Thứ sáu, 17/05/2024 | 11:08 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 17:54, 05/12/2023

Làng tằm sắn doanh thu 60 tỉ đồng/năm

PHÚ THỌ Chẳng cần phải có các chứng nhận phức tạp gì thì tằm sắn đã là một vật nuôi vô cùng hữu cơ rồi...

Loài vật yêu cầu sạch đến mức khó tin

Tằm rất nhạy cảm, chỉ cần rửa tay bằng xà phòng không kỹ, bốc lá sắn cho ăn là chết. Đi đám ma về mà không thay quần áo vào cho ăn cũng chết.

Cái màn phun thuốc muỗi từ 5 - 7 năm trước, đã giặt đi giặt lại nhiều lần rồi mà cắt ra để cho ngài (con tằm đã hóa thành bướm) đẻ là chúng cũng rụng hết.  Anh Trương Văn Chí - trưởng làng nghề nuôi và sản xuất trứng tằm Thống Nhất ở xã Đồng Lương (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) kể với tôi như thế.

Anh Trương Văn Chí đang kiểm tra những xâu kén làm giống. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Anh Trương Văn Chí đang kiểm tra những xâu kén làm giống. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Chị Vi Thị Thu Hương - Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cẩm Khê gật đầu xác nhận điều này nên tình nguyện ở bên ngoài nhà tằm vì bản thân có sức chút nước hoa, sợ ảnh hưởng đến vật nuôi nhạy cảm này. Có lẽ bởi thế mà chẳng cần phải các chứng nhận phức tạp gì thì tằm sắn đã là một vật nuôi vô cùng hữu cơ rồi, từ nguyên liệu đầu vào là lá sắn không hóa chất đến suốt quá trình chăm sóc nếu có khử khuẩn cũng chỉ là vôi bột mà thôi.

Anh Nguyễn Văn Thuận - trưởng khu dân cư Dộc Ngoãn (xã Đồng Lương) kể trong nghề sản xuất trứng tằm sắn này, có những người làm lâu năm nhưng không rõ đặc tính của con vật, không chịu đầu tư máy móc, thiết bị thì cũng không thành công. Anh Chí tuy vào nghề cuối cùng nhưng lượng khách đông và tạo được uy tín lớn, bán mỗi năm tới 6 - 7 tạ trứng.

Trước anh Chí vốn làm nghề mổ lợn, chỉ bắt đầu bước vào sản xuất giống tằm sắn từ năm 2011. Ngày nào anh cũng nhập giống về dưới dạng kén với giá 100 - 150.000đ/kg, phân loại những cái mỏng, nhẹ, bé ra để cắt lấy nhộng bán, còn kén nào khỏe thì để lại, xâu thành từng dây treo lên sào. Con giống được tuyển chọn từ các tỉnh miền núi như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu về cộng với những con tằm bản địa để tạo ra các thế hệ tằm “tươi máu” và có sức đề kháng với bệnh tật.

Đủ ngày đủ tháng là tằm hóa thành ngài. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đủ ngày đủ tháng là tằm hóa thành ngài. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh dẫn tôi vào trong nhà tằm để chứng kiến những con bướm màu nâu, to lớn lạ thường đang bay dập dờn trong vũ điệu yêu đương, chuẩn bị cho màn “dèo” (giao phối). Tằm nóng không chịu được, khô cũng không chịu được nên nhà nuôi ngoài phải có mái lá cọ dày để cách nhiệt, 2 năm trước anh còn đầu tư 200 triệu đồng trang bị hệ thống két nước và quạt hút gió để luôn duy trì nhiệt độ cỡ dưới 32 độ C và độ ẩm ở mức 80 - 90%.

Đủ ngày đủ tháng tằm hóa thành ngài, tự cắn vỏ kén chui ra, tự bắt cặp. Bình thường ngài đực có thể giao phối với ngài cái trong vòng 24 tiếng nhưng nếu đàn bị thiếu đực thì anh Chí có thể cho chúng giao phối 2 lần tới 48 tiếng. Các công nhân thường xuyên phải bắt những con đang “dèo” nhau ra phòng riêng, còn con nào chưa “dèo” thì để chúng tự ghép đôi. Hễ bị dứt ra khỏi nhau, ngài đực lại tiếp tục bay đi tìm ngài cái khác để “dèo” tiếp nên nhà tằm lúc nào cửa cũng phải đóng kín, còn ngài cái mang bụng trứng nặng lặc lè nên chẳng thể bay được.

