Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:16 GMT +7
Đầu năm 2022, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành đề án đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.
Công cuộc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Ninh Thuận được triển khai trong bối cảnh khó khăn bủa vây, cây trồng luôn bị thời tiết cực đoan uy hiếp, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư còn hạn chế; cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao từ các thành phần kinh tế tư nhân không thực hiện được. Tuy vậy, trải qua mới chỉ 2 năm mà “bức tranh” nông nghiệp của Ninh Thuận đã đậm màu tươi sáng.
Sau 2 năm đi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp của Ninh Thuận đã phát triển khá toàn diện cả về quy mô, năng suất, chất lượng. Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng. Giá trị sản xuất, tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ cao tăng lên rõ rệt. Một số sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận từng bước khẳng định lợi thế cạnh tranh, thương hiệu và thị trường; bước đầu hình thành một số cánh đồng lớn, vùng chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hiện giá trị nông nghiệp công nghệ cao ở Ninh Thuận ước đạt khoảng 938 triệu đồng/ha, riêng dưa lưới và nho công nghệ cao đạt hơn 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Đến nay, UBND tỉnh Ninh Thuận đã công nhận 3 vùng sản xuất đáp ứng tiêu chí là vùng nông nghiệp công nghệ cao; diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiện đạt 565ha, trong đó có 4 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao.
“Trong những năm qua, Ninh Thuận đã thu hút được 6 doanh nghiệp ngoài tỉnh có quy mô lớn làm hạt nhân trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và có 38 dự án nông nghiệp công nghệ cao hoạt động có hiệu quả. Đến nay, Ninh Thuận đã có 2 sản phẩm xuất khẩu là tôm sú giống bố mẹ và thạch nha đam”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận chia sẻ.
Cũng theo ông Cương, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết tiêu thụ sản phẩm trong những năm qua được Ninh Thuận rất chú trọng, nhiều mô hình liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà khoa học sản xuất theo hướng hàng hóa bước đầu hình thành và phát huy hiệu quả.
Theo ông Đặng Kim Cương, sau 2 năm triển khai, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Ninh Thuận tăng bình quân 32,31%/năm, đóng góp vào giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp tỉnh năm 2023 là 13,16%.
Trong những thành tựu về nông nghiệp công nghệ cao Ninh Thuận đã đạt được, nổi bật là việc xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước. Tính đến nay, trên địa bàn Ninh Thuận có 27 doanh nghiệp sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao; 100% cơ sở sản xuất tôm giống được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; 100% cơ sở được giám sát an toàn dịch bệnh, trong đó có 12 cơ sở được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh.
“Hầu hết các thành viên của Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận đều sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận” trên nhãn mác để truy xuất nguồn gốc, quảng bá thương hiệu và khẳng định uy tín tôm giống Ninh Thuận trên thị trường. Năm 2023, sản lượng tôm giống ở Ninh Thuận đạt 41 tỷ con post, chủ động một phần nguồn tôm bố mẹ trong sản xuất giống theo yêu cầu của thị trường”, ông Đặng Kim Cương cho hay.
Theo ông Võ Quang Lãm, Phó Giám đốc Sở KH-CN Ninh Thuận, nông nghiệp công nghệ cao ở Ninh Thuận tập trung phát triển khoa học công nghệ trong đổi mới cây trồng. Ngành chức năng Ninh Thuận bắt đầu từ việc tham mưu xây dựng, triển khai các chính sách đã ban hành, đồng thời gắn các chính sách để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Cùng lúc, Ninh Thuận thúc đẩy việc chuyển giao ứng dụng các mô hình, quy trình sản xuất, các loại giống cây trồng mới… thông qua các chương trình, đề tài, dự án. Một vấn đề khác mà Ninh Thuận cũng đang đau đáu là thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất thông qua các chương trình truy xuất nguồn gốc, các hệ thống quản lý tiên tiến từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ; thông qua việc ứng dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến theo quy chuẩn GAP của quốc gia, hướng tới tiêu chuẩn GlobalGAP…
“Trong thời gian tới, Ninh Thuận sẽ không chỉ tập trung đào tạo nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp; mà còn tổ chức tập huấn trên diện rộng để bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nắm vững về kỹ thuật sản xuất, quy trình tổ chức quản lý trong thời điểm thương mại số phát triển như hiện nay”, ông Võ Quang Lãm chia sẻ.
Theo ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ có từ 3 - 5 vùng được công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh đạt trên 1.000ha. Hình thành 2 - 3 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thu hút ít nhất 2 doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc doanh nghiệp có quy mô lớn hoạt động lĩnh vực nông nghiệp làm hạt nhân và có ít nhất 30 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động có hiệu quả.
“Chúng tôi sẽ lựa chọn, ưu tiên phát triển gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc thù của tỉnh hướng đến xuất khẩu, phấn đấu có ít nhất 1 sản phẩm được xuất khẩu, nhất là các sản phẩm từ cây nho”, ông Trịnh Minh Hoàng chia sẻ.
ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.
Bò sốt tiêu đen là món ăn thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng, xin mách bạn công thức chế biến món bò sốt tiêu đen vô cùng đậm đà ngay tại nhà nhé.
Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đề xuất Bộ NN-PTNT cho phép xã hội hóa các chương trình đào tạo về nông nghiệp hữu cơ.
HÀ TĨNH Sau khi tham gia chương trình OCOP, doanh số bán hàng của các sản phẩm tăng bình quân 40% so với trước khi tham gia chương trình.