Chủ nhật, 05/01/2025 | 05:27 GMT +7
Nhà bà Phạm Thị Hiền ở xã Đồng Lương (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) nhỏ bé, xây đúng kiểu truyền thống với hai gian một chái. Khách đến phải lách khéo qua đám tằm đang bò lổm ngổm trên nền nhà, chẳng có chỗ mà ngồi uống nước đành phải ngồi ngoài hiên.
Bà Hiền đơn thân, năm nay 65 tuổi, nặng chỉ 41kg nhưng trồng 4.000m2 nương sắn để mỗi lứa mua 2 - 3 gói trứng tằm 20 - 30gram về nuôi, tạo ra nguồn thu mỗi tháng từ 1 - 2 triệu đồng. Cũng như nhiều người dân khác ở địa phương, trước đây bà vốn là công nhân trồng chè nhưng trời nóng chè không có búp, rét cũng không có búp, chỉ từ tháng 5 - 9 mới cho lá non, hái mỏi cả tay mà thu nhập chẳng được bao nhiêu, thua lỗ nên phải phá hết chè đi để trồng sắn nuôi tằm. Mới đây, bà còn lắp hẳn cái camera trước hiên nhà, chẳng phải để canh trộm vì nhà có của nả gì đâu, mà chủ yếu để theo dõi mọi biến động của lũ tằm lúc mình vắng mặt.
Tôi hỏi gầy yếu thế tại sao vẫn nuôi tằm thì bà Hiền cười xòa, trả lời bằng một ví dụ sinh động rằng trong xã có bà Ngô Thị Học năm nay 75 tuổi, nặng chỉ 28kg cũng vẫn nuôi được, kiếm được. Mình bà Hiền làm các công việc trong hầu hết các tuổi của tằm, chỉ khi chúng ăn rỗi thì con trai mới sang phụ giúp đôi chút.
Con trai bà là anh Nguyễn Phi Hùng cũng đang có 5.000m2 nương trồng sắn, mỗi lứa nuôi 5 gói trứng tằm. Vợ anh đi làm công ty, chiều về hái đỡ chồng ít lá sắn, 2 con đi học, lúc rảnh cũng cho tằm ăn đỡ bố mẹ. Xưa họ dành 1 gian nhà và 1 gian bếp để nuôi 30 nong tằm, mùi phân hôi nồng, mùi nước đái khai khẳn, mùi tằm chết tanh thối rất khó chịu.
Đã thế việc đi lại của các thành viên trong gia đình còn bị cản trở do đụng đâu cũng vấp phải tằm. Bởi thế mới rồi anh đã đầu tư 30 triệu đồng làm nhà tằm riêng ở ngoài hiên, nền láng xi măng, mái lợp tôn lạnh. Nhờ đó mỗi năm anh nuôi được tới 20 lứa gối nhau cách 7 ngày, tuần nào cũng xuất bán 60 - 70kg tằm thương phẩm, tháng nào cũng thu được khoảng 5 - 6 triệu đồng. “Nếu đi làm công ty thì gò bó về thời gian không làm được gì cả. Nuôi tằm tôi lại nấu cơm cho con, nuôi được gà để cải thiện, thêm đồng ra đồng vào”, anh Hùng kể.
Anh Nguyễn Đức Hà ở Vạn Thắng (cùng xã Đồng Lương) cho biết, khu mình có hơn 170 hộ thì khoảng 80% nuôi tằm, hộ quy mô lớn nhất mỗi lứa mua 20 gói trứng như Nguyễn Đình Mạnh, Nguyễn Thanh Tường, Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Thị Hồng Đoan; hộ trung bình mỗi lứa mua 5 - 6 gói trứng như nhà anh. Trước, anh Hà dành cả tuổi thanh xuân lăn lộn trong Nam đến năm 2016 bố mất mới về quê chăm mẹ già và năm 2018 thì bắt đầu nuôi thử 1 - 2 gói trứng tằm sắn, trước để làm thức ăn, sau dư ra để bán.
Thấy nghề này vốn ít, rủi ro không nhiều nên anh mới đầu tư 60 triệu đồng để làm 170m2 chuồng nuôi tằm, đồng thời trồng 2ha sắn để lấy lá. Vì không có sâu nên nương sắn không phải phun thuốc BVTV bao giờ. Vợ anh làm hợp đồng thời vụ cạo mủ cho công ty cao su, tháng được 6 triệu đồng nhưng trước khi đi làm sáng vẫn tranh thủ 2 tiếng lên đồi hái lá sắn, chiều về lại lên đồi tiếp.
Trong thời điểm 4 ngày tằm ăn rỗi, 1kg tằm cần 4kg lá sắn, tương đương gia đình anh cần 400 - 500kg lá sắn mỗi ngày. Nếu không hái kịp họ phải thuê người với công 250.000đ cộng một bữa cơm trưa. Còn khi tằm ở độ tuổi nhỏ cũng khá nhàn vì mỗi ngày chỉ cần vài chục kg lá sắn, hái độ 1 giờ là xong.