Chẳng thế mà trước đây có người đi thu mua ngài về bào chế thuốc yếu sinh lý cho người, bán mấy trăm ngàn/kg nhưng dạo này không thấy mua nữa nên ngài đực sau khi khai thác giống chỉ để nuôi cá. Còn ngài cái người ta cắt cánh để chúng khỏi làm vấy bẩn trứng rồi để chúng lên cầu đẻ, xong gỡ ra bán. Với giá 8 - 10 triệu đồng/kg trứng nên chỉ cần sơ sẩy, để hỏng một vài ngày là chủ xưởng mất ngay vài trăm triệu đồng.

Anh Trương Văn Chí đóng gói trứng tằm để gửi cho khách hàng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Trương Văn Chí đóng gói trứng tằm để gửi cho khách hàng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gửi hàng đi xuyên Việt

Tối hôm đó tôi ngủ lại nhà trưởng làng nghề, sáng dậy đã thấy anh Chí lúi húi bên những mẹt trứng tằm hăng hăng, nồng nồng để cân rồi chia thành từng gói nhỏ 10gram. Gói thì gửi xe ngày đi tỉnh Hà Giang, gói thì gửi xe đêm đi tỉnh Bình Dương. Những khi vận chuyển xa anh đều phải ép bẹ chuối tươi vào 2 mặt của gói trứng tằm cho khỏi bị nóng rồi mới gửi xe bưu điện, nếu gửi xe khách có điều hòa thì yên tâm hơn.

“Đau nhất của nghề sản xuất giống tằm là bán trứng rồi lại bị khách trả lại. Mỗi nhà của làng nghề có hệ thống khách quen riêng, kể cả khách ở trong Nam khi giống gặp sự cố vẫn phải đổi hàng như thường. Muốn tạo dựng được uy tín thì giống của mình phải chuẩn thì nói khách mới nghe, còn kém thì bị "bóc phốt" ngay.

Ngoài bán trực tiếp, tôi còn bán trên facebook, youtube nhưng cũng toàn là khách quen cả, trong đó có 30 người lấy buôn, còn người lấy lẻ không tính xuể. Năm nhiều tôi lãi được 500 - 600 triệu đồng, năm ít lãi được 200 - 300 triệu. Thời Covid-19 chính ra lại bán chạy nhất vì người dân phải ở nhà nên nuôi tằm nhiều, bán được giống nhiều, nhất là hình thức qua mạng”, anh Chí tâm sự.

Cận cảnh trứng tằm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh trứng tằm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm 2018, làng nghề nuôi và sản xuất trứng tằm Thống Nhất (xã Đồng Lương) được công nhận với 11 hộ sản xuất trứng, 26 hộ nuôi tằm, hiện còn 7 hộ sản xuất trứng nhưng số hộ nuôi tằm lại phình lên 150. Cũng từ năm 2018, anh Trương Văn Chí được bầu làm trưởng làng. Tôi hỏi vào làng nghề các hộ có được chế độ gì không. Anh trả lời, dù từng có đề nghị nhưng chưa có hỗ trợ gì về vật chất mà chỉ thuần túy động viên về mặt tinh thần.

Vụ tằm giống kéo dài 7 - 8 tháng của năm, mỗi gia đình trung bình sản xuất được 500kg trứng nên 7 cơ sở sẽ được 3,5 tấn, nhân với giá trung bình 8 triệu đồng/kg là xấp xỉ 30 tỉ đồng. Sản xuất tằm làm thực phẩm của làng nghề cũng khoảng 7 - 8 tháng của năm, mỗi ngày xuất 1,5 tấn, bán trung bình 80.000đ/kg là xấp xỉ 30 tỉ đồng nữa. Có những hộ thu nhập từ nghề nuôi tằm thực phẩm đạt tới 200 - 300 triệu đồng/năm như nhà Bích - Tới, Nhất - Thảo…, trong đó tỷ lệ lợi nhuận khoảng 80%.

