Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:46 GMT +7

  • Click để copy
Thứ hai- 06:20, 10/04/2023

'Cõng' nông nghiệp hữu cơ lên vùng cao Tây Bắc

'Xã tỷ phú' nhờ quế hữu cơ

LÀO CAI Để không đánh mất cơ hội đổi đời, đồng bào các dân tộc Dao, Mông xã Nậm Đét (Bắc Hà, Lào Cai) sẵn sàng cắp sách đi học trồng quế hữu cơ.

Xã có 1.300ha quế hữu cơ

Trong cái se lạnh của tiết Thanh Minh, tôi có dịp đến xã vùng cao Nậm Đét (huyện Bắc Hà, Lào Cai). Chiếc xe máy cà tàng tôi thuê tại thị trấn Bắc Hà cõng trên lưng mình trọng lượng cả tạ nhưng vẫn dễ dàng bon bon lăn bánh trên những con đường được trải bê tông nhẵn nhụi, uốn lượn quanh những rừng quế ken dày, xanh ngắt. Hương thơm nhè nhẹ của quế, của cỏ cây, hoa lá hòa cùng chút ẩm ướt của làn sương mỏng chưa kịp tan trong nắng sớm mang đến một cảm giác yên bình đến lạ thường.

IMG_20230324_154659

Cây quế đã giúp cuộc sống người dân xã Nậm Đét (Bắc Hà, Lào Cai) "thay da, đổi thịt". Ảnh: Trung Quân.

Đi một vòng quanh xã, không khó để bắt gặp những ngôi nhà xây kiểu biệt thự 2 tầng, mái Thái, nhiều gia đình còn có cả ô tô đậu trước cửa. Tôi không khỏi giật mình vì giữa núi rừng Tây Bắc, ở độ cao trên 1.000m này lại có thể xuất hiện một "xã tỷ phú” như vậy.

Mang theo sự tò mò, xen lẫn thích thú đó, tôi tới gặp ông Đặng Xuân Phương, Chủ tịch UBND xã Nậm Đét. Vị chủ tịch trẻ chỉ cười vui vẻ nói: "Mọi sự đổi thay trên mảnh đất này là nhờ cả vào cây quế. Trước đây, đời sống người dân Nậm Đét vô cùng khó khăn, đường giao thông chủ yếu là đất lầy, đá sỏi.

Những nương ngô, nương sắn, lúa nương chưa bao giờ đủ giúp cho người Dao, người Mông lấp đầy bụng đói. Lúc đấy có đủ gạo ăn đã là mong ước xa xỉ, chứ nói gì tới có nhà đẹp, xe đẹp, làm giàu. Vậy mà, từ khi cây quế được đưa về trồng, cả vùng đất cằn này đã thay da, đổi thịt”.

Ban đầu, diện tích quế trồng chỉ có 2ha, đến hiện tại đã tăng lên hơn 2.000ha, trong đó có 1.900ha cho thu hoạch. Đặc biệt, 1.297ha đã được cấp chứng nhận quế hữu cơ.

Xã Nậm Đét có 5 thôn thì 4 thôn toàn bộ các hộ đều có trồng quế. Hàng năm, cây quế mang lại nguồn thu rất lớn cho người dân trong xã. Riêng năm 2022, tổng số tiền thu được từ cây quế hơn 62 tỷ đồng. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2022 là 42 triệu đồng/người/năm. Trên địa bàn xã đã không còn hộ đói. Các hộ đều có thiết bị sinh hoạt đắt tiền, có hộ đã mua được ô tô, có tiền gửi tiết kiệm… Trên 70% số hộ đã có nhà kiên cố, nhà mái bằng khang trang.

“Điều quan trọng nhất là đời sống được cải thiện, người dân có điều kiện tiếp cận với nhiều tiến bộ mới từ bên ngoài, từ đó, trình độ nhận thức cũng từng bước được nâng lên. Việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà Nước trên tất cả các lĩnh vực cũng trở nên thuận lợi”, Chủ tịch xã Đặng Xuân Phương cười trong hạnh phúc.

IMG_0513

Năm 2022, tổng số tiền thu được từ cây quế của xã Nậm Đét hơn 62 tỷ đồng. Ảnh: Trung Quân.

