Thứ bảy, 23/11/2024 | 15:44 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 11:27, 28/03/2023

7 năm chinh phục đất cằn làm nông nghiệp hữu cơ

QUẢNG BÌNH Sau 7 năm miệt mài 'bồi bổ sức khỏe' đất, tuân thủ '5 không' trong sản xuất hữu cơ, An Nông Farm đã làm sống dậy đất cằn, chiếm trọn niềm tin khách hàng.

Vào giữa năm 2016, người dân ở xã Hòa Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) vô cùng ngạc nhiên khi thấy cặp vợ chồng trẻ là chị Lê Thị Thanh Thủy và anh Lê Đình Quả trở về vùng đồi lập nghiệp. Bà con thấy lạ vì trước đó, hai vợ chồng trẻ tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định ở TP Quy Nhơn (Bình Định).

7 năm miệt mài cải tạo đất, tuân thủ "5 không"

Hai vợ chồng chọn vùng đất đồi sỏi đá mà người ta trồng keo tràm để làm nơi thực hiện ước mơ làm mô hình nông nghiệp hữu cơ. Bán căn nhà ở phố, dồn hết tiền dành dụm của gần chục năm làm “người nhà nước”, hai vợ chồng mua 3ha đất ở thôn Két, xã Hòa Trạch. Trên vùng đất cằn đó, căn nhà tạm được dựng lên cho gia đình 4 người sinh sống, kết hợp xây dựng trang trại sinh thái. 

1

Khu vườn nhà màng ở trang trại An Nông. Ảnh: Tâm Phùng.

Những năm đầu tiên khó khăn chồng chất khó khăn. Vùng đất mà vợ chồng chị Thủy mua nằm lọt thỏm giữa vùng đồi heo hút. Trên con đường đất bụi mù, hai vợ chồng thay nhau trên chiếc xe máy cũ đưa con đến trường, vừa chở rau đi chợ bán. Những lúc trời nắng lớn, gió Lào thổi ràn rạt, nhìn những mớ rau héo quắt mà hai vợ chồng không khỏi nao lòng.

Ban đầu, hai vợ chồng phải tự bỏ sức lực ra để lao động chứ không dám thuê mướn nhân công. Sức đến đâu làm đến đó. Diện tích trồng rau được mở rộng dần theo năm tháng chứ không làm ồ ạt. Rồi trang trại cũng dần ổn định theo đúng kế hoạch của anh chị, trung thành với định hướng phát triển sản phẩm nông sản hữu cơ. Hàng năm, hai vợ chồng dành một khoản tiền lớn mua phân chuồng vận chuyển về ủ hoai bón cho cây trồng và dùng thêm phân lân hữu cơ vi sinh để cải tạo đất.

Rau sạch canh tác hướng hữu cơ trong nhà cuốn vòm. Ảnh: T.P

Rau canh tác hướng hữu cơ trong nhà cuốn vòm. Ảnh: Thanh Nga.

Để có bước đi vững chắc và bền vững, thương hiệu An Nông Farm (Công ty TNHH MTV An Nông) ra đời. Để cho anh thỏa sức đam mê với trồng trọt, với vai trò Giám đốc Công ty, chị Thủy bắt tay vào học hỏi để phát triển thị trường, marketing sản phẩm

Anh Lê Đình Quả chia sẻ: "Trang trại An Nông nỗ lực triển khai canh tác hữu cơ, 'nói không' với các hóa chất độc hại. Cụ thể, chúng tôi tuân thủ không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, không bón phân bón hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không trồng giống biến đổi gen, không thuốc trừ cỏ...".

Dù diện tích không lớn, nhưng trang trại An Nông hiện phát triển theo hướng sinh thái đa dạng. Anh Quả mạnh dạn thử nghiệm nhiều cách thức canh tác mới, phù hợp với xu thế hiện tại. Bên cạnh duy trì 2 khu vực nhà màng diện tích hơn 1.500m2 là những nhà cuốn thấp có che nilon khi cần thiết, xung quanh trang trại, anh Quả còn cho trồng hệ thống cây chắn gió như phi lao, tràm. “Vì thời tiết có nhiều biến động tiêu cực nên cần có hàng rào chắn gió bảo vệ nhà màng và cây trồng”, anh Quả nói thêm.

Vườn rau được trồng xen để hạn chế sâu bệnh. Ảnh: T.P

Vườn rau được trồng xen để hạn chế sâu bệnh. Ảnh: Tâm Phùng.

Không chỉ canh tác theo “mùa nào rau đó”, ở trang trại An Nông, việc cơ cấu rau màu cũng được tính toán theo khoa học. Theo anh anh Quả, những rau lấy lá như cải, xà lách… thường hay bị sâu bệnh. Vì vậy, bên những luống rau này sẽ có những luống rau có mùi hắc như hành, ngò, cà rốt… “Qua thử nghiệm, với lối canh tác như vậy, đã hạn chế được sâu bệnh cho những loại rau lấy lá”, anh Quả chia sẻ.

Rảo quanh những khoảnh vườn với đủ các loại cây trái với màu xanh mướt, đất dưới chân tơi xốp, anh Quả cho biết đó là thành quả của gần 7 năm kiên trì sản xuất, cải tạo đất theo hướng sản xuất hữu cơ. Từ vùng đất sỏi khô cằn, nay đã trở thành vùng đất rất màu mỡ. Qua nhiều năm bồi dưỡng "sức khỏe đất", bây giờ, độ phì nhiêu của đất đã được nâng cao nên lượng phân bón hữu cơ phải bón hàng năm đã giảm dần, trong khi năng suất cây trồng ngày một tăng lên.