“Gà nuôi 90 ngày mới thu được tiền, lợn phải 100 ngày mới thu được tiền nhưng tằm nếu nuôi 1 lứa thì 15 ngày đã thu được tiền, nếu nuôi gối cứ 3 ngày đã thu 1 lứa. Không thu không được vì cứ tằm chín là phải bán thôi. Trứng tằm mùa hè sau 7 ngày là nở, còn mùa đông phải sau 15 ngày mới nở. Nếu 1kg trứng mà nuôi tốt thì được 2 tấn tằm thương phẩm. Bởi thế, không có con gì nuôi nhanh bằng, lãi nhanh bằng tằm. Bí quyết để thành công là giống tốt và môi trường tốt”, anh Chí đúc kết.

Nuôi tằm làm thực phẩm ở xã Đồng Lương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nuôi tằm làm thực phẩm ở xã Đồng Lương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn anh Vi Tiến Cường - Chủ tịch UBND xã Đồng Lương (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) cho biết, bình quân thu nhập đầu người của địa phương hiện trên 50 triệu đồng/năm và xã đang phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao. Trước đây trên địa bàn người dân chủ yếu trồng bạch đàn với chu kỳ 5 năm, khai thác bán gần 100 triệu đồng/ha, tương đương chưa được 20 triệu/ha/năm.

Từ hồi người dân chuyển đổi sang trồng sắn lấy lá nuôi tằm, thu hoạch 200 triệu/ha/năm, gấp tới 10 lần. Sau năm đầu tiên hái lá, người ta chặt thân sắn đi, để lại gốc cho lên chồi để lấy lá tiếp, hết năm thứ hai thì đào củ bán để làm thức ăn chăn nuôi. Ước tính cả xã hiện có khoảng 300 lao động tham gia vào nuôi tằm sắn.

Để phát triển nghề nuôi tằm sắn một cách bền vững ở Đồng Lương cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Thứ nhất là quy hoạch nguyên liệu vùng trồng sắn sao cho ổn định bởi trong 50ha thì khoảng 30ha vẫn là đất mượn của Công ty Vạn Thắng bỏ hoang sau dự án nuôi bò không thành. Thứ hai là tằm thực phẩm chưa có thương hiệu, vẫn chỉ là bán thô chứ chưa đóng gói, chế biến hay tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP để có thể bán vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch được…

Dương Đình Tường

Chiến khu xưa chuyển mình sang sản xuất hữu cơ

Chiến khu xưa chuyển mình sang sản xuất hữu cơ

ĐỒNG NAI Do nhu cầu về nông sản an toàn ngày càng tăng cao, không ít nông dân xã Phú Lý đã ý thức chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hướng hữu cơ.

Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, đặt nền móng cho sản xuất hữu cơ

Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, đặt nền móng cho sản xuất hữu cơ

NGHỆ AN Nâng cao năng suất, chất lượng, cây lúa chống chịu sâu bệnh tốt, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái là những giá trị mà mô hình áp dụng IPHM mang lại.  

Những vườn bưởi tiền tỷ ở vùng đất gò đồi

Những vườn bưởi tiền tỷ ở vùng đất gò đồi

QUẢNG BÌNH Nhờ canh tác trồng bưởi theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, nhiều hộ dân có thu nhập tiền tỷ từ vùng đất gò đồi trước đây sản xuất kém hiệu quả.

Xây dựng chuỗi liên kết, chìa khóa để nông nghiệp hữu cơ cất cánh

Xây dựng chuỗi liên kết, chìa khóa để nông nghiệp hữu cơ cất cánh

Việc xây dựng các chuỗi liên kết đóng vai trò quan trọng, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Mô hình cá - lúa: Lúa sạch, cá ngon nhưng vì sao khó mở rộng?

Mô hình cá - lúa: Lúa sạch, cá ngon nhưng vì sao khó mở rộng?

BẮC GIANG Chiếc chài trong tay ông Vũ từ từ kéo lên, trong đó mấy con chép, trôi của vụ lúa cá trước giãy ầm ầm. Chọn lấy ba con to nhất ông đem về đãi khách.

Nông dân xứ Lạng chưa mặn mà sản xuất rau hữu cơ

Nông dân xứ Lạng chưa mặn mà sản xuất rau hữu cơ

Hiện nay, nông dân tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa mặn mà với việc chuyển đổi và mở rộng diện tích trồng rau hữu cơ do chi phí sản xuất lớn, tiêu thụ khó khăn.

Xem Thêm