Suốt quá trình nuôi tằm dưới nền nhà không cần phải dọn phân như nuôi tằm trên nong như xưa nên mỗi năm anh nuôi gối nhau được 15 - 17 lứa, mỗi lứa bình quân 120 - 150kg, bán với giá 60 - 70.000đ/kg. Con tằm đã tạo ra thu nhập cho anh khoảng 12 triệu/tháng, trong đó 60 - 70% là lợi nhuận.
“Trước đây khi còn ở trong Nam tôi chỉ đạo 120 - 150 công nhân đi làm công trình, lương 40 - 50 triệu đồng/tháng nhưng giờ đây về quê "chỉ đạo" 3 vạn con tằm mỗi lứa. Cái giống này nó sạch lắm, lá sắn không có thuốc sâu đã đành mà gần khu vực nuôi còn tuyệt đối không dùng thuốc muỗi hay bất cứ hóa chất nào khác bởi sẽ khiến chúng bỏ ăn, xì nước rãi, phù thân. Ngay cả việc thắp hương trong nhà cũng hạn chế mà tốt nhất là không được thắp”, anh Hà giải thích như thế khiến cho tôi càng thêm bất ngờ vì một con vật tưởng quen mà lại rất lạ này.
Cũng theo anh, tằm hễ bám bẩn hay bụi là nhiễm nấm. Hễ ăn lá dính sương là đi ngoài. Khi bị bệnh phù nề thì chỉ chữa bằng cách… thả xuống ao làm thức ăn cho cá. Lúc nhỏ người ta nuôi tằm trên nong, gác trên giá, dưới chân để bát nước để tránh các loại côn trùng khác như gián, thạch sùng, kiến vàng bò lên ăn, thậm chí còn phải mắc màn để che. Tằm ăn 2 ngày ngủ thì 1 ngày rồi lột xác 1 lần. Cứ 3 lần lột xác, đến ngủ lần 2 dậy thì cho xuống nền mà nuôi.
Nhà nào có nhân công nuôi được nhiều lứa gối nhau thì ngày nào cũng có tằm nở, có tằm con, có tằm chín bán, thu tiền nhanh quên cả mệt. 2ha sắn nhà anh lắm lúc khai thác hết công suất, phải bẻ cả lá ngọn, nhiều nhựa, ăn khó tiêu khiến lũ tằm lâu chín hơn.
Tháng 11 âm, lúc sắn trên nương đã lụi, dân làng phải hái lá thầu dầu ve về cho tằm ăn để giữ vòng đời của chúng. Thầu dầu ve càng rét hại lá càng tốt, ngược lại với cây sắn. Bởi thế mà mùa đông người nuôi tằm cứ đi dọc các bờ sông, xuống đến tận thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội) cách 50 - 60km để hái lá thầu dầu ve. Khi thiếu, họ còn cho cả lá đu đủ, lá chuối, củ sắn xắt thành sợi nhỏ để nuôi chúng. Nhà nào giữ được giống, đầu vụ, tháng 3, tháng 4 có những lúc giá tằm lên tới 150.000đ/kg thì cầm chắc thu lãi lớn.
Chị Vi Thị Thu Hương - Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) cho biết, trên địa bàn có những xã nuôi tằm sắn như Điêu Lương, Văn Khúc, Thụy Liễu, Yên Dưỡng. Tiềm năng kinh tế của nghề này rất lớn nhưng để nâng cao được giá trị, Nhà nước cần phải quan tâm đến sản phẩm dệt may từ tơ tằm sắn chứ không chỉ là để dân bán kén thô như hiện nay. Ngoài ra, nhu cầu về vốn của các hộ nuôi tằm cũng rất nhiều, cần phải được hỗ trợ.
ĐỒNG THÁP Canh tác lúa sinh thái không chỉ giảm thiểu tác động từ hóa chất nông nghiệp mà còn tận dụng lợi thế của mùa nước nổi để tái tạo hệ sinh thái đồng ruộng.
HÀ NỘI Người mê nhảy dù ở Hà Nội không lạ gì đồi Bù của xã Nam Phương Tiến bởi thỏa thích ngắm màu vàng của những vườn bưởi chín xen màu xanh của những vườn rau…
NGHỆ AN Biết cách đánh thức tiềm năng của đất thông qua mô hình nông nghiệp hữu cơ, anh Nguyễn Văn Thành đã tạo nên khác biệt lớn tại khắp các vùng rau màu của Nghệ An.
TIỀN GIANG Ruồi lính đen là giải pháp thiết thực cho cả ngành trồng trọt và ngành chăn nuôi, đặc biệt là xu hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ ngày càng cao.
TIỀN GIANG Do đang vận hành thử nghiệm nên nhà máy chỉ hoạt động khoảng 60% công suất, thu hồi từ 30 - 50% (30 tấn) nguyên liệu thô mỗi ngày.
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.
SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.