Thứ năm, 12/12/2024 | 08:13 GMT +7
Trước thời cơ là thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam ngày càng rộng mở, nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ thân thiện môi trường đã đem lại giá trị hàng hóa lớn, cho thu nhập cao. Năng lực sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cũng ngày càng được nâng cao, hàng hóa nông sản của Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu, có mặt tại thị trường hơn 185 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các Hiệp định thương mại lớn, là cánh cửa rộng mở để hàng hóa Việt Nam đi vào nhiều thị trường quốc tế. Đồng thời, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền tảng tích hợp công nghệ, số hóa là cơ hội để đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao với sản xuất quy mô hàng hóa.
Theo đó, trong thời gian tới đây Ninh Thuận sẽ thúc đẩy, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, lấy doanh nghiệp làm hạt nhân của các mối liên kết; khuyến khích hộ nông dân, trang trại, HTX trên địa bàn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; áp dụng công nghệ vào công tác quản lý sản xuất theo hướng truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, hình thành thương hiệu, phát triển thị trường.
“Chúng tôi xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập. Là giải pháp hiệu quả trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ vào nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận chia sẻ.
Ông Cương cho rằng, chính điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng quanh năm là lợi thế để ngành nông nghiệp Ninh Thuận phát triển theo hướng công nghệ cao. Ninh Thuận còn là địa phương nhiều thuận lợi trong giao thông để kết nối tiêu thụ hàng hóa; tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đào tạo phát triển nguồn nhân lực…
“Đặc biệt, 2 tiểu dự án phát triển thủy lợi, giao thông nội đồng phục vụ vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Ninh Thuận, như tuyến giao thông Thành Sơn - Phước Nhơn và Nhơn Hải - Thanh Hải cùng hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, Sông Cái, Sông Than, Kiền Kiền là công trình liên thông các hồ chứa sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ giải quyết được tình trạng thiếu nước tưới, đây là cơ hội để ngành nông nghiệp Ninh Thuận phát triển”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận minh họa.
Để thực hiện mục tiêu nói trên, ngay từ bây giờ Ninh Thuận đã tập trung nguồn lực, thu hút đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tích hợp quy hoạch khu và vùng nông nghiệp công nghệ cao vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển của ngành.
Theo đó, Ninh Thuận sẽ xây dựng mỗi huyện có từ 1 - 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lựa chọn từ 3 - 5 vùng có điều kiện thuận lợi gắn với phát triển các sản phẩm đặc thù để lập các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu; các tổ chức, cá nhân đầu tư trong vùng nông nghiệp công nghệ cao được hưởng các ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai và xây dựng cơ sở sản xuất, dịch vụ và các ưu đãi khác do tỉnh quy định.
Những cây trồng được Ninh Thuận ưu tiên phát triển trong lộ trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao là các cây trồng chủ lực, đặc thù của địa phương như nho, táo, tỏi, măng tây xanh, nha đam và một số cây trồng có tiềm năng phát triển theo nhu cầu thị trường như hành, tỏi, cà chua, dưa lưới, dưa lê, dưa leo, bí đậu, hoa, bưởi da xanh.
Các loại vật nuôi chủ lực được “điểm danh” trong lộ trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Ninh Thuận là bò, dê, cừu, gà. Đàn heo thì Ninh Thuận chỉ phát triển các trại nuôi đảm bảo điều kiện theo quy định của tỉnh theo từng giai đoạn, giới hạn sản lượng heo hơi không quá 65% tổng sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm toàn tỉnh. Ninh Thuận cũng ưu tiên các cơ sở chăn nuôi áp dụng công nghệ điều khiển tự động hóa trong chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi, tuần hoàn tái sử dụng nước; công nghệ vi sinh thế hệ mới; chế phẩm vi sinh vật đạt tiêu chuẩn quốc tế…
Về lĩnh vực thủy sản thì Ninh Thuận ưu tiên tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá biển; ưu tiên công nghệ điều khiển tự động hóa trong quản lý môi trường và chăm sóc vật nuôi; công nghệ sinh học tổng hợp; công nghệ vi sinh thế hệ mới; chế phẩm vi sinh vật đạt tiêu chuẩn quốc tế và công nghệ nuôi vùng biển sâu.
Trong thời gian tới, Ninh Thuận sẽ tập trung nghiên cứu, ứng dụng ưu thế lai để tạo ra các giống cây trồng đặc thù có tiềm năng chiếm lĩnh thị trường với các đặc tính ưu việt, phù hợp điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng của tỉnh. Ví như các giống nho, táo, măng tây xanh, dưa lưới, hành, tỏi. Ninh Thuận cũng đồng thời cải tạo chất lượng giống đàn bò, dê, cừu, heo bản địa. Nghiên cứu sản xuất các giống tôm bố mẹ, giống cá biển và 1 số giống hải đặc sản khác.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận: “Trong công tác giống, Ninh Thuận ưu tiên công nghệ sinh học tổng hợp; công nghệ sinh học phân tử; công nghệ vi sinh thế hệ mới; nuôi mô tế bào chất lượng cao quy mô công nghiệp; thuốc điều hòa sinh trưởng cho cây trồng; kích dục tố thủy sản thế hệ mới đạt tiêu chuẩn quốc tế…”.
ĐẮK NÔNG Từ nhiều năm nay, vườn tiêu của ông Hùng luôn đạt chuẩn hữu cơ do Tổ chức Control Union Hà Lan tại Việt Nam thẩm định, được thu mua giá cao hơn thị trường 25%.
HÀ TĨNH Những ngày này, làng nghề sản xuất mật mía ở xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đang ngày đêm đỏ lửa nấu mật phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Làm sao để đồ xôi thơm ngon, dẻo, hạt xôi căng bóng như ngoài hàng? Bạn nhất định phải 'bỏ túi' một số bí quyết dưới đây!
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.