Thứ hai, 02/12/2024 | 11:38 GMT +7
Nằm cách trung tâm huyện Vân Đồn khoảng chừng 10km, xã Vạn Yên ẩn mình giữa những cánh rừng và đồi núi trập trùng. Với nguồn không khí trong lành và điều kiện thổ nhưỡng lý tưởng, cây cam nơi đây nức lòng du khách gần xa bởi hương vị thơm ngon khó cưỡng.
Vào thời điểm này, những cây cam đang trong độ chín vàng, phủ sắc vàng óng ả trên khắp các sườn đồi, khe suối. Tìm về thôn 10/10, nơi sở hữu diện tích cam lớn nhất của xã Vạn Yên, chúng tôi gặp bà Lê Thị Bảy, người đã gắn bó hơn 20 năm với nghề trồng cam.
Đón tiếp chúng tôi với nụ cười tươi và hiền hậu, bà Bảy đưa đi tham quan những vườn cam trĩu quả của gia đình mình. Trên quả đồi rộng lớn với hàng nghìn gốc cam, cây nào cây nấy lúc lỉu quả. Trong không gian bao la, khoáng đạt của núi rừng, những trái cam vàng óng như đang tô điểm, góp phần tạo nên vẻ đẹp rực rỡ của thiên nhiên.
“Cây cam tại Vạn Yên sinh trưởng rất tốt, cây nào cũng trĩu quả. Thậm chí đối với những cây cam sai quả, tôi phải dùng cọc gỗ để chống, néo, đề phòng gió làm đổ, gãy cây. Năm nay do ảnh hưởng của bão nên sản lượng sụt giảm khoảng 40% so với mọi năm, may mắn là chất lượng cam vẫn đảm bảo”, bà Bảy chia sẻ.
Những ngày qua, cam đang chín dần, thương lái đã bắt đầu vào tận vườn để thu mua, kịp đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Theo lời bà Bảy, sáng sớm nào cũng có thương lái vào vườn để hái quả, chủ vườn chỉ cần đứng ở ngoài để kiểm kê và cân quả.
Vừa nhẹ nhàng nâng những chùm cam, bà Bảy vừa tâm sự: “Vất vả cả năm, đây là thời điểm người dân nơi đây vui mừng nhất. Thương lái cứ nườm nượp vào hái quả, cam chín đến đâu là hết đến đó. Cũng từ quả cam này mà bà con nông dân có nhà đẹp để ở, có xe mới để đi”.
Nằm cách vườn cam của bà Bảy khoảng 2 km, vườn cam của gia đình anh Trần Danh Đại cũng đang trong độ chín vàng, quả nào cũng căng mọng. Trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt Nam, anh Đại hồ hởi chia sẻ:
“Cam đã bắt đầu cho thu hoạch được rồi, ước tính giá cam trong khoảng 40.000 – 50.000 đồng/ kg. Nhiều năm nay cứ đến vụ cam là thương lái tìm đến tận vườn để thu mua, tôi không phải mất công mang ra chợ bán, cũng vì vậy mà thu nhập tăng cao”.
Trên diện tích 3ha, ngoài trồng các loại cam giấy bản địa, cam đường canh, gia đình anh Đại còn trồng thêm một số giống quýt ngọt để gia tăng sự lựa chọn cho thực khách.
Để tạo nên hương vị thơm ngon cho cây cam Vạn Yên, ngoài điều kiện thổ nhưỡng thì theo quy trình chăm sóc có vai trò đặc biệt quan trọng. Theo tiết lộ của bà Lê Thị Bảy, trong nhiều năm qua, cây cam được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP với nguồn phân hữu cơ, bón lót 4 lần/năm và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu.
Nhìn những vườn cam chín vàng, người nông dân tại Vạn Yên lại càng thêm hân hoan, phấn khởi. Từ cây cam, đời sống kinh tế của bà con nông dân ngày càng khấm khá, từng bước hiện thực hóa ước mong làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Hiện nay, trên địa bàn xã Vạn Yên có hơn 100 hộ gia đình trồng cam với tổng diện tích là khoảng 200ha. Năm 2016, sản phẩm cam Vạn Yên đã được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh và trở thành loại cây phát triển kinh tế chủ lực tại địa phương trong nhiều năm.
ĐẮK NÔNG Từ nhiều năm nay, vườn tiêu của ông Hùng luôn đạt chuẩn hữu cơ do Tổ chức Control Union Hà Lan tại Việt Nam thẩm định, được thu mua giá cao hơn thị trường 25%.
HÀ TĨNH Những ngày này, làng nghề sản xuất mật mía ở xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đang ngày đêm đỏ lửa nấu mật phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Làm sao để đồ xôi thơm ngon, dẻo, hạt xôi căng bóng như ngoài hàng? Bạn nhất định phải 'bỏ túi' một số bí quyết dưới đây!
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
Salad là một trong những món ăn đơn giản nhưng chứa rất nhiều dưỡng chất, vitamin cần thiết cho cơ thể nên được nhiều người ưa chuộng.
QUẢNG NINH Những ngày qua, nhiều vườn cam tại xã Vạn Yên (huyện Vân Đồn) đã bắt đầu vào vụ, cây nào cây nấy trĩu quả, khoe sắc vàng óng ả trong ánh nắng mai.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.