanh niên “gàn dở”.
Khi được hỏi về điều đặc biệt này, anh Tân vui vẻ nói, so với các hộ trồng cam theo cách thức truyền thống trong vùng thì mục tiêu phát triển, phương pháp, kỹ thuật canh tác anh áp dụng đều rất khác. Thậm chí, không ít lần anh tự tay chặt đi những cây cam do mình dày công vun trồng vì nhận thấy nền vi sinh vật có lợi trong đất còn nghèo nàn, dẫn tới chất lượng quả cam không đạt được như kỳ vọng khiến mọi người xung quanh bất ngờ nên mới bị hiểu nhầm là "khác người".
Tuy nhiên, với hoài bão xây dựng được thương hiệu cam riêng biệt, đủ sức vươn ra thị trường quốc tế và khẳng định chân lý “trong sản xuất nông nghiệp, nếu thực sự kiên trì hoàn toàn có thể thay đổi phương thức canh tác để tạo ra những giá trị tốt đẹp hơn”, anh đã cùng các cộng sự không quản vất vả, khó khăn, cần mẫn trong suốt 8 năm để cải tạo, chăm sóc vườn cam theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất.
Anh Tân chia sẻ, để được cấp chứng nhận hữu cơ USDA là điều không hề dễ dàng, phải trải qua quá trình kiểm tra, đánh giá, xét nghiệm rất nghiêm ngặt tất cả các chỉ số, không chỉ ở giai đoạn thẩm định mà trong suốt quá trình sản xuất, thậm chí khi đã được cấp nếu không thực hiện đúng chứng nhận sẽ bị thu hồi.
Do đó, trên diện tích 20ha, anh trồng giống cam V2, áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ hoàn toàn, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng...
Về đất trồng, anh sử dụng phương pháp thủ công, xử lý cỏ dại có chọn lọc (loại cỏ nào không có tác dụng mới loại bỏ) để giữ lại thảm cỏ tự nhiên, vừa có tác dụng chống xói mòn, giữ ẩm, vừa có thể tận dụng để làm chất hữu cơ nhằm tăng độ mùn cho đất khi cắt bỏ. Bên cạnh đó, anh trồng thêm các loại cây họ đậu và sử dụng thân cây chuối để mục tự nhiên nhằm tăng dinh dưỡng và kali cho đất.
Về phân bón, bên cạnh việc sử dụng các chế phẩm vi sinh, phân bón hữu cơ nhập khẩu, anh tận dụng các loại nguyên liệu sẵn có ở địa phương như trứng gà, đậu tương, cám ngô, nuôi trùn quế… ngâm ủ hoai mục; sử dụng vỏ trấu được xử lý bằng công nghệ đốt nhiệt cao thiếu oxy để diệt sạch mầm bệnh và tạo ra than có chứa nhiều kali, canxi, carbonhydrat… để bổ sung dinh dưỡng cho đất và cây trồng. Bên cạnh đó, dùng chủng nấm cộng sinh với rễ cây họ đậu cấy vào vườn trồng để tăng khả năng phân giải lân, kali có sẵn trong đất (ở dạng khó tiêu) để bộ rễ cây cam có thể dễ dàng hấp thụ.
Về phòng trừ sâu bệnh, anh áp dụng nguyên lý “tầm soát, kiểm soát sâu bệnh chứ không tiêu diệt hoàn toàn”. Theo đó, anh sử dụng chế phẩm từ cây thuốc cá, quả bình bát, hạt cau, tinh dầu ớt… để xua đuổi côn trùng; phun chế phẩm nấm trắng, nấm xanh, nấm tím để phòng, trừ nấm bệnh (chỉ phun lúc trời mát, ẩm để bào tử có điều kiện thuận lợi bám vào những khu vực mong muốn, tăng hiệu quả phòng trừ).
Bên cạnh đó, sử dụng các loài thiên địch như kiến đỏ, ong bắp cày để tiêu diệt các loại côn trùng gây hại; không diệt rắn, bắt chim, giết côn trùng có lợi; sử dụng bẫy, bã và biện pháp thủ công khác để diệt ruồi vàng.
Đặc biệt, anh Tân đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước và phun vi sinh trên cao, giúp quá trình chăm sóc vườn cam trở nên tự động, tiết kiệm thời gian, công lao động nhưng vẫn đảm bảo độ đồng đều, giúp cây cam nhận đủ lượng nước và dinh dưỡng cần thiết.
Nhờ cách làm này, toàn bộ diện tích cam trong vườn sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, độ bền cây cao, dễ dàng gối vụ liên tục. Sản phẩm cam do của anh Tân đã nhanh chóng được thị trường đón nhận. Đặc biệt, khi canh tác an toàn, môi trường được bảo vệ, vườn cam của anh trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lý tưởng cho khách du lịch; là địa điểm học tập, nghiên cứu của học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh.
Khi được hỏi về những điều còn trăn trở, anh Tân bộc bạch: Hiện nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm an toàn của thị trường ngày càng tăng lên. Đây là cơ hội, động lực để người sản xuất từng bước thay đổi thói quen canh tác phụ thuộc vào vật tư hóa học.
Tuy nhiên, các đơn vị đánh giá cần nghiêm khắc hơn trong việc cấp các chứng nhận an toàn, hữu cơ để không còn tình trạng chạy theo phong trào, treo biển nhưng hành động đối phó, làm mất niền tin của người tiêu dùng và tác động xấu tới những đơn vị thực sự tâm huyết đang theo đuổi con đường nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.