Giữa những vạt rau, anh Quả cũng chia vùng và “rào chắn” là những hàng chuối trổ buồng nặng trĩu. Anh Quả cho hay, mục tiêu hướng đến của An Nông Farm là xây dựng chuỗi sản xuất hữu cơ, đồng thời, hỗ trợ các hộ nông dân khác ở các địa phương trên địa bàn tỉnh phát triển chuỗi liên kết nông sản sạch.

Từ vùng đất khô cằn, sau gần 7 năm canh tác hữu cơ đã trở thành vùng đất màu mỡ. Ảnh: T.P

Từ vùng đất khô cằn, sau gần 7 năm canh tác hữu cơ đã trở thành vùng đất màu mỡ. Ảnh: Thanh Nga.

Hiện tại, An Nông Farm đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất khoai lang (tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) và dưa hấu (Lộc Ninh, TP Đồng Hới) với việc cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và bao tiêu đầu ra cho bà con. Ngoài ra, chuỗi liên kết sản xuất măng tây cũng đang được Công ty triển khai và hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

An Nông Farm cũng tiên phong trong phát triển các loại hình dịch vụ trải nghiệm, du lịch sinh thái. Trước mắt, An Nông hướng đến lứa tuổi mầm non, mẫu giáo và tiểu học với hai chương trình: "Bé tập làm nông dân" và "Ngày hè An Nông, nắng trên lá xanh". Các chương trình được các phụ huynh và nhà trường ưa thích bởi nhiều chuỗi hoạt động gắn với thiên nhiên. Qua đó, giúp trẻ đến gần với tự nhiên, làm quen và hình thành thói quen bảo vệ môi trường sống ngay từ lứa tuổi nhỏ.

Luôn hướng về môi trường sinh thái

Ngay khi bắt tay trồng lứa rau, củ, quả hướng hữu cơ, chị Thủy đã tìm đến từng trường mầm non, tiểu học khu vực huyện Bố Trạch để giới thiệu sản phẩm của An Nông Farm. Cách thức marketing của chị thời điểm đó rất đơn giản, lấy uy tín, niềm tin vào sản phẩm làm nền tảng vững chắc, hướng đến lợi ích của khách hàng được sử dụng nông sản sạch. Lượng khách hàng tin tưởng lựa chọn nông sản của An Nông Farm tăng dần lên, thị trường mở rộng, vươn đến các địa bàn xung quanh, nhờ đó, trang trại có đầu ra ổn định.

Khi trang trại phát triển và sử dụng gần hết diện tích để canh tác và sản phẩm được nhiều hơn, An Nông đã mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm đầu tiên ở TP Đồng Hới. Chỉ sau thời gian ngắn, khách hàng đã đón nhận, tin dùng. Sau đó, cửa hang thứ hai cũng đã được mở tại Đồng Hới để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Một góc trang trại An Nông. Ảnh: T.P

Một góc trang trại An Nông. Ảnh: Tâm Phùng.

Đến nay, thị trường tiêu thụ của trang trại An Nông được mở rộng, không chỉ trong mà còn ngoài tỉnh. Trang trại là khách hàng thân thiết của nhiều cơ sở kinh doanh nông sản, hệ thống các siêu thị, trường học… Theo chị Thủy, đó là thành quả của quá trình miệt mài của An Nông hướng về môi trường sinh thái, nỗ lực mang lại cho khách hàng lợi ích tối ưu nhất.

"An Nông Farm quan tâm lớn đến việc giảm tối đa tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như chiếc túi nilon đựng nông sản được chị thay thế thử nghiệm bằng các loại túi thân thiện với môi trường, rồi cả lá chuối, bìa giấy… “An Nông Farm cũng có nhiều chính sách để khuyến khích khách hàng quen thuộc với các sản phẩm thân thiện với môi trường như tặng rau, củ, quả cho khách hàng không lấy túi nilon; giảm giá cho khách hàng mang làn, túi giấy đi mua sắm”, chị Thủy nhỏ nhẹ tâm sự. 

Chúng tôi vào cửa hàng của An Nông Farm trên đường Lý Thường Kiệt, TP Đồng Hới. Buổi sáng, các chị nội trợ đã đến chọn hàng khá tấp nập. Chị Hoàng Hà (phường Bắc Lý) cũng là khách hàng quen thuộc ở đây cho hay: “Tôi và nhiều người thường xuyên đến đây mua thực phẩm vì biết đây là sản phẩm của An Nông làm ra hoặc liên kết với những trang trại sạch khác. Chỉ cần đến đây là người nội trợ có đủ các loại rau củ quả dùng cho bữa ăn hàng ngày mà không phải đi lại nhiều nơi”, chị Hà cho hay.

Cửa hàng rau sạch An Nông tại TP Đồng Hới . Ảnh: T.P

Cửa hàng phân phối sản phẩm của An Nông Farm tại TP Đồng Hới . Ảnh: Thanh Nga.

Từ trang trại đến các cửa hàng phân phối sản phẩm, An Nông đã tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 20 lao động với thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi năm, nguồn rau củ cung ứng ra thị trường đã thu về cho An Nông trên 1 tỷ đồng. Nói về tầm nhìn tương lai, anh Lê Đình Quả cho hay đang tiếp tục xây dựng thêm các cửa hàng phân phối sản phẩm trên địa bàn TP Đồng Hới. “An Nông Farm nỗ lực trở thành thương hiệu mạnh về sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở địa phương”, anh Quả hồ hởi.

Tâm Phùng - Thanh Nga

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm