Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:41 GMT +7
Cũng giống như nhiều địa phương khác tại Bình Phước, huyện Bù Gia Mập có lợi thế về đất đai, khí hậu. HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Phước tại xã Đắk Ơ đã chọn phát triển hồ tiêu hữu cơ để khởi đầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với phương châm “đi xa đi cùng nhau”, nhờ hợp tác và liên kết chặt chẽ với Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam (Công ty Nedspice), với gần 100 thành viên, trong đó 29 thành viên với tổng diện tích gần 60ha hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ, toàn bộ các thành viên còn lại với diện tích hàng trăm ha cũng được duy trì sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững (RA).
Vào thời điểm HTX được thành lập, giá hồ tiêu trên thị trường xuống thấp, kèm theo đó là bệnh hại xảy ra trên diện rộng làm cho người trồng như “ngồi trên đống lửa” và đối mặt với việc trắng tay. Nhiều nông dân nghe nói đến hồ tiêu là nản nhưng Ban Giám đốc HTX nghĩ cần phải có hướng tháo gỡ và quyết tâm cùng nhau trồng hồ tiêu hữu cơ.
Ông Mai Hiền Huy, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Phước chia sẻ, trên cơ sở kinh nghiệm trồng hồ tiêu của nông dân, HTX đã tìm hiểu quy trình kỹ thuật trồng hồ tiêu hữu cơ và tập huấn cho các thành viên HTX. Điều quan trọng nhất đối với nông dân khi trồng hồ tiêu hữu cơ đó là phải tuân thủ quy trình và có sự giám sát chặt chẽ lẫn nhau. Đến nay, bà con trồng hồ tiêu hữu cơ đều đạt năng suất trên 4 tấn/ha.
Theo ông Huy, trước đây nông dân thường nghĩ bón nhiều phân, thuốc bảo vệ thực vật là tốt nhưng thực tế gây dư thừa, cây không hấp thụ hết và làm keo đất, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, sức khỏe.
"Chúng tôi tìm hiểu có những hộ mỗi năm bón tới 10kg phân bón các loại vào mỗi gốc hồ tiêu nhưng năng suất không cao, thậm chí vườn cây bị chết nhiều. Gia đình tôi trồng hồ tiêu hữu cơ nếu mỗi cây hồ tiêu cho 6 - 8kg hạt thì chỉ bón 2kg phân hữu cơ vi sinh nhưng tăng lượng nấm đối kháng để phân hủy những chất khó tiêu. Bây giờ thì nhiều nông dân đã thấy được lợi ích của việc trồng hồ tiêu hữu cơ và tham gia sản xuất vì “đầu vào phải ký kết và đầu ra được chứng nhận”, ông Huy kể.
Ông Huy cho biết, hiện HTX đã chuyển đổi toàn bộ sang dùng các sản phẩm phân bón hữu cơ và chế phẩm BVTV sinh học. Trước khi dùng, HTX đều kiểm tra kỹ lưỡng, sau đó mới cho phép đưa các sản phẩm vật tư vào canh tác nhằm đảm bảo mọi vườn đều đạt yêu cầu về canh tác hữu cơ và mọi nông hộ đều tuân thủ quy trình sản xuất.
“Chúng tôi đánh giá chung chứng nhận hữu cơ cho HTX chứ không phải từng nông hộ, nên khi người ta test trên 800 hoạt chất cấm, nếu một nông hộ nào đó trong quá trình test phát hiện ra hóa chất thì sẽ bị loại ngay, lúc đó cả HTX phải gánh chịu chung thiệt hại”, ông Huy nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Luận là một trong những nông dân đầu tiên của HTX tham gia trồng hồ tiêu hữu cơ và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết thêm, hiện gia đình ông có 4,5ha hồ tiêu đã được chứng nhận hữu cơ hơn một năm.
Theo ông Luận, mới đầu chuyển đổi tự túc, người dân gặp rất nhiều khó khăn, tiêu chết lên chết xuống, vấn đề đầu tư cũng cao. Tuy nhiên sau một thời gian, đất dần phục hồi, dinh dưỡng trong đất từng bước được nâng lên, cây tiêu sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, kháng bệnh tốt, năng suất ổn định.
“Trước đây khi sản xuất theo kiểu tự phát, manh mún, lạm dụng phân, thuốc hóa học, năng suất tiêu rất thất thường, năm nào thời tiết thuận lợi thì năng suất cao, còn không thì ngược lại. Nhưng khi canh tác hữu cơ thì năng suất rất ổn định, lúc đầu đạt khoảng 2,5 tấn/ha, càng về sau đất càng phục hồi, cho năng suất lên đến 4 - 4,5 tấn/ha”, ông Luận phấn khởi nói.
Theo ông Luận, để được kết quả trên, ngoài kinh nghiệm của bản thân, ông và các thành viên còn được HTX và cả phía Công ty Nedspice hướng dẫn, "cầm tay chỉ việc" từ chọn giống đến quy trình kỹ thuật. Người dân bước đầu tiếp nhận có đôi chút bỡ ngỡ, về sau khi nắm bắt được mọi kỹ thuật thì thấy lại rất nhàn, giá cả, lợi nhuận thu được khi sản xuất tiêu hữu cơ cao hơn rất nhiều so với sản xuất phụ thuộc vào phân, thuốc hóa học như trước đây.
“Tham gia HTX, mình được quyền bán ký gửi, công ty có thể trả trước mình 70% giá trị sản phẩm để có tiền kiến thiết vườn cây, mình thích chốt giá lúc nào thì chốt, rất an toàn. Ngoài ra, làm theo hướng này cây tiêu rất đạt năng suất, thu nhập vẫn cao hơn hẳn so với cây trồng khác”, ông Luận phấn khởi.
Mặc dù mới thành lập, hoạt động hơn 2 năm nhưng HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Phước bước đầu đã gặt hái những thành công trong sản xuất, kinh doanh. Năm 2022, HTX bán hơn 100 tấn hồ tiêu hữu cơ với giá cao, thu về hàng chục tỷ đồng.
“Sản lượng năm nay sẽ cao hơn năm ngoái khoảng 30% vì canh tác theo chuẩn hữu cơ mặc dù giai đoạn ban đầu năng suất sẽ giảm, nhưng càng về sau khi vườn đã ổn định thì sản lượng sẽ lại tăng dần hàng năm. Chúng tôi dự kiến vụ này sẽ đạt 150 - 160 tấn tiêu hữu cơ, tiêu theo tiêu chuẩn RA hiện được Công ty Nedspice thu mua với giá từ 58.000 - 59.000 đồng/kg.
Hồ tiêu hữu cơ của chúng tôi năm nay sẽ đạt giá trị tăng thêm từ 17.000 – 20.000 đồng/kg, đó là quyền lợi các thành viên được hưởng trực tiếp khi tham gia HTX”, ông Đinh Văn Trường, Phó Giám đốc HTX chia sẻ.
Ông Trường cho biết thêm, sau 2 năm được Công ty Nedspice hỗ trợ làm chứng nhận hữu cơ, hiện HTX đang tự làm hồ sơ để đánh giá làm chứng nhận hữu cơ. Mục tiêu của HTX là sau khi chứng nhận hữu cơ được công nhận, sẽ tìm thêm những đối tác khác để tăng tính cạnh tranh, đồng thời, nghiên cứu chế biến sâu sản phẩm giúp nâng cao chuỗi giá trị hạt tiêu và thu nhập cho các thành viên.
“Thực sự khi bắt tay làm hồ tiêu hữu cơ, điều chúng tôi nghĩ tới trước hết là vì chính sức khỏe của người sản xuất. Sau đó là phù hợp với xu hướng thị trường vì người tiêu dùng cần được sử dụng sản phẩm an toàn cho sức khỏe.
Lợi ích nữa là sự chênh lệch về giá giữa sản phẩm thông thường và sản phẩm hữu cơ giúp nâng cao thu nhập cho nông dân. Làm ra sản phẩm hữu cơ đã khó, giữ được khách hàng càng khó hơn và giữ được uy tín càng khó. Vì vậy, chúng tôi sẽ liên kết chặt chẽ với các thành viên HTX và thực hiện tốt công tác quản lý để phát triển”, ông Trường cho biết.
Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, liên kết để sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế đang là xu hướng của các hộ dân trồng tiêu. Do không sử dụng phân, thuốc hóa học nên chi phí sản xuất tiêu đã giảm đáng kể, giá bán lại cao hơn nhiều so với sản phẩm thông thường.
Đặc biệt qua quá trình sản xuất, nông dân cho biết canh tác hữu cơ đã góp phần bảo vệ sức khỏe cho mình do không còn phải tiếp xúc, sử dụng hóa chất. Đồng thời, nhờ áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ mà môi trường cũng trong lành hơn...
“HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Phước là mô hình sản xuất rất cần thiết nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Để phát triển hồ tiêu bền vững, mang lại năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường trong thời kỳ hội nhập, ngành nông nghiệp địa phương khuyến khích nông dân quan tâm, nhân rộng mô hình sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ, sinh học; phát triển các vùng nguyên liệu hồ tiêu bền vững, không chạy theo phong trào, đáp ứng các nhu cầu về liên kết với doanh nghiệp chế biến, bao tiêu sản phẩm....”, ông Trần Văn Phương khuyến nghị.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.