Thứ bảy, 23/11/2024 | 12:19 GMT +7
Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có tổng diện tích đất nông nghiệp 702.367ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp khoảng 357.096ha. Toàn tỉnh có 79 hệ thống thủy lợi, 209 công trình với tổng năng lực tưới thực tế trong những năm thời tiết bình thường là 53.000ha.
Bình Thuận có nhiều tiềm năng tài nguyên tự nhiên phong phú gồm cả biển, rừng, đất đai, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển nền kinh tế toàn diện. Trong đó, tài nguyên đất đai đa dạng và khá bằng phẳng, thuận lợi cho việc hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô hàng hoá lớn như vùng lúa, vùng thanh long, vùng cao su, vùng điều, vùng phát triển chăn nuôi... Bên cạnh đó, một số khu vực sản xuất canh tác chủ yếu là quảng canh nên đất và nước chưa bị ô nhiễm kim loại nặng hay dư lượng thuốc BVTV.
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, nhận thấy tiềm năng, lợi thế, tỉnh xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái bền vững là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng cũng như môi trường sống.
Do vậy, tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, tỉnh Bình Thuận đã đề ra 2 chỉ tiêu liên quan đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần đạt được đến năm 2025. Một là diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Hai là tỷ lệ phân bón hữu cơ đạt trên 15% tổng lượng phân bón được sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Theo Phan Văn Tấn, để phát triển nông nghiệp hữu cơ, hiện UBND tỉnh đã xem xét, phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021– 2030.
Theo đó, đối với lúa hữu cơ, tỉnh định hướng phát triển với diện tích canh tác khoảng 1.950ha đến năm 2025 và khoảng 3.000ha đến năm 2030; rau đậu hữu cơ với diện tích từ 180 - 350ha; thanh long hữu cơ từ 600 - 1.250ha; xoài hữu cơ từ 60 - 250ha; sầu riêng hữu cơ từ 100 - 500ha.
Ngoài ra, tỉnh còn phát triển mít, cây ăn quả có múi, nhãn hữu cơ với diện tích mỗi loại cây từ 50 - 70ha đến năm 2025 và khoảng 150 - 350ha mỗi cây đến năm 2030 ở các huyện Hàm Tân, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình. Đối với điều hữu cơ, phát triển diện tích từ 900 - 2.000ha tại các huyện Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh và Hàm Thuận Bắc…
Đối với chăn nuôi, tỉnh Bình Thuận phát triển đàn bò thịt hữu cơ khoảng 2.550 con đến năm 2025 và khoảng 6.000 con đến năm 2030 ở các huyện Đức Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam; đàn heo hữu cơ từ 3.200 - 6.800 con; đàn dê hữu cơ từ 1.200 - 2.200 con; đàn gia cầm hữu cơ từ 35.600 - 68.700 con.
Đối với nuôi trồng thủy sản hữu cơ, phát triển các loài thủy sản bản địa, đặc sản tại các huyện Đức Linh, Tánh Linh và Hàm Thuận Bắc với diện tích mặt nước khoảng 35ha đến năm 2025, khoảng 80ha đến năm 2030.
Với lâm sản hữu cơ, sẽ phát triển cây dược liệu dưới tán rừng với các loài cây thuốc quý, có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu; khai thác sản phẩm tự nhiên có tiềm năng từ rừng tự nhiên như măng, khoai mài, mộc nhĩ, rau rừng…
Theo ông Phan Văn Tấn, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 tổ chức sản xuất gồm 4 công ty, 1 hợp tác xã, 1 hộ sản xuất với tổng diện tích 123ha thanh long và 4ha nho hữu cơ đã được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Trong đó, 80ha được cấp theo dự án khoa học công nghệ “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình liên kết sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.
Cụ thể, 10ha thanh long sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu tại Hợp tác xã Thuận Tiến, xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc); 10ha tại Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Khang Quân ở xã Thuận Quý (Hàm Thuận Nam) và 60ha tại Công ty TNHH Sinh thái Hồng Hà, xã Thuận Quý.
Bên cạnh đó, tại Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Bình An, xã Thuận Quý có 3ha thanh long hữu cơ và 4ha nho hữu cơ đạt tiêu chuẩn USDA và EU.
Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Kim Hải ở xã Tân Lập (Hàm Thuận Nam) cũng có 30ha thanh long sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ Hoa Kỳ; 1 hộ sản xuất tại xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) có 10ha sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu.
Ngoài ra, trên địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong có mô hình trồng cây bụp giấm, quy mô 8ha của Công ty Cổ phần CPART đã được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, với sản lượng ước đạt 70 tấn/năm.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã có một số tổ chức, cá nhân sản xuất lúa và cây hàng năm khác (rau củ quả) theo hướng hữu cơ gồm: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ với diện tích 50ha/vụ tại xã Đức Bình, huyện Tánh Linh; Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Hiệp Phát sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ với diện tích 100ha/vụ tại xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc; Công ty TNHH BAC A&E sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 76ha tại xã Mê Pu, xã Sùng Nhơn, huyện Đức Linh; Trang trại Hạnh Hương nuôi cá, trồng rau hữu cơ theo công nghệ Aquaponics với diện tích 4ha tại xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc.
Tại các vùng đất cát của huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Bắc Bình, Tuy Phong hiện cũng đang bắt đầu triển khai một số mô hình trang trại trồng đinh lăng dưới tán dừa, trang trại trồng cây nha đam bước đầu cây phát triển tốt. Trong quá trình trồng, chăm sóc chủ yếu sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng ủ hoai, qua đó bồi bổ, làm đất tơi xốp. Đối với mô hình trồng xen đinh lăng với cây dừa, bón phân hữu cơ vi sinh cho đinh lăng cũng bổ sung đầy đủ dưỡng chất để cây dừa phát triển tốt.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.