Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:46 GMT +7

  • Click để copy
Thứ tư- 10:30, 20/12/2023

Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ góp phần chuyển đổi nông nghiệp xanh

Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ sẽ ưu tiên khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có tại Việt Nam, giúp giảm phát thải.

Ngày 7/12, Bộ NN-PTNT đã có quyết định phê duyệt Đề án Phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Nhân sự kiện này, Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Huỳnh Tấn Đạt để làm rõ hơn những nội dung và ý nghĩa của Đề án này.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật. Ảnh: Bảo Thắng.

Tập trung trên 9 nhóm cây trồng chủ lực

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt nhiều đề án quan trọng liên quan tới tổ chức sản xuất, trong đó có việc phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Xin ông chia sẻ một số nội dung chính của Đề án này?

Vừa qua, Cục BVTV đã trình Bộ NN-PTNT phê duyệt Đề án Phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. 

Đề án được xây dựng nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có để sản xuất phân bón hữu cơ, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, cân đối dinh dưỡng vô cơ - hữu cơ để duy trì và nâng cao sức khỏe đất, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững để tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể đến năm 2030, sản phẩm phân bón hữu cơ được phép lưu hành chiếm khoảng 30%; công suất sản xuất phân bón hữu cơ đạt 5 triệu tấn; lượng phân bón hữu cơ sản xuất tại nông hộ đạt tối thiểu 20 triệu tấn; lượng phân bón hữu cơ công nghiệp chiếm khoảng 30% trong tổng lượng phân bón sử dụng trong sản xuất trồng trọt. Xây dựng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả trên 9 nhóm cây trồng chủ lực quốc gia, bao gồm lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn.

Ít nhất 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương; 100% số tỉnh, thành phố có cán bộ kỹ thuật được tập huấn và tổ chức tập huấn cho các cơ sở buôn bán, người sử dụng về sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm và hiệu quả.

Tận dụng rác thải hữu cơ chế biến làm phân bón hữu cơ sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Tận dụng rác thải hữu cơ chế biến làm phân bón hữu cơ sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Phát triển nông nghiệp xanh, giảm phát thải, xây dựng những mô hình nông nghiệp tuần hoàn là định hướng và chủ trương lớn của ngành nông nghiệp thời gian qua. Việc thực hiện Đề án Phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ có ý nghĩa như thế nào trong quá trình này?

Phân bón hữu cơ là một trong những vật tư nông nghiệp đầu vào hết sức quan trọng, mang tính quyết định đến sản xuất nông nghiệp xanh. Trong đó, phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ, vốn được khai thác và có nguồn gốc từ tài nguyên thiên nhiên. Việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ giảm thiểu sử dụng tài nguyên. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp ở nước ta năm 2020 đạt khoảng 156 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).

Đây là nguồn nguyên liệu có thể sử dụng làm phân bón hữu cơ, tạo ra giá trị lớn cho ngành nông nghiệp. Nếu tận dụng tốt nguồn phụ phẩm này và đưa chúng trở thành nguồn tài nguyên tái tạo, nghĩa là chúng ta đang thực hiện đúng chủ trương chung của Đảng, Nhà nước trong việc triển khai nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu. Thực hiện đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ vì thế có ý nghĩa rất lớn.

Việt Nam có tiềm năng phân bón hữu cơ lớn từ nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: TL.

Việt Nam có tiềm năng phân bón hữu cơ lớn từ nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, việc tăng cường sức khỏe đất cũng như khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có từ các phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản; áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ để sản xuất phân bón hữu cơ cũng góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao sức khỏe đất phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

"Sử dụng phân bón hữu cơ có thể được xem là một giải pháp kỹ thuật. Quá trình xây dựng, triển khai đề án về phân bón hữu cơ sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ phẩm và bảo vệ môi trường, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện với môi trường, hướng tới nền nông nghiệp xanh".

Ông Huỳnh Tấn Đạt.

Xây dựng các chuỗi liên kết sử dụng phân bón hữu cơ

Để triển khai một cách có hiệu quả Đề án, Cục BVTV sẽ tham mưu và đề xuất gì với Bộ NN-PTNT? Ngoài ra, công tác phối hợp với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?

Ngoài các nhiệm vụ đã được phân công cụ thể trong Đề án cho các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT tổ chức thực hiện như chính sách, khoa học kỹ thuật, áp dụng các mô hình tiên tiến, đa dạng hóa các loại phân bón, hay thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đảm bảo môi trường cho phân bón hữu cơ cạnh tranh lành mạnh; tuyên truyền, vận động người dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ..., Cục BVTV sẽ tham mưu Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án.

Đề án sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất phân bón hữu cơ thế hệ mới có chất lượng. Ảnh: TL.

Đề án sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất phân bón hữu cơ thế hệ mới có chất lượng. Ảnh: TL.

Trong đó, chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án với các chương trình mục tiêu quốc gia và các đề án của các bộ, ngành và địa phương khác có liên quan. Chỉ định các đơn vị có năng lực tham gia và tổ chức nghiên cứu về khoa học đối với các chương trình, dự án được phê duyệt. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai Đề án nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc và có phương án giải quyết để đạt được mục tiêu của Đề án.

Về phía địa phương, Cục BVTV sẽ đề nghị sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố căn cứ nội dung Đề án được phê duyệt để xây dựng kế hoạch thực hiện trên địa bàn phù hợp với thực tiễn. Xây dựng các chương trình, đề án, dự án trọng điểm phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của địa phương. Tăng cường công tác tập huấn để nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng phân bón hữu cơ, đổi mới phương thức tập huấn để hấp dẫn người tham gia.

Ngoài ra, triển khai xây dựng mô các mô hình sản xuất nông nghiệp có sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả gắn với chuỗi giá trị cho các phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương, hỗ trợ và tạo mối liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với nông dân. Cùng với đó, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các dự án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn.

Đối với các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan trong thực hiện Đề án, Cục BVTV sẽ tham gia đề xuất, tư vấn, phản biện cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư, nâng cao trình độ, công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao; xây dựng và triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc phân bón, nâng cao khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Xin cảm ơn ông!

Thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ sẽ góp phần quan trọng cho định hướng xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường. Ảnh: TL.

Thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ sẽ góp phần quan trọng cho định hướng xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường. Ảnh: TL.

"Cục BVTV cam kết đẩy mạnh xây dựng, tổ chức áp dụng các mô hình, chuỗi liên kết hiệu quả trong sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ; tổ chức truyền thông, hội nghị, hội thảo, tập huấn, khuyến khích nông dân tham gia sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, chuỗi liên kết sản xuất phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương.

Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ thế hệ mới, hiệu quả, chất lượng cao gắn liền với nguồn nguyên liệu sẵn có của Việt Nam; cải thiện, nâng cao chất lượng hệ thống phân phối nhằm cung cấp tại chỗ, giá thành hợp lý. 

Cục BVTV sẽ nghiên cứu, đề xuất nâng cao các phương pháp thử, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các phòng khảo, kiểm nghiệm... để kiểm soát tốt những loại phân bón mới, trong đó có phân bón hữu cơ". 

Ông Huỳnh Tấn Đạt.

Bảo Thắng

(Thực hiện)

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm