Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:32 GMT +7
Bình Phước có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu thuận lợi cho cây hồ tiêu phát triển. Thời đỉnh cao, cây hồ tiêu được ví như “vàng đen” giúp không ít nông dân chân chất trở thành tỷ phú chỉ sau một vụ mùa bội thu.
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, hồ tiêu liên tục trải qua giai đoạn rớt giá, rồi "bão dịch bệnh" khiến người trồng gặp khó, nhiều vùng trồng tiêu lớn của tỉnh có nguy cơ bị xóa sổ. Theo thống kê của ngành nông nghiệp Bình Phước, diện tích hồ tiêu của tỉnh hiện chỉ còn khoảng 15,7 ngàn ha. Diện tích này đang giảm mạnh theo từng năm để thay thế bằng các loại cây trồng khác hiệu quả hơn.
Từng là một trong những vựa tiêu lớn nhất tỉnh, cây tiêu đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các gia đình ở huyện Bù Đốp. Tuy nhiên, những năm gần đây, năng suất các vườn tiêu liên tục giảm sút, cây tiêu chết hàng loạt, khiến nhiều nông hộ nơi đây bỏ vườn hoặc đầu tư cầm chừng.
Nguyên nhân được xác định ngoài yếu tố do biến đổi khí hậu, mưa, nắng trái mùa dị thường tác động đến năng suất cây tiêu, còn có yếu tố con người. Giá tiêu giảm sâu, trong khi giá vật tư nông nghiệp, thuê nhân công thu hái, chăm sóc lại tăng cao. Chính điều này đã khiến nông dân thiếu đầu tư chăm sóc và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến năng suất vườn tiêu giảm mạnh.
Dạo quanh các xã Phước Thiện, Thiện Hưng, Tân Thành từng là trọng điểm cây tiêu của huyện Bù Đốp những ngày này, điều dễ nhận thấy là những vườn tiêu xanh tốt một thời nay đã không còn. Thay vào đó là những vườn điều non đang lấn dần các trụ tiêu hoặc những vườn tiêu vàng úa, cỏ mọc um tùm. Một vài vườn đang được xen canh trồng bưởi da xanh. Một số hộ tận dụng nọc tiêu trồng hoa thiên lý. Tuy nhiên, cũng đang có lác đác những vườn tiêu non xanh mướt đang trong giai đoạn kiến thiết, được trồng và đầu tư chăm sóc bài bản theo hướng hữu cơ sinh học với mục tiêu đón đầu cơ hội ở phía trước…
Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp, ông Trần Văn Thành cho biết, định hướng của huyện trong thời gian tới là không phát triển thêm diện tích hồ tiêu. Tuy nhiên, huyện cũng khuyến cáo người dân nên giữ lại diện tích hồ tiêu hiện có.
Trong trường hợp muốn chuyển đổi cây trồng, bà con cần chọn loại phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nhằm phát huy lợi thế của vùng. Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ nhằm từng bước nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, tạo đầu ra ổn định cho mặt hàng này.
Ông Trần Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lộc Ninh cho biết thêm, thời gian qua, huyện đã xây dựng các mối liên kết theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tổ chức lại sản xuất trên những cây trồng chủ lực, trong đó có cây hồ tiêu.
“Đối với những diện tích hồ tiêu bị chết do dịch bệnh, già cỗi, huyện hướng dẫn người dân chuyển sang trồng các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Đặc biệt, huyện sẽ hỗ trợ xây dựng các hợp tác xã đủ mạnh để tổ chức liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, bền vững cũng như kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết nhằm bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá ổn định.
“Nếu tính trên cùng một đơn vị diện tích đất, so với các cây trồng khác như điều, cao su thì hồ tiêu vẫn cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Thêm vào đó, người dân Bình Phước có truyền thống trồng tiêu lâu đời nên có rất nhiều kinh nghiệm. Bởi vậy, tỉnh vẫn định hướng diện tích cây tiêu tới năm 2025 khoảng 13 ngàn ha, mục tiêu đến năm 2030 còn khoảng 10 ngàn ha, đảm bảo đúng quy hoạch của tỉnh”, ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước thông tin.
Cùng với việc không mở rộng diện tích hồ tiêu, để cây hồ tiêu phát triển bền vững, theo các chuyên gia nông nghiệp, thay vì sản xuất theo kiểu phong trào, tự phát, người dân cần tập trung vào chất lượng, sản xuất theo chuỗi liên kết trong sản xuất. Bên cạnh đó, để sớm tìm lại ánh hào quang cho cây trồng chủ lực một thời được xem là “vàng đen”, sự vào cuộc kịp thời của ngành nông nghiệp sẽ như chiếc la bàn định hướng giúp người dân vượt qua khó khăn.
Thực tế cho thấy, liên kết để sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt các tiêu chuẩn quốc tế đang là xu hướng của các hộ dân trồng tiêu. Do không sử dụng phân, thuốc hóa học nên chi phí sản xuất tiêu đã giảm đáng kể, giá bán lại cao hơn nhiều so với trước đây.
Đặc biệt, qua quá trình sản xuất, nông dân cho biết canh tác hữu cơ đã góp phần bảo vệ sức khỏe cho nông dân, nông dân không phải tiếp xúc, sử dụng hóa chất nên sẽ không phải chịu ảnh hưởng từ những hóa chất độc hại. Đồng thời, nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật hữu cơ, môi trường sinh thái cũng được phục hồi trong lành hơn, tốt hơn cho sức khỏe con người.
Rất nhiều mô hình trồng tiêu hữu cơ cho hiệu quả cao được Báo Nông nghiệp Việt Nam nêu ở các bài viết trước đã chứng minh đều đó như: Mô hình của bà Nguyễn Thị Xoan ở ấp Bù Tam, xã Hưng Phước (huyện Bù Đốp) là một trong 60 hộ gia đình đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; mô hình của chị Nguyễn Ngọc Nhã ở ấp 4 xã Hưng Phước luôn tuân thủ quy trình canh tác hữu cơ do Công ty Nedspice đưa ra; mô hình của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Bình Phước tại xã Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập) đã chọn phát triển hồ tiêu hữu cơ để khởi đầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, từ năm 2013, Sở NN-PTNT tỉnh đã phối hợp với Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam triển khai thực hiện Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng hồ tiêu bền vững”. Chương trình được triển khai tại 6 huyện: Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản, Bù Đăng, Phú Riềng và Bù Gia Mập. Qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu ra thị trường quốc tế, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân trồng hồ tiêu hữu cơ.
Kế thừa và lan tỏa hiệu ứng tích cực của Chương trình Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững, hiện nay, đã có nhiều nông hộ chuyển đổi tư duy canh tác từ phương pháp truyền thống sang sản xuất tiêu hữu cơ, cho hiệu quả kinh tế cao.
“Thời gian tới, Bình Phước sẽ nâng cao chất lượng hạt tiêu, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn RA và hữu cơ, cụ thể: Chọn giống tốt, trồng mật độ thích hợp, chăm sóc đúng quy trình tạo hạt tiêu chắc, có dung trọng cao; đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh chế biến tiêu trắng và tiêu nghiền bột; phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu... Đây là hướng đi bắt buộc để đảm bảo sự phát triển bền vững”, ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước nhấn mạnh.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.