Tôi bất giác hỏi ông Phương, giá trị kinh tế cây quế mang lại ai cũng nhìn thấy, ai cũng thích trồng. Có khi nào sẽ xảy ra tình trạng phát triển nóng, để rồi nguồn cung vượt quá cầu, dẫn tới khó tiêu thụ, chất lượng quế bị giảm sút, đánh mất thương hiệu không?

Vị Chủ tịch xã bỗng nghiêm nghị, điều này các cấp quản lý đã sớm nghĩ đến, cho nên trong thời gian qua, nhiều nguồn lực đã được dành cho việc vận động, hỗ trợ người dân chuyển sang trồng quế theo hướng an toàn, hữu cơ, tiến tới xây dựng thương hiệu, bảo vệ giá trị cho cây quế Nậm Đét. UBND xã đặt ra mục tiêu trên 90% diện tích quế toàn xã được cấp các chứng nhận hữu cơ.

Để làm được điều này, UBND huyện, xã đã tiến hành quy hoạch lại những diện tích được công nhận hữu cơ, tiến hành đánh số trên từng lô, khoảnh, trên từng cây; thành lập 4 tổ nhóm trồng quế hữu cơ tại 4 bản để thuận lợi cung cấp thông tin tới người dân, giám sát chéo nhằm thắt chặt hơn công tác trồng, chế biến theo quy trình, quy chuẩn quế hữu cơ; khoanh vùng giống chuyển hóa để bảo vệ nguồn giống chất lượng. Đồng thời, quy hoạch để tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư chế biến sâu cây quế ngay trên địa bàn.

Cả thôn được cấp chứng nhận hữu cơ sinh thái của Mỹ

Tìm đến HTX Quế hữu cơ Nậm Đét (thôn Nậm Đét) tìm gặp Giám đốc Triệu Phúc Vầy. Mặc dù lần đầu gặp mặt, nhưng sự đón tiếp nồng hậu của anh Vầy và các thành viên trong HTX khiến tôi không có cảm giác xa lạ mà như một người con xa quê lâu ngày trở về.

IMG_0464

Theo anh Triệu Phúc Vầy, Giám đốc HTX Quế hữu cơ Nậm Đét, HTX đã xây dựng vườn giống chuyển hóa hữu cơ để bảo vệ nguồn giống quế chất lượng. Ảnh: Trung Quân.

Anh Vầy chia sẻ, HTX được thành lập từ năm 2018 với 7 thành viên. Tổng diện tích quế của HTX là 120ha, ngoài ra, HTX còn liên kết với 150 hộ trên địa bàn xã với diện tích gần 1.800ha. Sản lượng quế trung bình hàng năm loại khô khoảng 300 - 500 tấn; loại tươi 1.000 - 1.500 tấn.

Sở dĩ diện tích quế hữu cơ của HTX lớn và người dân hào hứng trồng quế như vậy là vì tất cả các bộ phận của cây quế đều có thể bán được. Trong khi đó, giá bán quế hữu cơ luôn cao hơn 20% so với quế được trồng thông thường. Đồng thời, khi trồng hữu cơ sẽ được các doanh nghiệp thu mua toàn bộ, nên đầu ra rất ổn định.

Giá bán vỏ quế có nhiều mức khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi từng cây. Cây càng già thì vanh quế càng dày, giá bán sẽ cao hơn. Tuy nhiên tính trung bình, 1ha quế sẽ thu được khoảng 600 triệu đồng tiền vỏ, 150 triệu đồng tiền bán thân gỗ và 50 triệu đồng tiền bán lá. Nhẩm tính, sau khi trừ đi các chi phí, mỗi hộ có thu nhập trung bình từ 200 - 400 triệu đồng/năm.

Nghe tới đây, tôi bắt đầu lấy điện thoại ra tính, anh Vầy có vẻ ngạc nhiên hỏi: “Chú không tin lời anh nói à”. Nghe tôi bảo để tính xem trong thôn có bao nhiêu tỷ phú và nhà báo phải làm việc trong bao lâu mới có được thu nhập như vậy, mọi người đều phá lên cười.

IMG_20230324_164549

Hầu hết các hộ trồng quế trong thôn Nậm Đét được cấp chứng nhận hộ nông dân sinh thái của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA ORGANIC). Ảnh: Trung Quân.

Để khẳng định lời mình nói, anh Vầy lần lượt đưa tôi tới thăm vườn giống chuyển hóa sang hữu cơ của HTX có diện tích 32ha, đã được Sở NN-PTNT Lào Cai công nhận. Vừa vén lưới che một trong các ô giống, anh Vầy vừa tự hào khoe: "Cả tỉnh Lào Cai có mình HTX Quế hữu cơ Nậm Đét có vườn giống chuyển hóa hữu cơ này thôi đấy”.

Nhìn những cây giống mập mạp, căng tràn sức sống, anh Vầy kể trước đây, hầu hết các hộ trồng quế đều ươm cây giống theo cách chọn hạt gieo thẳng nên tỷ lệ sống, chất lượng cây con rất thấp. Vườn giống được lập nên có nhiệm vụ thu hái hạt quế chất lượng về ươm, đóng bầu để cung cấp cho các thành viên HTX và người dân trong xã. Cây được chọn để lấy hạt phải đươc chọn lọc lỹ lưỡng, không sâu bệnh, tán lá cân đối và phải đạt từ 20 năm tuổi trở lên. Quá trình chăm sóc cũng yêu cầu sự tỷ mẫn và theo quy trình kỹ thuật.

Sang đến vườn trồng, anh Vầy đầy tự hào nói với tôi, trong tổng diện tích quế của HTX có hơn 1.200ha liên kết với Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà (Bắc Ninh) đã được cấp chứng nhận hữu cơ quốc tế. Hầu hết các hộ trồng quế trong thôn được cấp chứng nhận hộ nông dân sinh thái của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA ORGANIC).

Cắp sách học trồng quế hữu cơ

Chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế hay USDA ORGANIC đều là những chứng nhận rất khó để đạt được, vì quá trình kiểm tra rất nghiêm ngặt. Chứng nhận chỉ có hiệu lực 1 năm, hết thời gian này sẽ có các chuyên gia từ nước ngoài lên tận từng rừng trồng lấy mẫu kiểm tra, nếu đạt tiêu chuẩn mới được cấp lại chứng nhận, còn không sẽ bị hủy bỏ.

Do đó, để không đánh mất cơ hội đưa sản phẩm của mình xuất khẩu đi các nước trên thế giới với giá cao, các hộ đồng loạt bảo nhau cắp sách đi học tại lớp tập huấn do các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến xã tổ chức cũng như các lớp tập huấn "cầm tay chỉ việc" do doanh nghiệp, HTX triển khai về kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý theo một quy trình thống nhất. Trong đó, một yếu tố then chốt để canh tác hữu cơ thành công là "nói không" với thuốc BVTV và không dùng phân bón hóa học. Các hoạt động dọn vườn, phát cỏ, tỉa cây, cành lá sâu bệnh chỉ làm bằng tay, ghi lại bằng nhật ký và có tổ trưởng thường xuyên giám sát nhắc nhở.

IMG_0494

Các hộ trồng quế tiến hành thu tỉa quế ở những rừng có mật độ dày. Ảnh: Trung Quân.

Thậm chí, có hộ còn ưu tiên giành riêng đất trồng quế nằm xa khu vực có ruộng canh tác những cây trồng khác sử dụng thuốc BVTV. Qúa trình phun phòng trừ sâu bệnh cũng được che chắn cẩn thận thể không lây lan thuốc sang vườn quế.

Về khai thác, hầu hết các hộ cũng bỏ thói quen khai thác non, đầu tư chăm sóc khi vườn quế đạt 10 - 12 năm mới tiến hành thu tỉa ở những rừng có mật độ dày, những vườn đạt 20 - 30 năm mới khai thác trắng. Nhờ đó, sản lượng, chất lượng quế đều được tăng lên.

Anh Vầy đánh giá, việc canh tác quế hữu cơ và được cấp chứng nhận quế hữu cơ quốc tế không chỉ góp phần thay đổi nhận thức, thói quen canh tác truyền thống lạc hậu của người dân, bảo vệ môi trường sinh thái mà còn nâng cao giá trị cây quế; tạo tiền đề hình thành vùng chuyên canh sản xuất quế an toàn gắn với chuỗi giá trị ngành hàng, phát triển bền vững. Từ đó, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc miền núi, từng bước khẳng định được thương hiệu, vị thế của quế Bắc Hà nói riêng, Lào Cai nói chung trên thị trường trong và ngoài nước.

Trung Quân - Võ Việt

Ông chủ Enjoy Coffee kiên trì cùng nông dân trồng cà phê hữu cơ

Ông chủ Enjoy Coffee kiên trì cùng nông dân trồng cà phê hữu cơ

ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm